Bốn nhân tố làm chậm tiến trình xoay trục khỏi Trung Đông của Mỹ

Chương trình nghị sự về Trung Đông của Mỹ có một số vấn đề liên quan đến quốc phòng, nhưng 4 nhấn tố trong số này dường như là quan trọng nhất, đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Syria và Iran.
Bốn nhân tố làm chậm tiến trình xoay trục khỏi Trung Đông của Mỹ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Báo điện tử Arab News của Saudi Arabia đã đăng bài viết đánh giá về sự chuyển hướng của Mỹ từ Trung Đông sang khu vực Vành đai Thái Bình Dương, trong đó cho rằng có 4 nhân tố khiến Mỹ có khả năng sẽ chỉ giảm dần sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị ở Trung Đông chứ không giảm đột ngột.

Sự chuyển hướng sang khu vực Vành đai Thái Bình Dương đã nằm trong chương trình nghị sự của Mỹ trong gần 4 thập niên qua. Các thành tựu kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đã buộc Mỹ phải lựa chọn như vậy. Trung Đông có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự chuyển hướng này của Washington.

Chương trình nghị sự về Trung Đông của Mỹ có một số vấn đề liên quan đến quốc phòng, nhưng 4 nhấn tố trong số này dường như là quan trọng nhất, đó là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Syria và Iran.

Mối quan hệ Ankara-Washington đang là chủ đề tranh luận sôi nổi trên các phương tiện truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ, song đây có thể không phải là ưu tiên cao của Mỹ vì hai nước có các quan điểm và lợi ích khác nhau.

Do bất đồng giữa Ankara và Washington về nhiều vấn đề, các cuộc tranh luận giữa hai bên giống như một cuộc đối thoại của "những người khiếm thính."

Thổ Nhĩ Kỳ không thể hiểu được tại sao Mỹ không ngừng cung cấp mọi hình thức hỗ trợ cho các chiến binh người Kurd thuộc Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), những người có liên hệ chặt chẽ với lực lượng Đảng Công nhân người Kurd (PKK) mà Ankara coi là tổ chức nằm ngoài vòng pháp luật. Washington sử dụng các chiến binh YPG ở Syria một mặt để chống lại lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, mặt khác để nâng cao ảnh hưởng của người Kurd.

[Thế kẹt của nước Mỹ trên bàn cờ Trung Đông đầy bất trắc]

Cho đến nay, Mỹ chưa đưa ra bất kỳ tín hiệu nào cho thấy Washington có thể thay đổi chính sách này.

Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều nhóm khác nhau đang gây sức ép buộc chính phủ nước này cấm Mỹ sử dụng căn cứ không quân Incirlik. Đây là một trong 6 căn cứ không quân của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu và chứa khoảng 50 vũ khí hạt nhân.

Đây là một trong những sân bay được trang bị tốt nhất, với các hầm trú ẩn máy bay được bảo vệ an toàn và đường băng dài 3km. Căn cứ không quân Incirlik là nơi đồn trú của khoảng 5.000 quân nhân Mỹ. Căn cứ này hiện được Mỹ, Vương quốc Anh và đôi khi là Không quân Hoàng gia Saudi Arabia sử dụng.

Năm 1975, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa tất cả các căn cứ quân sự của Mỹ ở trên lãnh thổ nước này để phản đối lệnh cấm vận của Washington đối với Ankara sau hoạt động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Cyprus. Sau 3 năm quan hệ căng thẳng, Mỹ đã phải dỡ bỏ lệnh cấm vận vào năm 1978, nhờ đó các căn cứ này đã được mở cửa trở lại.

Niềm tin đang ngày càng suy giảm của Washington đối với độ tin cậy của Thổ Nhĩ Kỳ đã thúc đẩy Lầu Năm Góc tìm kiếm các giải pháp thay thế khác cho căn cứ không quân Incirlik. Căn cứ không quân Al-Azraq ở Jordan là một trong các "ứng cử viên" tiềm năng.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay vẫn giữ im lặng trước các yêu cầu đòi đóng cửa các căn cứ quân sự của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ. Là một đồng minh của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ có lý khi phàn nàn về sự hỗ trợ của Mỹ dành cho người Kurd ở Syria, nhưng có lẽ họ không hiểu được rằng Washington cũng có những ưu tiên riêng mà có thể không phải lúc nào cũng phù hợp với Ankara.
Một vấn đề khác liên quan đến quốc phòng trong chương trình nghị sự của Washington là quan hệ với Moskva.

Nga đang khẳng định mình là một nhân tố quan trọng trên đấu trường thế giới. Nước này đã can dự mạnh mẽ vào Syria. Việc phải đương đầu với Trung Quốc trên đấu trường toàn cầu sẽ khiến Washington trở nên khó khăn hơn trong mối quan hệ với Nga.

Sự tan băng trong quan hệ NATO-Nga kéo dài chưa đầy 30 năm và những bất đồng hiện đã bắt đầu nổi lên. Nga mới đây đã quyết định đóng cửa văn phòng đại diện ngoại giao của mình tại trụ sở NATO.

Biển Đen đã trở thành một vấn đề tranh chấp khác giữa Moskva và Washington. Đây là một khu vực hàng hải ổn định trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh vì Công ước Montreux năm 1936 đã thiết lập một sự cân bằng mong manh nhằm bảo vệ an ninh của Nga.

Theo thỏa thuận này, các tàu hải quân của các quốc gia không nằm ven Biển Đen phải chịu một số hạn chế ở vùng biển này, bao gồm tổng trọng tải của tàu hải quân không được vượt quá 2/3 trọng tải của hạm đội của quốc gia mạnh nhất trên Biển Đen là Nga. Hơn nữa, các tàu hải quân đó không được phép lưu lại trên Biển Đen quá 21 ngày.

Việc Bulgaria và Romania gia nhập NATO vào năm 2004 đã dẫn đến một sự thay đổi quan trọng. Không rõ điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cán cân quyền lực trong khu vực. Sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ đối với Ukraine cũng là một nhân tố gây bất ổn khác cho Nga ở Biển Đen.

Vấn đề quan trọng thứ ba trong chương trình nghị sự Trung Đông của Washington là Syria. Chính sách của Mỹ ở Syria chủ yếu là nhằm làm suy yếu chính quyền của Tổng thống al-Assad, kiềm chế ảnh hưởng của Nga và sự can thiệp của Iran ở Syria.

Tiến trình lập hiến tại Syria do Liên hợp quốc bảo trợ đang tiến triển rất chậm. Các phe phái do Washington và Moskva hậu thuẫn ở Syria đang ủng hộ các quan điểm đối lập nhau trong tiến trình này. Sự hỗ trợ quân sự của Mỹ dành cho người Kurd và sự ủng hộ của Moskva dành cho Tổng thống al-Assad là những yếu tố chính đằng sau hậu trường.

Vấn đề thứ tư trong chương trình nghị sự Trung Đông của Mỹ là Iran. Mỹ coi Tehran là kẻ thù, nhưng các chi tiết trong chiến lược quân sự của Washington đối với Iran không rõ ràng.

Ý tưởng về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015, được biết đến là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), đang bị đình trệ. Israel đang làm mọi cách có thể để thuyết phục Washington trừng phạt nghiêm khắc Iran, song các cách thức chi tiết để thực hiện vẫn chưa được tiết lộ.

Trong bối cảnh hiện nay, sự hiện diện quân sự và ảnh hưởng chính trị của Mỹ ở Trung Đông có khả năng sẽ giảm dần, thay vì giảm đột ngột./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục