Theo báo cáo mới công bố của Liên hợp quốc, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng ở các nước đang phát triển đã giảm mạnh nghèo đói, tạo ra một tầng lớp trung lưu mới và đưa các nền kinh tế như Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ vào con đường cất cánh trở thành những quốc gia giàu có nhất thế giới. Nhưng trong khi các nước đang phát triển hiện là động lực cho tăng trưởng kinh tế, việc thiếu hành động với vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng bất bình đẳng kéo dài đe dọa những thành tựu đạt được, theo một nghiên cứu của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP). Nghiên cứu cho biết đã có sự “cân đối lại sức mạnh kinh tế toàn cầu một cách sâu sắc” và dự báo tổng sản lượng kinh tế gộp lại của Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ vượt của Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Đức và Italy vào năm 2020. Những thay đổi đáng chú ý nhất diễn ra ở nam bán cầu, một khu vực đã chứng kiến sự gia tăng mức sống “chưa có tiền lệ”, theo nghiên cứu này, có tựa đề "The Rise of the South: Human Progress in a Diverse World" (Sự vươn lên của phương nam: Tiến bộ với con người trong một thế giới đa dạng). “Chưa bao giờ trong lịch sử điều kiện sống và triển vọng của nhiều người như thế thay đổi sâu sắc như thế và nhanh chóng như thế,” nghiên cứu được công bố ở Mexico City cho biết. Trung Quốc và Ấn Độ đã tăng gấp đôi sản lượng kinh tế bình quân đầu người trong không đầy 20 năm, một tốc độ gấp đôi so với châu Âu và Bắc Mỹ thời cách mạng công nghiệp. Tỉ lệ người nghèo cùng cực trên toàn thế giới giảm từ 43% vào năm 1990 xuống còn 22% vào năm 2008, với hơn 500.000 triệu người vượt ra khỏi mức nghèo chỉ tính riêng tại Trung Quốc. Tỉ lệ người sống với mức thu nhập thấp hơn 1,25 USD mỗi ngày đã giảm một nửa, giúp đạt được một trong những mục tiêu chính trong danh sách Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Tỉ lệ tầng lớp trung lưu ở phía nam bán cầu đã tăng từ 26% lên 58% trong giai đoạn 1990-2010. Tới năm 2030, hơn 80% dân số trung lưu của thế giới sẽ sống ở nam xích đạo, theo báo cáo. “Cuộc cách mạng công nghiệp là câu chuyện có lẽ về hàng trăm triệu người, nhưng đây là câu chuyện về hàng tỉ người”, Khalid Malik, tác giả chính của báo cáo, cho biết. Nhưng các nước đang phát triển đối mặt với những thách thức dài hạn giống như các nước công nghiệp hóa hàng đầu hiện nay, từ sự già hóa dân số tới các áp lực về môi trường và bất bình đẳng xã hội.
Các nước mới nổi như Brazil đang phải đối mặt với sự gia tăng của bất bình đẳng xã hội (Nguồn: AFP)
Thiếu hành động trong biến đổi khí hậu thậm chí có thể cản trở và đảo ngược tiến trình phát triển với con người ở những nước nghèo nhất, đẩy tới ba tỷ người trở lại tình trạng nghèo cùng cực tới năm 2050 nếu như các thiên tai môi trường không được ngăn chặn, bản báo cáo nói. “Thách thức hiện giờ là tiếp tục quá trình phát triển, chia sẻ kinh nghiệm, và tranh thủ ảnh hưởng ngày càng gia tăng của phương nam để đưa thế giới tới sự phát triển bền vững và bao gồm tất cả mọi nước,” Giám đốc UNDP Helen Clark, người công bố bản báo cáo cùng Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, nói./.
Trần Trọng (Vietnam+)