Bộ Giao thông nói gì về kiến nghị buộc thi lại với người mất bằng lái?

Nhiều trường hợp tạm giữ bằng lái do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại.
Bộ Giao thông nói gì về kiến nghị buộc thi lại với người mất bằng lái? ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Liên quan đến đề xuất của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể về việc bắt buộc thi lại đối với những trường hợp mất giấy phép lái xe, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cho rằng quy định này là không nên và phía cơ quan Nhà nước lại đẩy phẩn khó sang người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Quyền, trước đây đã có quy định, khi mất giấy phép lái xe thì người mất phải chờ một tháng (kể từ ngày nộp đơn trình báo mất và xin cấp lại) để lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh xem mất thật hay do vi phạm bị lực lượng chức năng thu giữ bằng lái.

“Sau đó cải cách thủ tục hành chính cho rằng, quy định này gây khó khăn cho người dân, nên đã bãi bỏ. Giờ Bộ Giao thông Vận tải đề xuất các trường hợp mất bằng lái xe đều buộc phải thi lại để cấp mới sẽ rất khó cho những người bị mất thực sự. Việc này sẽ làm phát sinh không cần thiết về mặt thời gian và kinh phí,” ông Quyền nhìn nhận.

[Bộ trưởng Giao thông: Vượt đèn đỏ sẽ trượt thi bằng lái xe]

Đưa ra biện pháp hữu hiệu, ông Quyền cho rằng, Chính phủ nên chỉ đạo lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát giao thông cập nhật đầy đủ, kịp thời các trường hợp bị thu giữ bằng lái về cơ sở dữ liệu giấy phép lái xe đã được Tổng cục Đường bộ chuyển giao công nghệ trước đó.

Các lực lượng chức năng phải cập nhật đầy đủ kịp thời, khi ngành giao thông tiếp nhận đơn trình báo mất giấy phép lái xe để xin cấp lại của người dân thì bộ phận cấp bằng lái sẽ có trách nhiệm tra cứu dữ liệu, nếu hợp lệ thì thực hiện cấp lại theo quy định.

“Bất cập nằm và lỏng lẻo nằm ở sự phối hợp của các lực lượng chức năng thì mình phải chỉnh đốn lại khâu này, không thể vì một sự phối hợp chưa chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước mà đẩy phần khó về cho người dân là không nên,” ông Quyền bày tỏ chính kiến.

Về vấn đề này, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục đường bộ Việt Nam) cho rằng, theo Thông tư liên lịch 01 của Bộ Công an-Bộ Giao thông Vận tải phối hợp cung cấp số liệu vi phạm, Cảnh sát giao thông sẽ gửi các vi phạm của người lái xe sang bên Tổng cục Đường bộ cập nhật. Phần mềm quản lý giấy phép lái xe của đường bộ có cả phần mềm quản lý vi phạm bằng lái.

Tuy nhiên, hiện tại phía Cảnh sát giao thông mới gửi dữ liệu các trường hợp bị tước bằng lái mà chưa cập nhật các trường hợp tạm giữ có thời hạn. Từ đó, theo vị đại diện này, nhiều trường hợp tạm giữ bằng lái do vi phạm có thời hạn 1-2 tuần nhưng nhiều lái xe không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng lái đến cơ quan đường bộ để xin lại. Thậm chí, một số doanh nghiệp kinh doanh vận tải lái xe giả mất bằng để xin cấp lại.

Thừa nhận đề xuất bắt buộc thi lại đối với những trường hợp mất giấy phép lái xe của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải mong muốn quản chặt tình trạng này, hạn chế đối tượng giả mất bằng hoặc bị tạm giữ bằng cố tình khai sai để xin cấp lại, đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái cho biết, có thể Bộ sẽ giao cho các cơ quan tham mưu nghiên cứu các vấn đề về pháp chế, quy định.

“Ngành giao thông cũng đang xây dựng quy chế phối hợp để Cảnh sát giao thông cập nhật luôn các vi phạm bằng phần mềm, liên thông thông tin hai ngành để thuận tiện quản lý,” vị đại diện Vụ Quản lý phương tiện và người lái nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục