Bộ KH-ĐT: Doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung vào các dự án hiệu quả

Các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm. Riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn giải ngân ước đạt 161 nghìn tỷ đồng.

Nhiều dự án trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ triển khai. (Ảnh: Vietnam+)
Nhiều dự án trọng điểm đã được đẩy nhanh tiến độ triển khai. (Ảnh: Vietnam+)

Doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, chi phối, chủ đạo trong những ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế. Kết quả đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Nội dung trên được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tại Hội nghị Thường trực Chính phủ gặp mặt đầu Xuân các doanh nghiệp Nhà nước tiêu biểu trên toàn quốc diễn ra ngày 3/3.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các doanh nghiệp Nhà nước đã tập trung thực hiện các dự án đầu tư đảm bảo tiến độ, hiệu quả, tiết kiệm theo kế hoạch được duyệt. Riêng 19 Tập đoàn, Tổng công ty có tổng vốn giải ngân ước đạt 161 nghìn tỷ đồng và đạt gần 80% kế hoạch năm 2023.

Theo đó, nhiều dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ triển khai, như: Dự án Nhà máy Điện Nhơn Trạch 3,4. Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Dự án mở rộng đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của các đơn vị trên như hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển còn chưa đạt kế hoạch đề ra. Năng lực cạnh tranh, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi Số còn hạn chế. Công tác đổi mới quản trị doanh nghiệp còn chậm, chưa tiệm cận với các nguyên tắc và thông lệ quốc tế tốt. Tỷ trọng nguồn vốn đầu tư vào các ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu chưa đạt yêu cầu... Đáng lưu ý, khu vực này chưa có các dự án đầu tư phát triển quy mô đủ lớn để tạo động lực bứt phá, sức lan tỏa, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng, nhất là trong các lĩnh vực mới (như: sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công nghệ cao-sản xuất chip bán dẫn, hydrogen...).

092834516.jpg
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Vietnam+)

Về định hướng năm 2024, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ ngay từ đầu năm Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP xác định 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp quan trọng. Nhiều nhiệm vụ xác định là trọng trách, cần sự tham gia sâu hơn của các doanh nghiệp Nhà nước như đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, cảng hàng không, bến cảng, hạ tầng đô thị, hạ tầng liên vùng, hạ tầng số, hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục. Trong đó, các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công, như: Tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông; Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3-Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất... và hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường bộ cao tốc vào năm 2025...

Tư lệnh ngành Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các doanh nghiệp Nhà nước triển khai kịp thời, hiệu quả Quy hoạch điện VIII, tiếp tục chuyển dịch, phát triển và phổ cập hạ tầng viễn thông truyền thống sang Hạ tầng Số và phổ cập Nền tảng Số Quốc gia. Kinh tế Số, kinh tế Xanh, Kinh tế tuần hoàn, các lĩnh vực mới nổi phải được đẩy mạnh, trên cơ sở đó làm mới các động lực tăng trưởng cũ và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới...

Ông Dũng cho rằng để các doanh nghiệp Nhà nước phát huy hết tiềm năng, nguồn lực, các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp cần khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể đẩy nhanh tiến độ xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính.

Cùng với đó, các cấp quản lý sớm hoàn thành và trình Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế chính sách về đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước. Các cơ chế, chính sách đặc thù để các doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn thực hiện vai trò mở đường dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, tháo gỡ triệt để các vướng mắc về cơ chế pháp lý đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển của doanh nghiệp Nhà nước.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định khu vực doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp Nhà nước nói riêng luôn có một vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Do vậy, các doanh nghiệp Nhà nước thực sự chủ động, bám sát tình hình, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2024 đã đề ra và phấn đấu vượt mức kế hoạch được giao, đảm bảo tiến độ và kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục