Bộ Công Thương hợp tác thương mại-công nghiệp với địa phương Nhật Bản

Việc đầu tư vào Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp tỉnh Wakayama khai thác thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn có thể vươn ra thị trường 600 triệu dân của ASEAN, thị trường RCEP, CPTPP.
Bộ Công Thương hợp tác thương mại-công nghiệp với địa phương Nhật Bản ảnh 1Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (trái) và Thống đốc tỉnh Wakayama (phải) trao đổi ký biên bản ghi nhớ. (Ảnh: Đào Thanh Tùng/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, ngày 24/11, bên lề chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Yoshinobu Nisaka, Thống đốc tỉnh Wakayama, đã ký Bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp giữa Bộ và chính quyền tỉnh.

Trước đó, phát biểu tại buổi tiếp Thống đốc Nisaka, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao tiềm năng phát triển của Wakayama, địa phương có Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đứng thứ 20 trong số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản dù chỉ có hơn 1 triệu dân.

Bộ trưởng khẳng định với tiềm năng lo lớn đó của Wakayama, kết hợp với nhiệm vụ và trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc phát triển thị trường, hai bên còn rất nhiều cơ hội hợp tác chặt chẽ để biến tiềm năng đó thành lợi ích thực chất cho doanh nghiệp của Việt Nam và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị Thống đốc Nisaka khuyến khích doanh nghiệp ở Wakayama tăng cường đầu tư vào Việt Nam.

Theo Bộ trưởng, việc đầu tư vào Việt Nam không chỉ giúp doanh nghiệp Wakayama khai thác thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn có thể vươn ra thị trường 600 triệu dân của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) hay các thị trường lớn hơn như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) hay Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)...

Ngược lại, thông qua đầu tư của Wakayama, Việt Nam sẽ được tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm và kinh nghiệm quản trị sản xuất cùng với nguồn nhân lực mới.

Ngoài ra, trong quá trình tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, Bộ trưởng rất mong tỉnh Wakayama hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chính sách phát triển công nghiệp và đẩy mạnh hợp tác sản xuất linh kiện, thiết bị cho ngành dệt may.

[Tỉnh Wakayama cam kết tạo điều kiện cho DN đầu tư sang Việt Nam]

Về phần mình, Thống đốc Nisaka đã bày tỏ vui mừng về các kết quả hợp tác giữa hai bên trong thời gian qua, đồng thời cảm ơn sự hỗ trợ của Bộ Công Thương trong quá trình cấp phép nhập khẩu cho quả quýt tươi Unshiu của tỉnh này.

Ông cũng khẳng định Wakayama sẽ ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ để Nhật Bản sớm cấp phép nhập khẩu quả nhãn tươi của Việt Nam trong năm 2022.

Bên cạnh đó, Thống đốc Nisaka đánh giá cao ý nghĩa của khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Công Thương và tỉnh Wakayama, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng thông qua Bản ghi nhớ về hợp tác được ký trong dịp này, hai bên sẽ phối hợp chặt chẽ tổ chức nhiều hoạt động cụ thể để khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Wakayama và của Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam và Nhật Bản đang thực thi hiệu quả CPTPP và chuẩn bị thực thi RCEP vào đầu năm tới.

Thống đốc Nisaka cũng chia sẻ trong 3 năm qua, trên nền tảng hợp tác tốt đẹp giữa Bộ Công Thương và chính quyền Wakayama, ngày càng nhiều doanh nghiệp ở tỉnh này đã quan tâm đến Việt Nam và sang Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

Ông Nisaka cũng mong muốn chào đón các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Nhật Bản nói chung và Wakayama nói riêng trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục