Brazil nghi Pháp phá trung tâm phóng vệ tinh Alcântara

Brazil nghi ngờ mật vụ Pháp có thể đứng sau vụ nổ tại căn cứ phóng vệ tinh Alcântara khiến 21 người chết cách đây 10 năm.
Brazil nghi Pháp phá trung tâm phóng vệ tinh Alcântara ảnh 1Tháp phóng bị phá hủy sau vụ nổ tên lửa đẩy tại Alcântara. (Ảnh: Folhapress)

Brazil từng theo dõi các nhân viên mật vụ Pháp sau khi phát hiện họ nhòm ngó chương trình phát triển vũ trụ và thậm chí có thể đã đứng sau vụ nổ tại căn cứ phóng vệ tinh Alcântara ở bang Maranhão khiến 21 người thiệt mạng cách đây 10 năm.

Theo một tài liệu của Cơ quan tình báo Brazil (Abin) do nhật báo Folha de Sao Paulo đăng tải hôm 5/11, một năm trước khi xảy ra vụ nổ, Brazil đã phát hiện một “mạng lưới gián điệp” của Tổng cục an ninh đối ngoại Pháp (DGSE) hoạt động tại Maranhão và Sao Paulo nhằm giám sát chương trình phát triển vũ trụ của quốc gia Nam Mỹ này.

Abin đã tiến hành ít nhất ba chiến dịch phản gián nhằm vào các điệp viên Pháp và các cơ quan có liên quan tới quốc gia châu Âu này, như Trung tâm hợp tác kỹ thuật và khoa học Pháp-Brazil trực thuộc Lãnh sự Pháp tại Sao Paulo, và Viện nghiên cứu vũ trụ quốc gia.

Báo cho biết một trong những mục tiêu theo dõi của Abin là một nhân viên của DGSE đóng giả là một giáo viên dạy lướt ván diều dưới cái tên Olivier để tuyển mộ những người cung cấp thông tin về căn cứ Alcântara.

Alcântara - hiện vẫn đang trong quá trình sửa chữa nâng cấp sau vụ nổ - là một trong những căn cứ phóng vệ tinh tốt nhất thế giới vì nằm gần đường xích đạo, điều cho phép tiết kiệm 13% nhiên liệu của tên lửa đẩy so với tên lửa được phóng tại Cabo Cañaveral (Mỹ) và 31% nếu phóng từ trung tâm vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.

Brazil nghi Pháp đã tiến hành phá hoại vì Alcântara là đối thủ cạnh tranh chủ yếu của căn cứ vũ trụ Kourou tại lãnh thổ Guayana thuộc Pháp. Hoạt động phản gián tiếp tục được thực hiện sau vụ nổ, nhưng không thấy bằng chứng về việc Paris đứng đằng sau.

Vụ nổ diễn ra hôm 22/8/2003. Phần lớn trong số 21 nạn nhân là kỹ sư và kỹ thuật viên của Bộ tổng tư lệnh công nghệ hàng không vũ trụ Brazil.

Trước đó, ngày 4/11, một số nghị sĩ đối lập Brazil đã yêu cầu chính phủ giải thích về các hoạt động phản gián nhằm vào các nhà ngoại giao Iran, Iraq và Nga trong những năm 2003 và 2004 do chính tờ Folha de Sao Paulo đăng tải, trong bối cảnh Brasilia cực lực lên án Mỹ do thám hàng triệu công dân Brazil, thậm chí nghe trộm điện thoại của Tổng thống Dilma Rousseff và giám sát tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.

Bộ trưởng Tư pháp Brazil, José Eduardo Cardozo, ngày 5/11 khẳng định hoạt động tình báo quy mô toàn cầu của Mỹ và hoạt động phản gián của Abin trên lãnh thổ Brazil là “khác nhau hoàn toàn”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục