Bộ trưởng Nội vụ: Hiện đại hóa nền công vụ, tăng quản trị đất nước tốt

Trước thềm Hội nghị ACCSM 21, sẽ diễn ra ở Hà Nội, Bộ trưởng Nội vụ đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc phỏng vấn về “Hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng.”
Bộ trưởng Nội vụ: Hiện đại hóa nền công vụ, tăng quản trị đất nước tốt ảnh 1Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Hội nghị ACCSM 21 - Hội nghị cấp cao quy tụ những người đứng đầu nền công vụ các nước thành viên ASEAN, ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc), các nước đối tác đối thoại (Australia) với chủ đề: “Hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng” sẽ diễn ra tại thủ đô Hà Nội.

Bộ Nội vụ Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ lần thứ 21.

Trong khuôn khổ ba ngày làm việc chính thức (từ mùng 3-5/8), sẽ diễn ra Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt ASEAN+3; cuộc họp những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN, ASEAN + 3...

Hội nghị có ý nghĩa quan trọng góp phần tích cực trong việc thực hiện đường lối đối ngoại mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta; củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, toàn diện và lâu dài giữa các nước thành viên ASEAN, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ… Trước thềm Hội nghị, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành cho phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cuộc phỏng vấn.

- Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3, các nước đối tác đối thoại và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt - ACCSM 21 sắp diễn ra, xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của Hội nghị và Diễn đàn này?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Cơ chế Hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ (Asean Cooperation on Civil Service Matters - ACCSM)  được thiết lập từ năm 1981, nhiệm kỳ Chủ tịch 02 năm/1 lần luân phiên giữa các nước thành viên ASEAN. ACCSM gồm đại diện các bộ, cơ quan phụ trách công vụ của 10 nước ASEAN và ASEAN +3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nền công vụ ASEAN, trao đổi thông tin, các đổi mới sáng tạo và các thực tiễn tốt, thúc đẩy hợp tác hiệu quả và hỗ trợ lẫn nhau xây dựng năng lực, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên.

Sau khi Việt Nam là thành viên chính thức của ASEAN ngày 28/7/1995, Bộ Nội vụ (lúc đó là Ban Tổ chức-Cán bộ Chính phủ) được Chính phủ giao là cơ quan đầu mối, chủ trì, tham gia cơ chế hợp tác ACCSM cùng với 7 nước thành viên (sau này có thêm Lào và Myanmar gia nhập năm 1997 và Campuchia năm 1999).

20 năm trước (vào các năm 2001 và 2002), Bộ Nội vụ đã thực hiện thành công vai trò Chủ tịch luân phiên của ACCSM lần thứ 11 (ACCSM 11) và hiện nay trong các năm 2021 và 2022, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ đảm đương vai trò Chủ tịch của ACCSM lần thứ 21. Hội nghị Bộ trưởng - những người đứng đầu nền công vụ các nước ASEAN và Diễn đàn về Quản trị đất nước tốt là sự kiện đặc biệt quan trọng trong chuỗi các sự kiện của năm Chủ tịch ACCSM 21.

[Hội nghị những người đứng đầu các nền công vụ ASEAN và ASEAN+3]

Các sự kiện của Hội nghị ACCSM 21 lần này có ý nghĩa lớn, đây là Hội nghị hợp tác chuyên ngành ASEAN đầu tiên được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam sau thời kỳ dài gián đoạn vì dịch COVID-19. Các sự kiện, trong đó có Diễn đàn và Hội nghị cấp Bộ trưởng ACCSM 21 đánh dấu việc Bộ Nội vụ Việt Nam thực hiện thành công vai trò Chủ tịch luân phiên ACCSM 21, chủ trì triển khai các sáng kiến của cộng đồng, chủ động đề xuất ý tưởng đổi mới cho sự thay đổi của ACCSM vượt qua các thách thức, triển khai các thực tiễn tốt trong quản trị đất nước, thúc đẩy nền công vụ các nước nói chung và của Việt Nam nói riêng phát triển, góp phần vào việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, tạo dấu ấn và hình ảnh của đất nước, con người Việt Nam trước bạn bè thế giới và khu vực trong trạng thái bình thường mới.

Hội nghị góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị, toàn diện và lâu dài giữa các nước thành viên ASEAN, thể hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của Việt Nam trong hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ, thể hiện tinh thần tích cực và chủ động hội nhập quốc tế, hội nhập khu vực.

- So với các Hội nghị trước đây, Hội nghị lần thứ 21 có điểm gì khác biệt và nổi bật?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Hội nghị ACCSM 21 là hội nghị hợp tác chuyên ngành đầu tiên của ASEAN được tổ chức trực tiếp tại Việt Nam sau gần 3 năm bị gián đoạn bởi ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ngoài ra, bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến phức tạp, trong khi xung đột, mâu thuẫn xảy ra tại nhiều nơi trên thế giới, gây nên tình trạng mất ổn định, kinh tế-xã hội bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống người dân gặp nhiều khó khă, việc tổ chức thành công Hội nghị lần này của Việt Nam là minh chứng sống động cho tình đoàn kết, hữu nghị của các dân tộc trong cộng đồng các quốc gia ASEAN vì hòa bình và sự thịnh vượng chung của toàn khối, qua đó gửi tới thế giới một thông điệp về an toàn, an ninh và hòa bình, hợp tác phát triển của khu vực Đông Nam Á.

Điều này một lần nữa khẳng định rõ nguyên tắc nền tảng và tư tưởng chỉ đạo của đối ngoại Việt Nam thời kỳ đổi mới là thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng.

- Với vai trò là Chủ tịch luân phiên của hợp tác ASEAN về các vấn đề công vụ, Bộ Nội vụ tập trung vào những vấn đề ưu tiên nào trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Sứ mệnh và mục đích của ACCSM là tăng cường phối hợp giữa các nước thành viên ASEAN với niềm tin rằng việc hợp tác giữa các nền công vụ là chìa khóa để thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các nước thành viên và đóng góp vào việc hình thành Cộng đồng ASEAN. Xa hơn nữa, việc tăng cường hợp tác khu vực để đạt được tính năng động và thực thi công vụ hiệu quả cũng sẽ đóng góp cho việc đạt được Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và Tầm nhìn sau năm 2025 - một Cộng đồng trong đó có sự tôn trọng về chính trị mỗi quốc gia thành viên, có sự tương hỗ phát triển về kinh tế, có sự đáp ứng hài hòa và phát triển bao trùm về xã hội, vận hành trên cơ sở nhà nước pháp quyền, hướng tới phục vụ người dân.

Do đó, trong chuỗi các sự kiện của Hội nghị ACCSM 21 tới đây bao gồm các Cuộc họp cán bộ cấp cao (SOM, SOM+3), Hội nghị cấp Bộ trưởng ACCSM 21 (Head, Head+3), Diễn đàn Quản trị đất nước, chuyển giao vai trò cho Chủ tịch kế tiếp là Brunei Darussalam, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện tốt trách nhiệm và nghĩa vụ của Chủ tịch nhiệm kỳ 21 trong cơ chế hợp tác ACCSM, định hướng nội dung hợp tác cụ thể, đi vào thực chất, hiệu quả và khả thi.

Theo đó, chúng tôi tập trung vào  tăng cường năng lực xây dựng thể chế và phối hợp giữa các kênh chuyên ngành và liên trụ cột hợp tác ASEAN; xúc tiến nghiên cứu về cải cách khu vực công và hiện đại hóa nền công vụ nhanh nhạy, bắt kịp với chuyển đổi số, nền kinh tế số; củng cố Trung tâm Nguồn ASEAN, tăng cường làn sóng lãnh đạo trẻ ASEAN và mạng lưới Đào tạo Công vụ ASEAN.

Bộ trưởng Nội vụ: Hiện đại hóa nền công vụ, tăng quản trị đất nước tốt ảnh 2Quốc kỳ của các nước thành viên ASEAN. (Nguồn: Shutter Stock)

Năm 2022 là năm quan trọng trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN 2025 và giai đoạn sau 2025. ASEAN sẽ khởi động nhiều chương trình, đặc trách soạn thảo các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và giai đoạn sau đó. Bộ Nội vụ đề xuất sáng kiến và cách tiếp cận để cải tiến việc triển khai thực hiện Kế hoạch làm việc 2021-2025, chú trọng trao đổi thảo luận dựa trên 05 dòng hành động, cũng là các lĩnh vực ưu tiên.

Đó là, bồi dưỡng nâng cao năng lực (nhận thức tư duy và kỹ năng) và các tiêu chuẩn cho nguồn nhân lực nền công vụ; xây dựng và hoàn thiện thể chế của các nền công vụ ASEAN hướng tới người dân, lấy người dân làm trung tâm; chính sách thu hút nhân tài, phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng đáp ứng trong tình hình mới. Đồng thời, thúc đẩy tạo điều kiện cho các sáng kiến cải cách, hiện đại hóa nền công vụ, tăng cường quản trị đất nước tốt; và tăng cường hợp tác khu vực, hợp tác đoàn kết nội khối, phát triển đối tác đối thoại; các vấn đề đặt ra trong tình hình mới do suy thoái kinh tế hậu COVID-19, do thay đổi chính sách của các nước lớn và khu vực.

Ngoài ra, Bộ Nội vụ sẽ ưu tiên việc triển khai thực hiện “Tuyên bố ASEAN về tăng cường sự thích ứng của nền công vụ đối với các thách thức mới” đã được Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần thứ 38 và 39 thông qua tại Brunei Darussalam, trong đó từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, tập trung phát triển đội ngũ lãnh đạo có khả năng thích ứng cao để đảm đương vai trò xây dựng chính sách và quản trị tốt, ứng phó kịp thời, hiệu quả đối với các thách thức và môi trường đang thay đổi, tận tụy vì lợi ích của người dân ASEAN.

Bộ trưởng có kỳ vọng qua Hội nghị, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ ASEAN nói chung, các đối tác +3, đối tác đối thoại nói riêng trong hiện đại hóa nền công vụ, quản trị tốt?

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà: Hội nghị ACCSM 21 lần này có sự tham dự đầy đủ của 10 bộ, cơ quan phụ trách công vụ các nước thành viên ASEAN, các nước ASEAN+3, Ban Thư ký ASEAN và quốc gia đối tác đối thoại quan trọng của ASEAN là Australia. Chúng tôi thấy rằng, mặc dù có nhiều khác biệt về thể chế, khoảng cách phát triển kinh tế, xã hội và truyền thống văn hóa, nhưng các nền công vụ trong cơ chế hợp tác ACCSM nói chung đều đối mặt với những thách thức biến đổi khó lường như già hóa dân số, sự thiếu hụt về kỹ năng, kiến thức và thái độ nguồn nhân lực hành chính, việc thu hút, sử dụng và giữ chân nhân tài trong khu vực công, chuyển đổi số, cải thiện cung cấp dịch vụ công…, đến các vấn đề tác động bất ổn như thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, sự cạnh tranh và thay đổi chính sách các nước lớn trên thế giới và khu vực.

Trước những thay đổi nhanh chóng không thể đoán trước được, các nền công vụ ASEAN đều đang nỗ lực tận dụng cơ hội, vượt qua các thách thức, khó khăn, quan tâm xem xét lại khung chính sách và triển khai giải pháp phù hợp để đáp ứng với kỳ vọng, mong chờ của người dân và vì sự thịnh vượng của quốc gia mình.

Tôi tin tưởng rằng thông qua khuôn khổ Hội nghị ACCSM 21 với chủ đề “Hiện đại hóa nền công vụ hướng tới Cộng đồng ASEAN gắn kết và thích ứng,” chúng ta sẽ cùng nhau chia sẻ, thảo luận các bài học kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt của các nước thành viên ASEAN, ASEAN+3 và đối tác đối thoại trong việc đưa ra sáng kiến, định hướng thúc đẩy nền công vụ theo hướng hiện đại hóa, thích ứng với sự phát triển tăng tốc của công nghệ kỹ thuật số tiên tiến hiện đại, cũng như áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện để giải quyết những vấn đề tồn tại hiện nay trong nền hành chính công, hướng tới nền hành chính chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch…

Bên cạnh đó, chúng ta còn nắm bắt được xu hướng tất yếu chung toàn cầu và khu vực, học hỏi phương pháp và kiến thức để xây dựng, hoàn thiện nền công vụ và đội ngũ công chức có đủ các yếu tố sẵn sàng cho tương lai thế kỷ XXI, trong đó có sự xem xét và thực hiện tốt tính đa dạng, tính bao trùm trong quá trình củng cố tăng cường năng lực cho toàn hệ thống hành chính, công vụ và đội ngũ công chức.

Lắng nghe kinh nghiệm của các nước, Bộ Nội vụ cũng chia sẻ những thành tựu quan trọng của Việt Nam trong việc xây dựng nền công vụ hướng tới người dân; đồng thời tuân thủ và phát huy các nguyên tắc, giá trị, chuẩn mực của ASEAN và luật pháp, nguyên tắc quốc tế; củng cố các giá trị dân quyền, pháp trị, quản trị tốt, chống tham nhũng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản của công dân.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục