Bóng đá Việt học từ World Cup: Gạt bỏ tự tôn, thay đổi từ gốc rễ

World Cup 2014 đã kết thúc với thành công rực rỡ cho đội tuyển Đức. Hãy cùng nghe các chuyên gia bóng đá chia sẻ về những bài học mà Việt Nam nên rút ra từ thành công của “Die Mannschaft”.
Bóng đá Việt học từ World Cup: Gạt bỏ tự tôn, thay đổi từ gốc rễ ảnh 1Thành công của đội tuyển Đức được thai ngén trong cả thập kỷ. (Ảnh: Action Press)

Bình luận viên Quang Huy: Đến lúc cần, phải mạnh dạn thay đổi

Tổ chức xã hội, nền tảng xã hội của mình và nước Đức khác nhau quá xa nên khó có thể vận dụng bài học của họ vào mình. Nhưng có một chuyện mình có thể nhìn ra ngay khi Đức vô địch. Họ vốn là dân tộc có lòng tự tôn rất cao, lối chơi của họ đã hình thành suốt nhiều năm. Nhưng đến lúc thấy cần phải thay đổi, họ đã mạnh dạn thay đổi.

Bóng đá là một dòng chảy, chúng ta phải thức thời. Khi đã thay đổi, mình phải kiên định với quyết tâm đó. Đừng nghĩ rằng mình đã mất công xác lập cái gì thì sẽ luôn phải đi theo cái đấy. Nếu cần, chúng ta phải mạnh dạn thay đổi.

Đội tuyển Đức bây giờ là một đội tiqui-taca đúng nghĩa. Để thay đổi từ gốc rễ được như thế đòi hỏi tính đồng bộ của bộ máy quản lý phải rất cao, kế hoạch đề ra phải được thực hiện từ thượng tầng.

Thành công của tuyển Đức cho thấy bóng đá là tấm gương phản ánh cuộc sống. Bạn nhìn nước Đức hiện tại xem, họ cũng đã thay đổi rất nhiều. Người Đức không còn là một dân tộc cực đoan, tự tôn, nặng nề như quá khứ. Tuyển Đức hiện cũng có nhiều người da màu, cũng chấp nhận những người nhập cư với đóng góp to lớn cho đội bóng (Mesut Oezil là một ví dụ). Sự thay đổi ấy là thay đổi của cả xã hội.

Cựu danh thủ Đặng Gia Mẫn: Chúng ta biết nhưng khó lòng học được

Chúng ta rút ra được rất nhiều bài học nhưng điều kiện vật chất, mức sống, xã hội, kinh tế con người Việt Nam không cho phép chúng ta thực hiện. Chúng ta học được nhiều nhưng chúng ta không làm được vì hoàn cảnh, điều kiện không cho phép.

Bóng đá Việt học từ World Cup: Gạt bỏ tự tôn, thay đổi từ gốc rễ ảnh 2Giống như trung tâm Viettel, trung tâm đào tạo trẻ của Vissai Ninh Bình cũng đang hoạt động cầm chừng bởi số phận của câu lạc bộ vẫn chưa rõ ràng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Như ở nước họ, trẻ em chơi bóng không mất tiền. Trong khi ở nước ta, trẻ em muốn chơi bóng phải có tiền. Chúng ta có một trung tâm đào tạo trẻ rất tốt như Viettel nhưng rốt cuộc đã giải thể mất rồi. Bài học của chúng ta sau World Cup là biết nhưng không học được, ít nhất là trong hoàn cảnh lúc này.

Huấn luyện viên Đoàn Minh Xương: Phải kiên trì và tận dụng các nguồn lực

Sau những thất bại từ thập niên 90, Liên đoàn bóng đá Đức đã có chiến lược mới trong đào tạo trẻ, lấy câu lạc bộ làm nền tảng, đưa ra chiến lược, yêu cầu và hỗ trợ các đội bóng đào tạo trẻ. Kèm theo đó, người Đức thay đổi tư duy về lối chơi, từ một đội bóng mạnh về thể lực, tinh thần, họ thay đổi, lấy kiểm soát bóng làm kim chỉ nam, dựa trên nền tảng phát triển kỹ thuật cá nhân cầu thủ.

Qua đó, thế hệ trẻ tài năng đã xuất hiện. Lực lượng này được kiên trì xây dựng từ 2006 khi Klinsmann làm huấn luyện viên từ Lahm, Bastian Schweinsteiger ngày xưa tới Mueller, Oezil, Kramer... Đây không chỉ là bài học với Việt Nam mà còn là bài học với thế giới.

Bóng đá Việt học từ World Cup: Gạt bỏ tự tôn, thay đổi từ gốc rễ ảnh 3Trước khi vươn tới World Cup, bóng đá Việt Nam phải nỗ lực bắt kịp "mặt bằng" châu Á. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Sắp tới, Liên đoàn bóng đá Việt Nam sẽ hợp tác với Nhật Bản. Người Nhật có những chiến lược giống Đức, mình được họ hỗ trợ, mình sẽ xây dựng những chiến lược đào tạo trẻ. Nếu được, các chiến lược này phải lồng vào đề án phát triển bóng đá của chính phủ phê duyệt, kết hợp các nguồn lực nhà nước, câu lạc bộ để kiên trì thực hiện.

Kêu gọi câu lạc bộ rất khó khăn, nhưng sau khi được Nhật Bản hỗ trợ nhân lực, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) phải có chính sách hỗ trợ câu lạc bộ đào tạo trẻ. Chúng phải kết hợp nguồn lực nhà nước, nguồn lực Liên đoàn và tự lực của các đội bóng, phải kiên nhẫn, bền gan, không nản chí.

Nhưng cũng đừng hy vọng làm thế là chúng ta sẽ vô World Cup ngay vì người Việt có những hạn chế về sinh học, về thể chất. Với bóng đá Việt Nam, mục tiêu khả dĩ là đứng đầu Đông Nam Á, tiếp cận trình độ châu Á của Nhật Bản, Hàn Quốc. Chiến lược này phải kéo dài 10, 20, thậm chí 30 năm./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục