Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2023

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố 10 dấu ấn nổi bật của ngành trong năm 2023 như tròn 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, thúc đẩy phát triển giáo dục 6 vùng kinh tế...

Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)
Giờ học của cô và trò Trường Tiểu học Thành Long, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Sáng nay, 30/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2023.

1. Đánh giá kết quả 10 năm thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục theo Nghị quyết 29

Năm 2023 đánh dấu 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.

Thực hiện phân công của Bộ Chính trị, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29. Dự thảo Đề án tổng kết Nghị quyết 29 đã nhận định rõ những thành tựu cũng như những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hạn chế và và đề xuất các định hướng phát triển giáo dục và đào tạo trong giai đoạn tiếp theo phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

2. Thúc đẩy phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội.

Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức 6 hội nghị phát triển giáo dục và đào tạo 6 vùng kinh tế - xã hội nhằm bàn sâu, đánh giá đúng tình hình, thống nhất các giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, qua đó góp phần quan trọng để triển khai thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra.

Hội nghị đã thảo luận, nhận diện bức tranh giáo dục của từng vùng; trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về những việc đã làm được trong thời gian qua và đề ra các giải pháp để phát triển giáo dục vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã ban hành 6 Kế hoạch hành động để xác định các nhiệm vụ, giải pháp phát triển giáo dục và đào tạo của 6 vùng kinh tế - xã hội.

dau-an-1-900.jpg
Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị phát triển giáo dục các vùng kinh tế. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

3. Đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm 2023, đánh dấu một nửa chặng đường triển khai dạy và học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ trì xây dựng báo cáo đánh giá giữa kỳ việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm nhìn lại kết quả đạt được, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong những năm tiếp theo.

4. Hoàn thành phê duyệt sách giáo khoa mới

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phê duyệt sách giáo khoa các môn học đảm bảo chất lượng và theo đúng kế hoạch. Tính đến cuối năm 2023, nhiệm vụ này đã được Bộ hoàn thành.

Đến nay, sách giáo khoa triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được bảo đảm đầy đủ theo đúng lộ trình quy định. Nội dung, chất lượng sách giáo khoa đáp ứng yêu cầu, được đổi mới theo hướng tinh giản, tăng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn.

dsc-1469-7693.jpg
Năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã hoàn thành phê duyệt sách giáo khoa mới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

5. Xác định phương án thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025

Ngày 28/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 4068/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt “Phương án tổ chức Kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025”. Phương án này đã được công bố rộng rãi tới toàn thể xã hội.

Theo phương án, nội dung thi sẽ bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh thi bắt buộc môn Ngữ văn, môn Toán và 2 môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ).

6. Phát triển và chăm lo đội ngũ nhà giáo

Tiếp nối những nỗ lực nhằm phát triển và chăm lo cho đội ngũ nhà giáo đã được thực hiện trước đó, năm 2023 tiếp tục cho thấy nhiều dấu ấn trong công tác này.

Giáo viên được nâng lương từ ngày 1/7/2023 theo Nghị quyết của Quốc hội về nâng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Giáo viên được bỏ thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức theo Nghị định 85/2023/NĐ-CP ngày 25/9/2023 của Chính phủ. Năm 2024 các địa phương sẽ tiếp tục được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu gv ở các trường mầm non, phổ thông. Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội trong năm 2024.

Cũng trong năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 08/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 3/2021/TT-BGDĐT 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập. Thông tư mới đã tạo thuận lợi, động lực cho đội ngũ giáo viên.

8ec1f67b5ee4f6baaff5-2260.jpg
Cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Khao Mang, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

7. Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ hơn một triệu giáo viên cả nước

Ngày 15/8/2023, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đã có cuộc gặp gỡ bằng hình thức trực tuyến với trên một triệu giáo viên cả nước. Đây là lần đầu tiên, hoạt động này được tổ chức. Trước khi diễn ra, thông qua kênh của Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã có hơn 6.300 câu hỏi được gửi tới Bộ trưởng, cho thấy sự quan tâm, mong mỏi của giáo viên được trò chuyện, được lắng nghe giải đáp trực tiếp từ người đứng đầu ngành về những vấn đề thiết thân với đội ngũ.

Tại cuộc gặp gỡ, các giáo viên đã chia sẻ các vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn và nêu các đề xuất, kiến nghị với Bộ trưởng. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe, giải đáp các vấn đề cũng như động viên, khích lệ giáo viên nỗ lực trong việc thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.

8. Số hóa đầy đủ cơ sở dữ liệu ngành giáo dục và kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia

Năm 2023, ngành giáo dục lần đầu tiên đưa vào khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu về giáo dục đại học (HEMIS), trong đó có công tác tuyển sinh thực hiện trực tuyến trên HEMIS. Hệ thống Hemis đã kết nối thông suốt với cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và thực hiện đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm. Đến nay, Bộ đã đồng bộ dữ liệu về người lao động, việc làm của trên 97.000 sinh viên đã tốt nghiệp năm 2022 và gần 7.400 sinh viên tốt nghiệp năm 2023.

Trước đó, các cơ sở dữ liệu về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã được rà soát thu thập đầy đủ, làm sạch dữ liệu, kết nối với các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo hiểm, công chức, viên chức phục vụ chuyển đổi số quốc gia.

9. Phát động phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời

Ngày 10/6/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Hội Khuyến học Việt Nam và các cơ quan liên quan tổ chức Lễ phát động Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”. Lễ phát động với mục đích tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.

Sau lễ phát động, các Bộ, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, các tỉnh, thành phố sẽ triển khai thi đua sâu, rộng và thường xuyên, để cả hệ thống chính trị, toàn dân hưởng ứng Phong trào “Cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2023-2030”, góp phần phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển đất nước.

10. Duy trì top 10 quốc gia đạt kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế cao nhất

Năm 2023 tiếp tục đánh dấu một năm thành công của giáo dục mũi nhọn, khi các đội tuyển học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế và khu vực liên tục mang về thành tích cao.

7 đoàn học sinh tham dự Olympic khu vực và quốc tế với 36 lượt học sinh tham gia. Các đoàn học sinh Việt Nam đã mang về cho nước nhà thành tích xuất sắc, tất cả các thí sinh của các đoàn đi thi đều đoạt giải, với 8 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc, 12 Huy chương Đồng và 4 Bằng khen. Các đoàn học sinh của Việt Nam dự thi năm 2023 tiếp tục giữ thành tích trong top 10 quốc gia đạt kết quả cao nhất, nhiều học sinh đạt số điểm cao nhất.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục