Bộ trưởng Tài chính: Có suy thoái trong đội ngũ hải quan, thuế

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng đây chính là suy thoái trong đội ngũ, trong lực lượng và Bộ quyết liệt triển khai xử lý.
Bộ trưởng Tài chính: Có suy thoái trong đội ngũ hải quan, thuế ảnh 1Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, sáng 16/11. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Chất vấn Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng sáng 16/11, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) đã nêu tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại xảy ra nhức nhối, ngân sách Nhà nước một phần "đội nón ra đi," một phần tiền lại "chảy" vào túi cán bộ, gây thất thu ngân sách nhiều tỷ đồng, trong đó có sự tiếp tay của cán bộ hải quan.

Đại biểu Nguyễn Văn Chiến đặt câu hỏi về trách nhiệm của bộ trưởng và lãnh đạo ngành hải quan khi để xảy ra các vấn nạn này, nguyên nhân do buông lỏng quản lý hay suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ và giải pháp nào để chấm dứt tình trạng này.

[Phạt tù 34 cán bộ hải quan tiếp tay doanh nghiệp, chiếm 41 tỷ đồng]

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính kiên quyết chống tình trạng tiêu cực trong ngành và ngoài ngành. Vụ 213 container biến mất xảy ra tại cảng Sài Gòn mà báo chí nêu là do Tổng cục Hải quan phát hiện ra. Vụ việc hải quan An Giang bắt 46 cán bộ hải quan, cũng là vụ việc Bộ Tài chính chỉ đạo và phối hợp với Bộ Công an điều tra ra.

Hàng năm, Bộ tiến hành xử lý nội bộ, kỷ luật khoảng 300 cán bộ thuế, hải quan liên quan đến thực hiện chức trách, nhiệm vụ, quy trình thủ tục về mặt hành chính.

Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng đây chính là suy thoái trong đội ngũ, trong lực lượng và Bộ quyết liệt triển khai xử lý. Qua đây, rà soát lại quy trình thủ tục, chế độ chính sách. Chẳng hạn như vụ An Giang bắt 46 cán bộ hải quan, Bộ đã báo cáo Chính phủ sửa chính sách, không cho hoàn thuế nông, lâm, thủy sản qua chế biến.

Đề cập đến vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp có chiều hướng gia tăng, làm thất thu ngân sách nhà nước, đại biểu Vũ Thị Thủy (Hải Dương) chất vấn về giải pháp để khắc phục tình trạng này.

Bộ trưởng Tài chính thừa nhận chuyển giá là vấn đề bức xúc của xã hội thời gian qua. Về pháp lý, năm 1995, Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn kiểm soát chuyển giá. Thời gian gần đây tiếp tục hoàn thiện các chính sách. Năm 2017, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 20 về quản lý thuế với doanh nghiệp phát sinh giao dịch liên kết và ban hành thông tư.

Cùng với viêc hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra. Năm 2016 đã thanh tra, kiểm tra 1.406 cuộc với doanh nghiệp FDI, truy thu, truy hoàn thuế 1.310 tỷ đồng. Tổng số giảm lỗ 1.983 tỷ đồng, giảm khấu trừ hơn 3 tỷ đồng. Năm 2017 thanh tra 1.288 doanh nghiệp, tổng số truy thu, hoàn thuế và phạt là 3.085 tỷ đồng, giảm lỗ 6.812 tỷ đồng, giảm khấu trừ 265 tỷ đồng. Thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành để triển khai đồng bộ.

“Không phải đơn thuần là trong quá trình sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp mới chuyển giá mà ngay từ khâu đầu tư, doanh nghiệp đã chuyển giá. Thiết bị, máy móc giá rẻ kê khai giá cao, đưa vào để sau này trích khấu hao. Trong quá trình sản xuất đầu vào kê khai cao giá, đầu ra giảm giá, chuyển giá,” Bộ trưởng phân tích một số hành vi chuyển giá và cho biết từ khâu đăng ký đầu tư, đến triển khai đầu tư, sản xuất kinh doanh đều có thể triển khai chuyển giá nên cần có sự phối hợp đồng bộ của các ngành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục