Thế kẹt của nước Mỹ trên ''bàn cờ'' Trung Đông đầy bất trắc

Trong hàng thập niên qua, việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đã khiến các tổng thống Mỹ phải đau đầu và Trung Đông đầy bất trắc có thể hủy hoại các tham vọng quốc tế của Washington.
Thế kẹt của nước Mỹ trên ''bàn cờ'' Trung Đông đầy bất trắc ảnh 1Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo chung tại Jerusalem ngày 25/5/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cam kết huy động hỗ trợ nhằm tái thiết Dải Gaza như một phần của các nỗ lực thúc đẩy lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine và tái khẳng định ủng hộ giải pháp "hai nhà nước" nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine "nếu các điều kiện thích hợp được đáp ứng" - đó là thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong chuyến công du đầu tiên tới khu vực Trung Đông kéo dài 4 ngày.

Diễn ra ngay sau khi Israel và phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas của Palestine đạt được thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt 11 ngày chiến sự ở Dải Gaza, chuyến thăm với các hoạt động ngoại giao con thoi cùng những cuộc tiếp xúc giữa Ngoại trưởng Blinken với các nhà lãnh đạo của Israel, Palestine, Ai Cập và Jordan, đã cho thấy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden trong giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.

Ngoài mục tiêu cấp bách là đảm bảo lệnh ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas được tôn trọng, chuyến đi của Ngoại trưởng Mỹ còn thúc đẩy hợp tác với các đối tác trong khu vực để đảm bảo nỗ lực hợp tác quốc tế nhằm tái thiết khu vực đã bị tàn phá nghiêm trọng do cuộc giao tranh kéo dài 11 và đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường.

Trong chuyến công du kết thúc ngày 28/5 này, ông Antony Blinken đã thể hiện rõ lập trường được xem là cân bằng của chính quyền Tổng thống Biden, đó là một mặt khẳng định lại “cam kết kiên quyết” của Mỹ ủng hộ an ninh cho Israel, nhưng mặt khác cũng nhấn mạnh mong muốn xây dựng lại quan hệ giữa Mỹ với người dân và lãnh đạo Palestine sau nhiều năm không được chú trọng.

Chuyến thăm của ông Blinken cùng với các hoạt động ngoại giao tích cực gần đây cho thấy một cách tiếp cận khác của Tổng thống Joe Biden so với người tiền nhiệm Donald Trump đối với tiến trình hòa bình Trung Đông.

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã công bố "thỏa thuận thế kỷ" về cuộc xung đột Israel-Palestine, trong đó "bật đèn xanh" cho Israel sáp nhập vùng đất ở Bờ Tây bị chiếm đóng, cũng như công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.

Mỹ cũng nhiều lần gây sức ép để buộc Palestine chấp thuận kế hoạch hòa bình của Washington và quay lại bàn đàm phán với Israel, như ngừng giải ngân khoản viện trợ cho Palestine và đóng cửa Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) tại Washington.

Palestine đã phản đối gay gắt thỏa thuận được cho là "chôn vùi hy vọng" về giải pháp hai nhà nước và tuyên bố không còn coi Mỹ là trung gian hòa giải trong việc giải quyết cuộc xung đột với Israel.

Tuy nhiên, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, chính quyền mới tại Mỹ đã tích cực tìm kiếm một giải pháp thông qua các kênh ngoại giao và liên lạc cho xung đột giữa Israel và Palestine, với tuyên bố rằng cả người Israel và Palestine đều có quyền được sống trong hòa bình và ổn định.

Điều này được thể hiện rõ qua một loạt động thái của Washington khi tình trạng bạo lực leo thang ở Dải Gaza.

Mỹ đã tiến hành nhiều cuộc tiếp xúc với lãnh đạo hàng đầu của Israel, Palestine và cả đối tác ở Trung Đông, như các cuộc điện đàm giữa ông Bliken với người đồng cấp Ai Cập, Saudi Arabia, Qatar nhằm thúc đẩy một phản ứng trong khu vực để tìm cách vãn hồi hòa bình.

Trong cuộc điện đàm gần nhất với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi "giảm leo thang đáng kể" bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas.

Ngoài ra, ông Biden cũng điện đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi để thảo luận việc Cairo làm trung gian kết nối giữa Israel và Hamas nhằm tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn.

Mỹ cũng đã thể hiện sự ủng hộ Palestine trong các nỗ lực hướng tới giải pháp hai nhà nước, xúc tiến khôi phục khoản viện trợ trị giá 235 triệu USD cho người Palestine.

Cho tới thời điểm này, cách tiếp cận ngoại giao cùng phản ứng của Mỹ đối với cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas đã phần nào phát huy hiệu quả, với thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được.

Thế kẹt của nước Mỹ trên ''bàn cờ'' Trung Đông đầy bất trắc ảnh 2Người dân Palestine thu nhặt vật dụng còn sót lại trong những căn nhà đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 18/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo giới quan sát, mặc dù Mỹ vẫn tìm cách cản trở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua một tuyên bố chung về vấn đề này, trong đó lên án các hành vi bạo lực, nhưng có thể nhận định thiếu sức ép trực tiếp của Washington thì chưa chắc Israel đã thông báo lệnh ngừng bắn tại thời điểm hiện tại.

[Xung đột Israel-Palestine: 'Bất ngờ khó chịu' đối với Tổng thống Biden]

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng thỏa thuận ngừng bắn chỉ là tạm thời và bạo lực có thể bùng phát bất cứ khi nào, đồng thời hiện còn quá sớm để tiến hành các cuộc đàm phán hòa bình rộng lớn giữa Israel và Palestine, bởi tình hình Israel vẫn chưa ổn định sau 4 cuộc bầu cử trong 2 năm mà vẫn không thành lập được chính phủ lâu dài.

Còn tại Palestine, những bất đồng và khác biệt giữa phong trào Fatah của Tổng thống Mahmoud Abbas với lực lượng Hamas hiện kiểm soát Dải Gaza, cũng là yếu tố cản trở đàm phán.

Những nỗ lực ngoại giao ở cấp độ quốc tế và khu vực hiện nay vấp phải một số trở lực khi cả Mỹ và phần lớn cường quốc phương Tây đều không đối thoại với Hamas.

Thế kẹt của nước Mỹ trên ''bàn cờ'' Trung Đông đầy bất trắc ảnh 3Khói bốc lên từ tòa tháp bị sập sau cuộc không kích của Israel xuống thành phố Gaza ngày 15/5/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, dù ông Joe Biden đã điều chỉnh chính sách đối với Trung Đông ở một mức độ nhất định, nhưng điều đó không có nghĩa chính quyền Mỹ hiện nay sẽ phá vỡ hoàn toàn những gì chính quyền người tiền nhiệm đã thực hiện.

Ông Biden vẫn giữ lại một số nội dung chính trong chính sách của cựu Tổng thống Trump, bao gồm một số vấn đề vốn đi ngược lại quan điểm lâu năm của Mỹ về Jerusalem, cũng như về tính hợp pháp của những khu định cư Do Thái.

Như vậy, có thể nói mục tiêu Mỹ đề ra cho chuyến thăm của ông Blinken là khá "khiêm tốn."

Ngoài tập trung hối thúc hai bên Israel và Hamas tôn trọng lệnh ngừng bắn và kêu gọi hợp tác hỗ trợ tái thiết Gaza như giải pháp giảm căng thẳng ở khu vực, Washington rõ ràng chưa có kế hoạch khôi phục lại các cuộc đàm phán hòa bình Israel-Palestine và gần như không hành động để giải quyết các nguyên nhân cơ bản của cuộc xung đột kéo dài hơn 70 năm qua.

Nói cách khác, chuyến công du của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ tới Israel, Palestine, Jordan và Ai Cập chỉ nhằm củng cố lệnh ngừng bắn, chứ không nhằm tái khởi động tiến trình hòa bình cho một giải pháp hai nhà nước.

Trong hàng thập niên qua, việc giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine đã khiến các tổng thống Mỹ phải đau đầu.

Tổng thống Mỹ đương nhiệm, với nhiều kinh nghiệm về Trung Đông trong những năm dài làm việc tại Thượng viện và sau đó là tại Nhà Trắng (với tư cách phó tổng thống dưới thời Tổng thống Barack Obama), chắc chắn hiểu rõ Trung Đông đầy bất trắc có thể hủy hoại toàn bộ các tham vọng quốc tế của chính quyền Mỹ.

Nhìn chung, cách tiếp cận của Mỹ đối với vấn đề này luôn theo hướng không làm rạn nứt quan hệ với Israel, đồng minh chủ chốt của Mỹ ở khu vực.

Theo bà Annick Cizel, chuyên gia về chính trị Mỹ thuộc trường Đại học Sorbone, chiến lược của chính quyền Tổng thống Biden về Trung Đông phải bảo đảm duy trì "thế cân đối" cả trên bình diện khu vực lẫn quốc tế, khi mà diện mạo thế giới và diện mạo ngoại giao tại vùng Trung Đông ngày nay đã thay đổi, tức là ngoài cuộc xung đột Israel-Palestine, Washington phải cân nhắc tới nhiều vấn đề khác trong khu vực.

Khi đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ phải có những bảo đảm đối với Israel, vốn là "đối thủ" của Tehran trong khu vực.

Mỹ cũng cần phải dàn xếp với Israel khi hai nước này đang khởi động các cuộc đàm phán về an ninh với một số nước khu vực Đông Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh ảnh hưởng và vị thế của Mỹ ở Trung Đông có phần giảm sút trước những "tác nhân" mang tính khu vực như Ai Cập, Jordan, Qatar hay thế giới như Nga, Trung Quốc, Mỹ cũng không muốn "gây xích mích" với Israel, bởi Nhà nước Do Thái là một đối tác hậu thuẫn Washington trong khu vực.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng phải cân nhắc đến các yếu tố trong nước.

Theo thống kê, trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, hiếm khi đảng của một tổng thống đương nhiệm giành được sự ủng hộ cao và đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ nắm được điểm yếu của đảng Dân chủ nếu Washington lựa chọn đường lối cứng rắn hơn đối với Israel.

Mỹ sẽ bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới. Bất kỳ động thái nào của chính quyền Tổng thống Biden chuyển hướng sang chỉ trích Israel mạnh mẽ hơn đều được coi là một quyết định có tính rủi ro cao, do sự chênh lệch quyền lực chính trị giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong Quốc hội Mỹ hiện nay rất mong manh.

Chắc chắn rằng, lộ trình nối lại đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine sẽ gặp nhiều trở ngại tương tự như kịch bản suốt 30 năm qua bởi những mâu thuẫn mang tính lịch sử giữa hai bên cần được giải quyết công bằng, hợp pháp mà trên hết là giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại, tuân thủ luật pháp quốc tế và các thỏa thuận liên quan tới vấn đề Đông Jerusalem, theo đó công nhận các quyền hợp pháp của người Palestine đối với vùng lãnh thổ này.

Chính vì vậy, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng, đặc biệt là những cường quốc có ảnh hưởng và lợi ích trong khu vực như Mỹ.

Tuy nhiên, để triển khai một chính sách mang tính bền vững và công bằng hơn cho cuộc xung đột Israel-Palestine, có lẽ trước tiên Mỹ cần giải quyết những vướng mắc của chính mình trong vấn đề này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục