Bộ KHĐT: Chớp thời cơ trong khó khăn để chuyển hóa thành động lực tăng trưởng

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh trong khó khăn luôn có cơ hội và nếu chớp được thời cơ, khai thác hiệu quả thì những thách thức sẽ trở thành “động lực” cho sự phát triển của đất nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Dự báo mục tiêu tăng trưởng quý 2 và 6 tháng của năm có thể đạt mức cao theo kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP lần lượt là 6,2% và 6%, song ông Nguyễn Đức Tâm-Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế Quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh nền kinh tế còn đối mặt với nhiều khó khăn trong nửa cuối của năm.

Làm sao có thể chuyển hóa những khó khăn, thách thức thành động lực để thúc đẩy tăng trưởng là mục tiêu được Chính phủ đặt ra.

Thách thức về cung-cầu

Theo ông Tâm, tác động lực tăng trưởng đã chuyển biến tích cực hơn, nhưng vẫn chưa tạo bước đột phá cho tăng trưởng năm 2024. Phân tích cụ thể về phía cung, ông Tâm chỉ ra khu vực nông nghiệp tăng trưởng ổn định (quanh khoảng 3%-4%) song khó tạo bứt phá cho tăng trưởng kinh tế chung. Khu vực công nghiệp khó chuyển biến nhanh do phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới, các nền kinh tế lớn. Ngoài ra, khu vực dịch vụ-du lịch mặc dù có chuyển biến, nhưng thiếu yếu tố đột phá cộng thêm việc cạnh tranh gay gắt từ các điểm đến quốc tế, do đó cần thúc đẩy hơn nữa để phát huy tiềm năng đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng năm 2024.

Trên thực tế, các ngành, lĩnh vực động lực mới cho tăng trưởng (như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, sản xuất chíp, bán dẫn…) còn chậm, thậm chí nguy cơ không bắt kịp được với các nước trên thế giới, khu vực. Đặc biệt là trong bối cảnh nhiều nước đã ban hành các gói chính sách quy mô lớn để thúc đẩy.

Trong nền kinh tế, khu vực doanh nghiệp đang phải đối mặt với ba yếu tố thị trường, vốn và pháp lý (bao gồm một số quy định, thủ tục hành chính, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, điều kiện kinh doanh còn rườm rà, chưa được cắt giảm triệt để).

Trong khi đó, một số bộ, ngành, địa phương, trong một số trường hợp chưa thực sự theo sát, đồng hành cùng doanh nghiệp, chưa thật sự coi khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để đồng hành tháo gỡ, hỗ trợ.

ttxvn_san bay Lien Khuong1.jpg
Khu vực dịch vụ-du lịch mặc dù có chuyển biến nhưng còn thiếu các yếu tố đột phá. (Ảnh: Nguyễn Dũng/TTXVN)

Về phía cầu, ông Tâm cho rằng tiêu dùng trong nước của 5 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng khá, nhưng dự báo cả năm khó có thể tăng trưởng cao như năm 2023 và các năm trước dịch 2015-2019. Để trở thành một động lực thúc đẩy tăng trưởng, rất cần các chính sách mạnh hơn để khuyến khích tăng tiêu dùng trong nước. Đối với xuất khẩu, thị trường thế giới đang ẩn chứa nhiều rủi ro với áp lực cạnh tranh gia tăng cùng với các chính sách áp thuế chống bán phá giá và các rào cản thương mại mới. Điều này đặt ra yêu cầu khu vực doanh nghiệp phải đáp ứng tốt các tiêu chuẩn mới về xanh và bền vững, tiêu chuẩn môi trường-xã hội-quản trị (ESG)…., cùng với đó là nguồn lực đầu tư lớn, trong bối cảnh thời gian để chuyển đổi không còn nhiều (nhiều nước dự kiến áp dụng từ năm 2026).

Về đầu tư, ông Tâm cho biết khu vực tư nhân phục hồi chậm, thêm vào đó tốc độ đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu giảm dần qua từng tháng, thậm chí có khả năng ảnh hưởng đến tăng trưởng trong trung và dài hạn.

Ưu tiên cho tăng trưởng

Ngoài ra, vị đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chia sẻ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát từ nay đến cuối năm sẽ đối mặt với nhiều thách thức, rủi ro tiềm ẩn.

Cụ thể, dư địa điều hành lạm phát cả năm không còn nhiều (bình quân 5 tháng tăng 4,03% so với cùng kỳ). Diễn biến thị trường cho thấy có những yếu tố tác động lên lạm phát rất khó dự báo, đặc biệt là những biến động giá cả từ thị trường quốc tế cộng thêm áp lực tâm lý và sự kỳ vọng của người dân, doanh nghiệp trong nước. Một điểm nữa là việc cung ứng điện, đây vẫn là lo ngại lớn đối với doanh nghiệp FDI, do nhu cầu sử dụng điện tái tạo của khu vực này ngày càng lớn để đáp ứng tiêu chuẩn xanh, bảo vệ môi trường, giảm khí thải carbon.

Thời gian qua, các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… đã phát triển bền vững hơn. Nhưng, ông Tâm cho rằng chưa thể lạc quan quá sớm, bởi còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải tháo gỡ, như tăng trưởng tín dụng; Xử lý nợ xấu, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”; Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản, nhất là các dự án lớn; Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp; nâng hạng thị trường chứng khoán…

Một điểm quan trọng khác cũng được ông Tâm nêu đó là vấn đề thời tiết với những diễn biến phức tạp, như thiên tai, dịch bệnh, thiếu nước, xâm nhập mặn, biến đổi khí hậu, phát triển đô thị, phòng cháy, chữa cháy, tai nạn giao thông… vẫn đang là thách thức lớn đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam.

chung khoan viet nam.jpg
Các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… còn nhiều vấn đề cần tiếp tục phải tháo gỡ. (Ảnh: Vietnam+)

Trước những vấn đề nêu trên, ông Tâm cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tham mưu với Chính phủ các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Thứ nhất là tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng, đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, các ngành, lĩnh vực mới. Theo đó, ngành sẽ kịp thời nắm bắt kiến nghị của doanh nghiệp, tham mưu Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, tháo gỡ ngay các quy định, thủ tục hành chính, quy chuẩn, tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh không hợp lý, không cần thiết, gây khó khăn, vướng mắc, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Điểm nhấn là tham mưu xây dựng hệ thống ngành kinh tế xanh cùng các quy định về chuyển đổi xanh, cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, ngành Kế hoạch và đầu tư đang nghiên cứu xây dựng các chính sách với quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp "đầu đàn"-doanh nghiệp dân tộc và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, các ngành, lĩnh vực mới như chíp, bán dẫn, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị tiếp tục thúc đẩy và làm mới các động lực về tiêu dùng trong nước, đầu tư và xuất khẩu, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6%-6,5%). Thứ ba là theo dõi sát tình hình lạm phát, làm tốt công tác phân tích, dự báo để kịp thời tham mưu với Chính phủ các giải pháp chỉ đạo, điều hành, quản lý giá cả, bảo đảm kiểm soát lạm phát cả năm đạt cận dưới theo mục tiêu đề ra (4%-4,5%).

Điểm quan trọng thứ tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần tiếp tục chú trọng làm tốt công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật; đặc biệt là việc xây dựng, trình Quốc hội Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho các bộ, ngành, địa phương và giảm bớt thủ tục hành chính trong đầu tư công. Tới đây, bộ tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quản lý vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Các đơn vị chứng năng thuộc bộ sẽ tổng kết việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù cho một số địa phương và cho các dự án, công trình giao thông đường bộ, báo cáo Chính phủ để trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép mở rộng phạm vi, đối tượng áp dụng đối với các chính sách có hiệu quả.

Trước yêu cầu cầu thực tiễn đặt ra, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh trong khó khăn luôn có cơ hội và nếu chớp được thời cơ, khai thác hiệu quả, thì những thách thức sẽ trở thành “động lực” cho sự phát triển của đất nước.

Do đó, Tư lệnh ngành cho biết bộ sẽ chủ động nghiên cứu, nắm bắt thời cuộc, nhanh nhạy, linh hoạt và bản lĩnh để tranh thủ cơ hội phát triển, tìm ra hướng đi mới, động lực mới cho phát triển. Thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục tập trung tham mưu với Chính phủ các giải pháp, chính sách để phấn đấu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2024 và đạt cao nhất Kế hoạch 5 năm (2021-2025)./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục