Buông chất lượng?

Bỏ chấm điểm lớp 1: Trường lúng túng, phụ huynh lo

Bỏ chấm điểm lớp 1 được chuyên gia hoan nghênh, để giảm áp lực cho gia đình và con trẻ, nhưng giáo viên và phụ huynh lại lo lắng.
Trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục tiểu học năm 2013-2014 gửi các sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ: "Đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh". Trong khi các chuyên gia giáo dục cho rằng bỏ chấm điểm với học sinh lớp 1 là hợp lý thì nhiều ý kiến giáo viên, phụ huynh lại cho rằng vẫn nên thực hiện quy định này. Để giảm áp lực Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển, lớp 1 không cần chấm điểm, vì hết lớp 1 chỉ yêu cầu học sinh biết đọc, biết viết. Ông cho rằng điều cần thiết đối với lớp 1 là giáo viên theo sát học sinh, hướng dẫn, nhận xét các em. Trong mô hình trường học mới mà Bộ đang triển khai cũng không có việc chấm điểm lớp 1 mà chỉ có một bài kiểm tra tổng hợp kiến thức cuối năm. Cùng quan điểm này, giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, lớp 1 chủ yếu để làm quen với môi trường học tập mới với trường lớp, sách vở. Kiến thức các em học được đơn giản chỉ là biết chữ nên không cần chấm điểm. Ngay từ khi triển khai thí điểm công nghệ giáo dục ở trường Thực nghiệm năm 1978, ông đã chủ trương bỏ việc chấm điểm. Còn theo phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng giáo dục và khảo thí, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, việc không chấm điểm cho học sinh lớp 1 sẽ giúp các em và cả phụ huynh bớt đi áp lực, cuộc đua luyện chữ, tập đọc từ bậc mầm non sẽ giảm. Phân tích cụ thể hơn, ông Khanh cho biết, phụ huynh nào cũng muốn con mình học giỏi học tốt, mà học giỏi học tốt đối với phụ huynh thì đôi khi đơn giản chỉ là điểm cao. Hiện rất nhiều phụ huynh khi đón con từ trường về, câu đầu tiên hỏi cháu luôn là: “Hôm nay con được mấy điểm?”. Nếu con chỉ được 6 điểm là bố mẹ đã lo lắng, thậm chí la mắng, gây áp lực cho trẻ, sau đó lại cho con đi học thêm. “Vì thế, nếu tập trung đánh giá các em bằng nhận xét các điểm mạnh điểm yếu để các em tiến bộ trong quá trình học tập thì tốt hơn, nó góp phần làm giảm kỳ vọng của phụ huynh. Phụ huynh thấy giáo viên nhận xét con còn chưa được ở điểm nào thì có thể giúp con,” ông Khanh phân tích.
Bỏ chấm điểm lớp 1: Trường lúng túng, phụ huynh lo ảnh 1
Học sinh lớp 1 chủ yếu chỉ cần biết đọc, biết viết nên không quá áp lực điểm số. (Ảnh: TTXVN)
Buông chất lượng? Tuy nhiên, chủ trương mới của Bộ lại khiến các trường cũng như phụ huynh băn khoăn. Theo cô Lê Thanh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bình Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội), việc cho điểm cũng là một cách để học sinh biết mình đang ở đâu, còn yếu ở điểm nào và có động lực để phấn đấu. Cũng theo cô Hà, ban đầu, khi Bộ đưa ra quy định bỏ hẳn chấm điểm, một phương án đã được trường nghĩ đến là việc phát hoa cho học sinh, giống như phiếu bé ngoan ở bậc mầm non, để các em và phụ huynh biết con mình đã đạt mức độ nào. “Thực tâm tôi áy náy vô cùng nếu không cho điểm. Đúng là bỏ hẳn điểm sẽ giảm áp lực cho học sinh, nhưng nó cũng có thể dẫn tới việc buông luôn chất lượng. Là người quản lý, chúng tôi cũng không biết làm thế nào để đánh giá chất lượng giáo viên, để thúc đẩy họ công tác tốt hơn. Còn nếu chấm mà không thông báo với phụ huynh thì sẽ làm mất sự kết nối giữa hai bên, phụ huynh không biết con mình học hành thế nào để kết hợp cùng nhà trường giáo dục con tốt hơn,” cô Hà bày tỏ. Chia sẻ của cô Hà cũng là nỗi lo của khá nhiều phụ huynh. Dù tự nhận là một người không nặng nề về điểm số, coi việc học hành chỉ là một góc nhỏ trong cuộc sống của con nhưng chị Nguyễn Hoàng Minh (phố Đào Tấn, Hà Nội) ủng hộ duy trì việc chấm điểm như những năm trước. Cụ thể, ở các môn nhạc, họa, kỹ năng, thể dục, để các cháu yêu thích thì không cần gây áp lực, chỉ nhận xét phân loại A, B, C. Nhưng các môn chính nên cho điểm rõ ràng, vì điểm là nguồn động viên cho học sinh. “Nếu con được 10 điểm sẽ phấn khởi hơn 8 điểm dù khung từ 8 đến 10 vẫn loại A. Đi học về con được 9, 10 điểm thì khoe, còn 7 điểm bố mẹ có thể bảo con cố gắng,” chị Minh chia sẻ. Có cậu con trai năm nay nhập học lớp 1 Trường Tiểu học Đoàn Kết (Hà Đông, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hương cũng chia sẻ, chị vẫn mong con mình được chấm điểm. “Điểm là để khuyến khích học sinh, để các con biết năng lực của mình đến đâu, cần phấn đấu thế nào. Còn việc áp lực hay không lại phần lớn là vấn đề của phụ huynh. Phụ huynh đừng nên kỳ vọng con luôn phải thật giỏi, lớp có 50 người thì không thể ai cũng đứng đầu,” chị Hương chia sẻ./.
Công văn số 5478/BGDĐT-GDTH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ Giáo dục tiểu học năm học 2013-2014, do Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký ban hành ngày 8/8/2013 có quy định: "Đối với việc đánh giá học sinh lớp 1, ngoài bài kiểm tra vào cuối năm học, giáo viên tuyệt đối không cho điểm trong suốt quá trình tổ chức dạy học".

Tuy nhiên, sau khi xem xét kỹ, Bộ nhận thấy hướng dẫn này chưa phù hợp với Thông tư 32 của Bộ (quy định kết hợp đánh giá điểm số và đánh giá nhận xét), Bộ đã điều chỉnh: "Đối với lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm học sinh. Nếu chấm điểm, giáo viên không nên thông báo điểm số cho gia đình học sinh".

Theo Thứ trưởng Hiển, trước mắt vẫn có thể chấm điểm nhưng lộ trình hướng tới của Bộ là không chấm điểm cho học sinh lớp 1.

Phạm Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục