​'Sẽ sửa Luật Đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ và hiệu quả'

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao là do các chủ dự án mất nhiều thời gian thực hiện các thủ tục giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù... khiến chi phí đội lên.
​'Sẽ sửa Luật Đầu tư công theo hướng quản lý chặt chẽ và hiệu quả' ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV sáng 16/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình trước Quốc hội về giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Theo Bộ trưởng, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại toàn bộ những bất cập trong việc thực hiện Luật đầu tư công để trình Chính phủ và trình Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, trước đây, khi chưa có Luật đầu tư công, việc quyết định đầu tư hết sức còn tùy tiện, thường vượt so với khả năng cân đối ngân sách của cả Trung ương lẫn địa phương.

Khi đó, trong mỗi một giai đoạn 2005-2010, giai đoạn 2011-2015, thường có hơn 20.000 dự án cả lớn lẫn bé, cả của Trung ương, địa phương và của các bộ, ngành quyết định đầu tư nhưng khi đó chúng ta không rõ nguồn vốn ở đâu, và không rõ có khả năng bao nhiêu để giải ngân được nên việc giải ngân dàn trải dẫn đến thất thoát, dừng, giãn, hoãn rất lớn.

[Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đấu giá đất để thực hiện dự án BT]

Trước những bất cập trong công tác đầu tư công, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 1792/CT-TTg năm 2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu chính phủ.

Sau Chỉ thị, Quốc hội đã Luật hóa lên Luật Đầu tư công. Như vậy, trong giai đoạn 2016-2020, chúng ta chỉ còn hơn 1.000 dự án, giảm đi rất nhiều so với giai đoạn trước đây, chúng ta đã bám sát vào khả năng cân đối của ngân sách, đây là việc làm mà chúng ta đã khắc phục được.

Bộ trưởng Dũng cũng chỉ ra, hiện nay nợ đọng và ứng vốn của các giai đoạn trước đã được tập trung ở giai đoạn 2016-2020, chúng ta sẽ xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, các dự án đã phê duyệt có tổng mức đầu tư không nhiều và không sát tình hình thực tế đã vượt lên rất nhiều so với tính toán và nhu cầu, trong khi đơn vị chủ quản chưa có biện pháp kiểm soát vấn đề này.

Vừa qua, Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng, các bộ ngành liên quan, xây dựng các định mức để làm cơ sở tính toán khi phê duyệt quyết định đầu tư có một tổng mức đầu tư hợp lý.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng giải trình, việc dẫn đến hiệu quả của dự án đầu tư công chưa cao, đó là thời gian triển khai đầu tư, do các chủ dự án phải thực hiện rất nhiều các thủ tục như giải phóng mặt bằng, đấu thầu, đền bù giải phóng mặt bằng… tất cả công việc này đang mất rất nhiều thời gian và làm cho thời gian của dự án kéo dài khiến cho vốn đầu tư vượt lên.

Do vậy, theo Bộ trưởng, bắt buộc các dự án phải điều chỉnh. Và khi dự toán vượt lên thì không có nguồn vốn để bố trí buộc dự án phải dừng, giãn, hoãn. Đây là những vấn đề lớn, liên quan đến ảnh hưởng trong hiệu quả của đầu tư công thời gian vừa qua.

“Để nâng cao hiệu quả của đầu tư công trong thời gian tới, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội ban hành kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, rà soát lại toàn bộ những bất cập trong việc thực hiện Luật Đầu tư công để trình Chính phủ và trình Quốc hội cho sửa Luật Đầu tư công theo hướng phải đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả đầu tư công nhưng cũng phải giải quyết được những vấn đề thủ tục thật thuận lợi, thật nhanh gọn cho các đối tượng áp dụng của Luật Đầu tư công…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục