Ùn tắc giao thông là điệp khúc mà mỗi người dân đô thị phải đối mặt hàng ngày mỗi khi ra đường và đang là vấn đề nhức nhối trong xã hội. “Căn bệnh” ùn tắc giao thông không chỉ trên mỗi tuyến đường mà thậm chí lan sang cả trên trời khi các Cảng hàng không quá tải.
Nhiều giải pháp đã được Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra trước mắt để “hạ nhiệt” sự gia tăng phương tiện khi mà hạ tầng liên tục phải chạy theo. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước cho rằng, muốn đặc trị và “bắt bệnh” ùn tắc phải làm đồng bộ từ quy hoạch và phát triển đô thị, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông và quản lý phương tiện giao thông.
Bất cập quy hoạch đô thị
Hà Nội mới đây đã “treo thưởng” cho ý tưởng tìm giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 đồng thời cũng chuẩn bị trình đề án quản lý phương tiện cá nhân và xem xét thông qua tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội vào tháng Bảy tới đây để có thể thấy rằng các giải pháp kéo giảm ùn tắc gặp nhiều khó khăn.
Tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, vào các khung giờ cao điểm sáng, chiều dễ dàng bắt gặp hình ảnh người dân “chôn chân” dưới đường, bấm còi inh ỏi. Chuyện ôtô, xe máy chen chúc nhau, cố nhích trên đường và thậm chí trèo cả lên vỉa hè không phải là hiếm. Thậm chí, người dân đều thở dài ngao ngán khi “ùn tắc giao thông là cơm bữa” và phải chấp nhận sống chung thường ngày.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cũng thừa nhận, việc đầu tư kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu, trong khi phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, ý thức tham gia giao thông của người dân còn thấp; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý chưa kiên quyết; tình trạng xe khách dừng đón trả khách sai quy định trên các tuyến đường,... dẫn đến ùn tắc giao thông trên địa bàn trầm trọng hơn.
Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng, mang tính chất cốt lõi của vấn đề là bất cập trong quy hoạch đô thị mà nhiều chuyên gia tại các hội thảo nhìn nhận, chủ trương của các thành phố là giãn dân trong khu vực nội đô, các nhà máy xí nghiệp ra ngoại thành hoặc xây dựng cơ sở sản xuất ở địa phương khác. Tuy nhiên, khi các công ty, nhà máy sản xuất di chuyển đi nơi khác thì đất cũ lại mọc lên những khu chung cư mới với lượng dân số rất đông, điều đó cho thấy mâu thuẫn về chủ trương trong việc quy hoạch.
Chính Thứ trưởng Bộ Xây dựng Đỗ Đức Duy thừa nhận, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, cấp phép xây dựng các công trình nhà ở cao tầng tại một số đô thị chưa được kiểm soát chặt chẽ, gây áp lực quá tải lên hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, gây lãng phí lớn và giảm chất lượng phát triển đô thị.
Ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, công tác quy hoạch đứng đầu nhóm giải pháp chiến lược, bao gồm quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch giao thông, nếu tách rời hai loại quy hoạch này thì sẽ phạm sai lầm nghiêm trọng.
Bốc thuốc đặc trị đúng bệnh
Để giảm ùn tắc giao thông đô thị, Viện Chiến lược và phát triển Giao thông Vận tải kiến nghị quy định cụ thể về mức tăng số lượng phương tiện ôtô, xe máy hàng năm cho các giai đoạn 2016-2020, 2021-2025, 2026-2030 cho từng khu vực, tập trung làm cho các quận nội đô; tổ chức dừng hoạt động theo giờ tại một số tuyến đường, khu vực đối với xe cá nhân, một số khu vực theo lộ trình cho phép ôtô cá nhân đi vào giờ cao điểm nhưng có thu phí; tổ chức đỗ xe theo ngày chẵn, lẻ với các tuyến phố cụ thể khu vực trung tâm thành phố.
Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ùn tắc giao thông không chỉ ở các đô thị lớn mà còn diễn ra ở cả cảng hành không đe dọa an toàn, an ninh hàng không và làm giảm chất lược cuộc sống, dịch vụ của người dân.
“Ùn tắc giao thông diễn ra ngày càng trầm trọng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Muốn giải quyết triệt để ùn tắc giao thông thì cần phải có giải pháp tổng thể nhằm giảm mật độ dân ở vùng lõi của các đô thị, do đó cần các giải pháp đồng bộ về hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng văn hoá-xã hội… để dịch chuyển dân số ra các đô thị vệ tinh, thành phố vệ tinh,” Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Ông Lê Đỗ Mười, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải cho rằng các đô thị cần kiên trì thực hiện chính sách di dời các công trình (trường học, nhà máy, cơ quan,...) trong khu vực nội đô và giãn dân trong khu vực nội đô đồng thời quản lý việc sử dụng quỹ đất sau di dời đúng mục đích.
Bên cạnh đó, theo ông Mười, Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đa phương thức với nòng cốt là loại hình vận tải xe buýt, tiến tới là hệ thống vận tải công cộng khối lượng lớn như buýt nhanh-BRT, đường sắt đô thị, hạn chế nhu cầu đỗ xe… thì mới giảm được việc sử dụng xe cá nhân.
“Tại khu vực đô thị mới phát triển sẽ khai thác hiệu quả hạ tầng bãi đỗ hiện tại kết hợp kiểm soát hợp lý việc cung cấp bãi đỗ mới, sử dụng loại hình bãi đỗ xe cao tầng hoặc bãi đỗ xe ngầm. Các khu đô thị, trường học cần áp dụng chỉ tiêu cung cấp chỗ đỗ xe tối đa để khuyến khích học sinh, sinh viên sử dụng giao thông công cộng…,” Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải nói.
Dù các giải pháp trước mắt và lâu dài đã được đưa ra, tuy nhiên, người dân vẫn phải chấp nhận thực tế ùn tắc giao thông là “căn bệnh” cố hữu và sẽ chỉ được “đặc trị” khi chính quyền có đủ quyết đoán để thực hiện chính sách và biện pháp đưa ra?/.