Bộ Công an giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hành vi của cán bộ

Bộ Công an cần có giải pháp cả trong xây dựng pháp luật và thực thi áp dụng pháp luật để mọi hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ.
Bộ Công an giám sát, kiểm soát chặt chẽ mọi hành vi của cán bộ ảnh 1Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lê Sơn/TTXVN phát)

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ Công an cần có giải pháp cả trong xây dựng pháp luật và thực thi áp dụng pháp luật để bảo đảm mọi quyền lực đều phải được kiểm soát, mọi hành vi của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đều phải được giám sát, kiểm soát chặt chẽ không chỉ trong nội bộ ngành mà kể cả qua người dân, tổ chức, đoàn thể liên quan.

Phát biểu trong buổi làm việc với Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an của Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW về “Chiến lược xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020” diễn ra chiều 23/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Xuân Phúc (trưởng đoàn) ghi nhận và đánh giá cao việc triển khai thực hiện Nghị quyết 48-NQ/TW của Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an đã theo đúng kế hoạch, đúng hướng dẫn của Ban chỉ đạo.

Bộ Công an đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan triển khai nghiêm túc Nghị quyết, làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết, tổ chức nhiều Hội nghị về công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật; đưa nghị quyết vào chương trình giảng dạy tại các trường học của Bộ. Bên cạnh việc chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh, văn bản quy phạm pháp luật được giao, Bộ đã phối hợp tốt với các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng các dự án Luật do các cơ quan khác chủ trì xây dựng. Các văn bản Bộ ban hành đều bám sát thẩm quyền, bảo đảm sự phù hợp, tính thống nhất.

Phó Thủ tướng nêu rõ, là ngành có lực lượng cán bộ rất lớn, Bộ Công an đã chỉ đạo sát sao công tác kiểm tra thi hành pháp luật, xử lý vi phạm, phát hiện nhiều sai phạm và xử lý nghiêm những cán bộ, chiến sỹ có sai phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tiêu cực, vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Phó Thủ tướng cũng biểu dương Bộ Công an trong công tác xây dựng cán bộ làm công tác pháp luật nói riêng và đội ngũ cán bộ nói chung ở tất cả các cấp, bảo đảm số lượng, chất lượng, trình độ ngày càng tốt hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị Đảng ủy Công an Trung ương tiếp thu ý kiến của các đại biểu dự họp, tiếp tục hoàn thiện Báo cáo để gửi Ban chỉ đạo thông qua Ban Nội chính Trung ương theo đúng tiến độ hướng dẫn. Báo cáo cần có đánh giá chung kết quả thực hiện của Bộ đã đạt so với yêu cầu Nghị quyết đặt ra, đạt ở mức độ nào, những vấn đề gì chưa tốt, chưa làm xong, cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, định hướng cho công tác xây dựng pháp luật liên quan đến ngành Công an trong thời gian tới… Báo cáo cũng cần nêu rõ các nội dung cần sửa đổi, bổ sung của Nghị quyết 48, những nội dung còn phù hợp và tiếp tục thực hiện; rà soát lại để có tính toán tổng thể, hệ thống về các văn bản Luật, pháp lệnh cần phải bổ sung trong các lĩnh vực Bộ theo dõi.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ tiếp tục quan tâm chỉ đạo Cục Pháp chế và các đơn vị liên quan tiến hành nghiêm túc quá trình tổng kết Nghị quyết 48 theo đúng hướng dẫn, bảo đảm chất lượng của báo cáo tổng kết.

Bộ trưởng Trần Đại Quang cho biết, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của Nghị quyết số 48-NQ/TW, đã tổ chức quán triệt và xây dựng kế hoạch hành động cụ thể.

Thực hiện kế hoạch tổng kết Nghị quyết số 48-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đảng ủy Công an Trung ương và Bộ Công an cũng ban hành kế hoạch tổng kết Nghị quyết này trong Công an nhân dân. Kết quả tổng kết cho thấy, sau 10 năm (2005-2015) thực hiện Nghị quyết, Bộ Công an đã chủ trì soạn thảo, trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành 11 luật và 8 pháp lệnh. Các luật, pháp lệnh do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đều phù hợp với Hiến pháp, đáp ứng được yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới và bảo đảm tính khả thi, thống nhất của hệ thống pháp luật. Để hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, Bộ Công an đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 94 nghị định, 64 quyết định của Thủ tướng Chính phủ; chủ trì ban hành 92 thông tư liên tịch; Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 566 thông tư; 61 quyết định và chỉ thị.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế về xây dựng pháp luật, đấu tranh phòng chống tội phạm, Bộ Công an đã phối hợp với các bộ, ngành tiến hành đàm phán, đề xuất Chính phủ, Chủ tịch nước ký kết gia nhập năm điều ước quốc tế đa phương, 37 hiệp định liên quan đến tương trợ tư pháp hình sự, chuyển giao người bị kết án phạt tù, dẫn độ, phòng, chống tội phạm giữa Việt Nam với nước ngoài. Bộ Công an cũng đã trực tiếp đàm phán, ký kết trên 100 thỏa thuận quốc tế với cơ quan công an, nội vụ, an ninh, cảnh sát, tình báo, lực lượng vũ trang đồng cấp của nước ngoài để phục vụ tốt hoạt động hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm.

Trên cơ sở các quy định pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm, Công an nhân dân đã tổ chức triển khai thi hành pháp luật có hiệu quả, chất lượng trên các mặt công tác công an, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh làm tốt công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật, thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ khác trong Nghị quyết 48-NQ/TW, Bộ Công an còn không ngừng phát triển, mở rộng hệ thống thông tin và phổ biến, giáo dục pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân tiếp cận, tìm hiểu hệ thống pháp luật.

Cũng tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Đại Quang đề nghị các đơn vị trong ngành tiếp thu lắng nghe ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn, trên cơ sở chức năng của từng đơn vị, nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới một cách cụ thể, bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Chính phủ, Quốc hội, của Bộ Công an để triển khai đảm bảo tiến độ. Trước hết chú trọng đến các dự án pháp luật được phân công cho Bộ Công an chủ trì, tập trung triển khai đảm bảo chất lượng, tiến độ các dự án được phân công và đề cao trách nhiệm tham gia xây dựng tất cả các văn bản pháp luật do các ngành khác chủ trì.

Bộ trưởng Bộ Công an lưu ý các đơn vị sau khi thực hiện một dự án pháp luật cần có sơ kết tổng kết lại, rút kinh nghiệm, phát hiện khó khăn vướng mắc, kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền một cách kịp thời để nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu và chỉ đạo của Bộ Chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục