Bối cảnh đầy thách thức đối với tân Thủ tướng Malaysia

Tờ South China Morning Post vừa có bài viết phân tích về những thách thức cũng như cơ hội dành cho vị Thủ tướng thứ tám của Malaysia, ông Muhyiddin Yassin.
Bối cảnh đầy thách thức đối với tân Thủ tướng Malaysia ảnh 1Ông Muhyiddin Yassin (thứ 2, trái, phía trước) tới lễ nhậm chức Thủ tướng Malaysia tại Kuala Lumpur, ngày 1/3/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Thủ tướng thứ tám của Malaysia, ông Muhyiddin Yassin, lên nắm quyền trong bối cảnh tình hình chính trị và kinh tế-xã hội của nước này đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có.

Tờ South China Morning Post vừa có bài viết phân tích về những thách thức cũng như cơ hội dành cho vị Thủ tướng này.

Ông Muhyiddin Yassin lên nắm quyền vào đầu tháng Ba sau cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài một tuần khi ông Mahathir Mohamad quyết định từ chức Thủ tướng.

Trước đây, ông Muhyiddin từng là Phó Thủ tướng trong chính quyền do Liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) lãnh đạo, song đã bị sa thải khỏi đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMNO) - đảng chủ chốt trong liên minh BN.

Rời UMNO, ông Muhyiddin tham gia liên minh các lực lượng do ông Mahathir dẫn dắt - Liên minh Hy vọng (PH) và lên nắm quyền lực trong gần hai năm sau khi PH giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 14 hồi tháng 5/2018.

Thế rồi sau đó, cuối tháng Hai vừa qua, ông Muhyiddin đã quyết định bắt tay với UMNO để lập ra Liên minh Quốc gia (PN) cũng như lập Chính phủ mới sau đó.

Một tuần sau lễ tuyên thệ nhậm chức, ông Muhyiddin công bố Nội các. Và cũng chỉ một tuần tiếp theo sau đó, Chính phủ Malaysia quyết định áp dụng Mệnh lệnh Kiểm soát Di chuyển (MCO) để ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lan rộng.

Giờ đây, mọi sự chú ý đều hướng về Thủ tướng Muhyiddin, việc ông Muhyiddin thể hiện như thế nào sẽ quyết định vận mệnh Chính phủ mong manh của ông, và nhà lãnh đạo này không có lựa chọn khác.

Hôm 27/3, khi công bố gói kích thích kinh tế trị giá 250 tỷ ringgit (gần 60 tỷ USD), ông Muhyiddin đề nghị người dân tin tưởng vào chính phủ.

“Ông ấy (Thủ tướng Muhyiddin) sẽ cần đảm bảo kế hoạch của mình được thực hiện một cách đúng đắn. Bất cứ thất bại nào cũng sẽ làm suy yếu thêm vị thế của ông,” nhà khoa học chính trị Wong Chin Huat đến từ Đại học Sunway nhận định.

[Tân Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin công bố danh sách Nội các]

Về phần mình, liên minh PH, dù đã bị buộc phải trở thành phe đối lập, cũng đã lên tiếng khen ngợi “giọng điệu hòa giải” của ông Muhyiddin, đồng thời cam kết sẽ đáp lại bằng thiện chí.

Tuy nhiên, PH cũng chỉ ra rằng, trong số 250 tỷ ringgit chi cho gói cứu trợ, chi phí trực tiếp của chính phủ thực chất chỉ khoảng 25 tỷ ringgit, số tiền được cấp thông qua các khoản vay mượn bổ sung của Chính phủ.

Đây cũng là điều mà các nhà kinh tế quan ngại. PH kêu gọi chính phủ bơm tiền hơn nữa trong những tuần tới.

Trong gói kích thích kinh tế mới được công bố, hầu hết số tiền được chi dưới dạng bảo hiểm vốn vay (55 tỷ ringgit) và hỗ trợ hoãn trả nợ cá nhân và doanh nghiệp (khoảng 100 tỷ ringgit).

Nhà phân tích Calvin Cheng (thành viên Ban cố vấn cao cấp của Malaysia) đến từ Viện Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế chỉ ra rằng, các gói kích thích kinh tế này là giúp đỡ các cá nhân và doanh nghiệp thông qua các biện pháp hỗ trợ thanh khoản và giảm chi phí.

Tuy nhiên, việc giữ được tỷ lệ việc làm và duy trì mối quan hệ giữa giới chủ và người lao động, cũng như việc thúc đẩy cầu cho nền kinh tế sau khi dịch bệnh thuyên giảm và lệnh hạn chế di chuyển được dỡ bỏ, cũng cần phải được chính phủ coi là những nhân tố quan trọng cần tính đến.

Cùng quan điểm trên, ông Christopher Choong, Phó Giám đốc Viện Khazanah Research, cho rằng các gói kích thích kinh tế chưa quan tâm nhiều đến những lao động tự doanh, vốn chiếm tỷ lệ lớn trong lực lượng lao động tại Malaysia. Họ cũng là những người thực sự cần được hỗ trợ trong giai đoạn này.

Trong khi đó, theo nhà khoa học chính trị Wong Chin Huat, tính huống đầy thách thức này (dịch bệnh COVID-19) có lẽ vẫn chưa nói hết được những khó khăn mà ông Muhyiddin phải đối mặt. Dưới thời Chính phủ cũ, đây là một việc “không dễ dàng,” trong khi rõ ràng là Chính phủ mới đã không được chuẩn bị cho việc này.

Tuyên bố của ông Muhyiddin rằng Thủ tướng, các bộ trưởng và thứ trưởng sẽ quyên góp hai tháng tiền lương cho quỹ chống COVID-19 quốc gia, ở một góc độ nào đó chỉ có thể làm giảm bớt sự bất bình trong công chúng. Rất nhiều người dân vẫn đang phải chật vật vì thu nhập sụt giảm và gánh nặng mưu sinh.

Các hộ có thu nhập thấp chiếm khoảng 70% số người gốc Mã Lai và đây là nhóm cử tri mà Chính phủ “không thể mạo hiểm lờ đi,” theo nhà phân tích Asrul Hadi. Ngoài ra, Chính phủ cũng phải đảm bảo rằng các nhóm thu nhập thấp và những người yếu thế có thể tiếp cận được nguồn cứu trợ, bằng cách giảm thiểu sự quan liêu trong bộ máy hành chính.

Nhà phân tích Awang Azman cảnh báo, mặc dù việc cho phép người lao động rút tiền từ tài khoản tiết kiệm đã giúp giảm bớt một chút khó khăn cho những hộ có thu nhập thấp, có rất nhiều hộ gia đình có lẽ vẫn chưa nhận thức được điều này sẽ tác động đến các khoản tiết kiệm của họ như thế nào.

Các hộ gia đình này là những đối tượng mà Chính phủ phải quan tâm đến, bởi họ chính là "xương sống" trong khối cử tri ủng hộ ông Muhyiddin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục