Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Những “người đưa đò” đặc biệt

Cô Lê Thị Thanh Hồng cho biết, động lực để cô gắn bó với công việc chính là khi nhìn thấy trẻ có sự thay đổi dù chỉ là những cử chỉ rất nhỏ như biết khoanh tay chào bố mẹ, biết tự cầm thìa xúc cơm...

Lễ vinh danh Chuyên viên can thiệp Xuất sắc nhất Quý 1 và Quý 2 .(Nguồn: Trẻ tự kỷ Hoàng Đức)
Lễ vinh danh Chuyên viên can thiệp Xuất sắc nhất Quý 1 và Quý 2 .(Nguồn: Trẻ tự kỷ Hoàng Đức)

Với nỗ lực của mình, những giáo viên dạy trẻ tự kỷ tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức (thành phố Biên Hòa, Đồng Nai) đã vượt qua khó khăn, đồng hành, chia sẻ, chăm sóc giúp nhiều học sinh bị tự kỷ tiến bộ, hòa nhập cộng đồng.

Hơn ai hết, những “người đưa đò” đặc biệt này hiểu được hoàn cảnh, số phận của trẻ em bị tự kỷ, hiểu các em rất cần hơi ấm của cộng đồng, xã hội để hòa nhập.

Vượt qua khó khăn

Đang trong giờ học cùng cô và các bạn, bỗng nhiên, em T. úp mặt xuống bàn, bắt đầu có hành vi không hợp tác với cô, thậm chí la hét, đánh cô, làm tổn thương bạn xung quanh.

Vì vậy, cô giáo phải ngừng giờ học, giúp T. trấn tĩnh và trở lại trạng thái tâm lý ổn định. Đó là những việc làm rất thường gặp của những giáo viên can thiệp trẻ tự kỷ, vì các bạn nhỏ ở Trung tâm dù đã lớn nhưng chưa kiểm soát được hành vi của mình.

Khác với việc dạy học thông thường, các giáo viên ở Trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ không có bảng đen, phấn trắng, không có cuốn giáo án chung. Ở đây có bao nhiêu trẻ sẽ là từng đấy cuốn giáo án, chương trình can thiệp dành riêng cho mỗi em.

Mỗi trẻ có khó khăn khác nhau, vì vậy, các cô phải theo sát, thấu hiểu và nắm rõ tính cách, biểu hiện của từng trẻ theo từng khung giờ để có thể đưa ra phương pháp can thiệp phù hợp cho mỗi em.

Cô Nguyễn Thị Sáu, giáo viên can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cho biết, cô đang chủ nhiệm 8 bé, mỗi ngày sẽ phải chuẩn bị 8 cuốn giáo án khác nhau.

Mỗi bé đến Trung tâm đều có khó khăn riêng, có bé thường khóc, ăn vạ, la hét, có bé hay đập đầu vào tường và có hành vi đánh, chống đối lại cô, có bé không thể tập trung hoặc không ngồi yên một chỗ quá 5 phút. Vì vậy, giáo viên phải lên chương trình phù hợp, giúp các em khắc phục, sửa chữa hành vi đó.

Để có thể can thiệp, đồng hành với các em, giáo viên cần có sự kiên trì, nhẫn nại vì trẻ rất khó khăn để có thể thực hiện được một bài tập. Giáo viên phải lặp lại nhiều lần từ ngày này qua ngày khác trẻ mới có thể thực hiện thuần thục được bài tập đó. Khó khăn là vậy nhưng các cô không bỏ cuộc, mỗi ngày lắng nghe và đồng hành giúp các em phát triển toàn diện hơn.

“Gần 7 năm gắn bó với nghề giáo, tôi chưa một ngày được nghỉ Hè. Trong quá trình đồng hành, có những bé không kiểm soát được hành vi đã nhiều lần đánh, đạp vào người cô nhưng không vì vậy tôi bỏ cuộc. Càng tiếp xúc, tôi càng gắn bó hơn vì nặng lòng với các em. Nếu như tôi chấp nhận bỏ cuộc vì những khó khăn đó, điều này sẽ đồng nghĩa các bé sẽ khó có cuộc sống tốt hơn sau này,” cô Nguyễn Thị Sáu chia sẻ.

Cô Lê Thị Thanh Hồng, chuyên viên can thiệp tại Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cho biết, với mỗi bé có sự phát triển khác nhau, cách trẻ thể hiện về khả năng nhận thức, diễn đạt hay sinh hoạt thường ngày cũng khác nhau. Mỗi em là một thế giới riêng.

Vì vậy, cô giáo phải thật sự kiên nhẫn, trở thành người bạn đồng hành để có thể “bước vào thế giới bí mật” cùng chơi, cùng học, từng bước đưa trẻ hòa nhập cộng đồng.

Niềm vui của nghề giáo dục đặc biệt

Mỗi giáo viên ở Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức đều còn rất trẻ nhưng vẫn lựa chọn gắn bó với công việc can thiệp hòa nhập cho trẻ tự kỷ. Bên cạnh áp lực công việc mỗi ngày, sự tiến bộ của trẻ dù chỉ là hành động rất nhỏ cũng khiến các cô vỡ òa trong hạnh phúc.

Cô Lê Thị Thanh Hồng cho biết, động lực để cô gắn bó với công việc chính là khi nhìn thấy trẻ có sự thay đổi dù chỉ là những cử chỉ rất nhỏ như biết khoanh tay chào bố mẹ, biết tự cầm thìa xúc cơm hay đơn giản là chịu ngồi yên chơi cùng bạn hoặc nghe cô kể một câu chuyện.

Theo cô Lê Thị Thanh Hồng, đối với trẻ nhỏ, việc biết chào hỏi, gọi thưa hay làm quen với bạn mới là kỹ năng rất thông thường. Đối với trẻ bị tự kỷ, để làm được điều đó là cả quá trình dài cô và trò cùng nhau cố gắng mỗi ngày.

a677fcbbdd3e178fba3a5e27f4a4a2f3-2022-10-11.08-22-36.jpg
Giáo viên ở Trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ.(Nguồn: UBND Đồng Nai)

Gắn bó gần 11 năm với nghề, cô Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức vẫn chưa quên được hình ảnh một học sinh của mình là bé trai 4 tuổi nhưng chưa có bất kỳ một âm nào, chưa biết chơi, tương tác với người khác và khả năng tập trung rất hạn chế.

Sau 3 tháng bé được can thiệp tại Trung tâm, em có sự cải thiện rất nhanh, biết chơi đồ chơi, biết bật âm gọi bố mẹ. Hiện em đã đi học lớp 1 và có thể hòa nhập với các bạn cùng trang lứa.

Có lần ông bà tới đón em sau giờ học, bất ngờ được nghe em gọi “ông, bà” khiến cả hai người rất ngỡ ngàng và bật khóc ngay tại Trung tâm. Đó chính là những sự thay đổi dù rất nhỏ của trẻ nhưng khiến gia đình và giáo viên đồng hành vỡ òa trong niềm hạnh phúc, cô Nguyễn Thị Mai nhớ lại.

Cô Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ Hoàng Đức cho biết, những giáo viên làm việc tại Trung tâm dù gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với trẻ nhưng đa phần các cô đều cố gắng vượt qua và bám trụ lại. Bằng tình yêu thương chân thành, họ đã làm cho những đứa trẻ cảm thấy an toàn, tin tưởng để bộc lộ bản thân.

Đó cũng chính là sợi dây tình cảm giữa cô và trò. Chính “sợi dây” này níu kéo, giúp các cô có thể vượt qua mọi trở ngại, góp phần hỗ trợ những trẻ đặc biệt này có cơ hội hòa nhập cuộc sống bình thường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục