Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho 58 nhà giáo tiêu biểu

Các giáo viên tiêu biểu được trao tặng bằng khen công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ với các thầy cô. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh chia sẻ với các thầy cô. (Ảnh: Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Chiều nay, 16/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức gặp mặt 56 nhà giáo tiêu biểu tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2023 và trao tặng bằng khen của Bộ trưởng.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh cho biết “58 thầy cô có mặt hôm nay đại diện cho giáo viên trên cả nước, vùng sâu, vùng xa tham gia chương trình chia sẻ cùng thầy cô”.

Theo Thứ trưởng Ngô Thị Minh, các thầy cô được tuyên dương là những tấm gương nhà giáo tiêu biểu từ bậc mầm non đến đại học đã không ngừng nỗ lực, hết lòng vì những học sinh thân yêu.

Nhiều thầy cô có bố mẹ bệnh tật, chồng công tác xa. Có những thầy cô nhờ sự đồng cảm từ gia đình đã vượt qua những thử thách như thiếu thốn cơ sở vật chất, điều kiện ăn ở, đi lại... để bám trường, bám lớp, bám sát học sinh. Nhiều thầy cô đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để gắn bó, mang con chữ đến cho học trò. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành giáo dục và đào tạo đang thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đòi hỏi các thầy cô càng phải nỗ lực hơn nữa, vượt mọi rào cản đeer ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy trong khi nhiều nơi chưa có sóng Internet, điều kiện đi lại khó khăn.

“Thay mặt Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi biểu dương những thành quả, cống hiến, đóng góp của thầy cô, trong đó đặc biệt là 58 thầy cô về tham dự Chương trình chia sẻ thầy cô năm 2023”, Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

b9cedff1-3768-4f70-8965-b520d38f562e-7887.jpeg
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen cho các thầy cô. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Ngô Thị Minh đã lắng nghe chia sẻ của các thầy cô và trao tặng các thầy cô bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình Chia sẻ cùng thầy cô là hoạt động thường niên do Hội Liên hiệp Thnah niên Việt Nam tổ chức với sự phối hợp của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sự tài trợ của Tập đoàn Thiên Long. Được tổ chức từ năm 2015, sau 8 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 458 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên mọi miền tổ quốc.

Đó là các thầy cô giáo đang ngày đêm “bám bản” dạy học tại các vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh; các thầy cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các thầy cô là người dân tộc thiểu số đang công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Năm nay, đối tượng được lựa chọn tuyên dương là các giáo viên tiêu biểu đang công tác ở các trường học tại các xã khó khăn khu vực I, khu vực II, khu vực III thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 01/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng nhận các hồ sơ đề cử từ các đơn vị.

Từ 107 hồ sơ các gương thầy cô giáo từ 51 tỉnh, thành phố và các tổ chức giới thiệu, Hội đồng xét chọn 58 gương giáo viên tiêu biểu xuất sắc để tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2023. Trong các thầy cô được lựa chọn có 19 giáo viên là người dân tộc thiểu số. Giáo viên lớn tuổi nhất là cô giáo Nguyễn Thị Ngà (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học An Quang, huyện An Lão, tỉnh Bình Định và cô giáo Lý Thị Lam (sinh năm 1970), công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Phong, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn.

Giáo viên trẻ tuổi nhất là thầy giáo Trần Lê Minh Chiến (sinh năm 1996), công tác tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Sơn Màu, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi và thầy giáo Nguyễn Thanh Dương (sinh năm 1996), công tác tại Trường Trung học cơ sở Minh Tân, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.

Giáo viên có hoàn cảnh khó khăn nhất là cô giáo Nguyễn Thị Kim Lý (sinh năm 1979), công tác tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hoa Thám, Thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Cô vừa đi làm vừa chăm chồng bị ung thư và con gái sống thực vật từ nhỏ.

Chương trình là hoạt động thiết thực, ý nghĩa và nhân văn nhằm chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục