Bộ đôi Biden-Harris và kế hoạch giải quyết tình trạng bất bình đẳng

Một số cho rằng tiểu sử của ông Biden và bà Harris báo hiệu chính quyền mới của nước Mỹ sẽ sớm có những kế hoạch để giải quyết tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng đang đe dọa xã hội Mỹ.
Bộ đôi Biden-Harris và kế hoạch giải quyết tình trạng bất bình đẳng ảnh 1Ông Joe Biden (trái) và bà Kamala Harris tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ ở Wilmington, Delaware, Mỹ, ngày 20/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng aljazeera.com cho biết trước thềm lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris ngày 20/1/2021, dư luận đang bắt đầu nói đến những thay đổi mà bộ đôi này sẽ thúc đẩy khi chính thức bước vào Nhà Trắng.

Một số cho rằng tiểu sử của ông Biden và bà Harris báo hiệu chính quyền mới của nước Mỹ sẽ sớm có những kế hoạch để giải quyết tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng đang đe dọa xã hội Mỹ. Một số khác lại không đồng tình với những dự báo này.

Dù sao đi nữa, lịch sử cũng đã chứng minh rằng dù đúng, dù sai, những gì sẽ xảy ra đều phụ thuộc vào các hành động tập thể.

Trong bài viết trên trang mạng của Aljazeera, Ben Phillips - tác giả cuốn sách "How to Fight Inequality" (tạm dịch: “Đối phó với bất bình đẳng”) - cho rằng nhìn rộng ra trên khắp thế giới, những tiến bộ trong cuộc chiến chống bất bình đẳng chưa bao giờ có được chỉ từ nỗ lực của giới lãnh đạo chính trị, mà phải là thành quả từ sức mạnh nhân dân.

Không phải vì các nhà hoạch định chính sách là những người thiếu thận trọng hay vô cảm, thực tế là sự hiện diện của những nhà hoạch định chính sách có tâm và có tầm là chưa đủ để thay đổi cục diện tình trạng bất bình đẳng.

Tổng thống Lyndon Johnson từng nói với mục sư Martin Luther King: “Tôi biết tôi phải làm gì, nhưng bạn phải thúc ép tôi làm điều đó."

Những chính sách tiến bộ nổi tiếng từng được ban hành tại Mỹ trong giai đoạn những năm 1930-1970 sẽ không thể thành hình nếu thiếu áp lực từ người dân.

[Black Lives Mattter - Khát vọng bình đẳng giữa các màu da, chủng tộc]

Thành quả có được là nhờ sự đồng hành của các nghiệp đoàn, các tổ chức da màu, các nhà thờ và các nhóm tiến bộ, theo lời của Mục sư Luther King là “để tập hợp sức mạnh thành quyền lực đầy thuyết phục, để chính phủ không thể phớt lờ những yêu sách của chúng ta.”

Những nhân vật nổi bật có thể kể đến như lãnh đạo nghiệp đoàn Mỹ-Phi Philip Randolph, người đã gây áp lực với cả các chính phủ của Franklin D Roosevelt và Kennedy-Johnson bằng cách cảnh tỉnh họ về sức mạnh của tập hợp nhân dân.

Và nếu không có những hoạt động ấy, những lãnh đạo Mỹ có thể sẽ không bao giờ được nhớ đến với tư cách các nhà cải cách.

Điều quan trọng hơn cần nhắc đến ở đây chính là những người thúc đẩy các phong trào.

Nhà hoạt động quyền dân sự Diane Nash từng viết: “Phải cần đến hàng nghìn người để thúc đẩy những thay đổi mà chúng ta đã tạo ra, những người mà danh tính của họ chúng ta sẽ không bao giờ biết. Họ có thể không bao giờ được tưởng thưởng vì những hy sinh của họ, nhưng tôi vẫn nhớ đến họ.”

Các nghiệp đoàn chính là chìa khóa của sức mạnh. Sự hiện diện của các nghiệp đoàn không tác động đến tiền lương, mà tác động tới quyền lực, và từ đó là chính sách của các quốc gia.

Trên thực tế, các chính sách đánh thuế cao đối với giới siêu giàu và các khoản đầu tư mạnh tay cho dịch vụ công nhằm đem lại lợi ích cho người dân đã được duy trì trong suốt giai đoạn nghiệp đoàn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ dưới thời các chính quyền Dân chủ và Cộng hòa.

Đến giữa những năm 1990, khi số người tham gia nghiệp đoàn ít hơn so với giai đoạn trước, đảng Dân chủ và Cộng hòa đều đã theo đuổi cách những chính sách thương mại mà xét trên nhiều phương diện đều ít tiến bộ hơn hẳn giai đoạn những năm 1950-1960.

Vì vậy, liệu ông Biden và Harris có thúc đẩy những thay đổi triệt để, điều mà cuộc khủng hoảng vì dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đã nhấn mạnh tới sự cần thiết hay không, không chỉ phụ thuộc vào họ, mà chính là phụ thuộc ở chính người dân.

Cuộc bầu cử không phải là sự kết thúc của quá trình, mà chỉ là một phần trong đó.

Nếu Mỹ - và các quốc gia khác - thực sự muốn hóa giải bất bình đẳng, họ sẽ phải đi trên con đường dẫn tới sự tập hợp mà mục sư William Barber gọi là "Liên minh hợp nhất," cụ thể là khi đông đảo người dân cùng tập hợp trong các phong trào có sự kết nối, để đảm bảo rằng mức lương sẽ được cải thiện, rằng họ được cung cấp các dịch vụ chăm sóc y tế, và họ không phải chịu gánh nặng nợ nần; hướng đến mục tiêu cuối cùng là phá vỡ sự thao túng của người da trắng và bạo lực mang tính cấu trúc; để đạt được Thỏa thuận Mới về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống phương tiện giao thông công cộng chất lượng và tạo ra hàng triệu việc làm. Đó là những điều đáng để đấu tranh, và chỉ có thể đấu tranh thành công khi có sự tham gia của hàng triệu người.

Không ai có thể cứu lấy ai, chỉ có cách sát cánh cùng nhau mới giúp con người giải phóng mình. Quá trình ấy có thể diễn ra chậm, phức tạp và đôi khi lầm lỡ, song đó là cách duy nhất.

Đáp lại câu hỏi vì sao ông luôn theo đuổi mục tiêu vận động người dân, thay vì chỉ nỗ lực thuyết phục họ, Martin Luther King nhấn mạnh: “Chúng ta không thể gặt hái được bất kỳ điều gì nếu không có những áp lực thực sự mạnh mẽ.”

Trước thời khắc Nhà Trắng có chính quyền mới, người ta có thể thở phào và hân hoan, song nhìn lại lịch sử từng cho thấy điều gì, người ta cần nhớ rằng hy vọng không đến từ các lãnh đạo, hy vọng nằm ở chính người dân./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục