Brexit làm giảm trao đổi thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu

Xuất khẩu từ EU sang Anh giảm 15% trong 10 tháng năm 2021 so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát; trong khi hàng hóa Anh nhập khẩu vào EU cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Brexit làm giảm trao đổi thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu ảnh 1Xe tải chở hàng sau khi rời phà chờ làm thủ tục kiểm tra tại cảng Dover, miền Đông Nam nước Anh, ngày 10/12/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi Brexit, ảnh hưởng đến hoạt động trao đổi thương mại hai chiều giữa EU và Anh, trong đó các ngành như ôtô, dệt may và hàng không chịu tác động mạnh nhất.

Đây là nhận định mới nhất mà Bộ Kinh tế Pháp đưa ra ngày 27/1.

Bộ Kinh tế Pháp công bố các dữ liệu bên lề cuộc họp cấp bộ trưởng của EU ở Paris nhằm đánh giá về quá trình Brexit bắt đầu một năm trước.

Xuất khẩu từ EU sang Anh giảm 15% trong 10 tháng năm 2021, so với cùng kỳ năm 2019, trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong khi đó, hàng hóa Anh nhập khẩu vào EU cũng giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.

Đại dịch COVID-19 cũng tác động đáng kể tới lưu thông hàng hóa song phương. Tuy nhiên, theo số liệu từ Cơ quan thống kê EU (Eurostat), tổng kim ngạch nhập khẩu và xuất khẩu nói chung của EU vượt các mức ghi nhận năm 2019 trong 10 tháng năm 2021.

[Các quy định hải quan mới hậu Brexit chính thức có hiệu lực]

Thỏa thuận thương mại mới giữa Anh và EU có hiệu lực vào đầu năm 2021 đã tái thiết lập các quy định kiểm tra hải quan tại biên giới, gây thêm những gánh nặng về hành chính cho các công ty vận tải.

Thỏa thuận cũng dẫn đến tình trạng gián đoạn, khiến các công ty vốn phụ thuộc vào các hoạt động vận chuyển thường xuyên và nhanh chóng, gặp thêm nhiều rắc rối. Hãng bán lẻ Marks & Spencer của Anh đã đóng cửa nhiều cửa hàng ở Paris sau thời gian chật vật để duy trì nguồn cung hàng hóa cho các cửa hàng.

Khoảng 80% trao đổi thương mại giữa EU và Anh là qua Pháp. Nước này đã phải thuê thêm 700 nhân viên hải quan, thiết lập hệ thống mã hóa để phục vụ việc giám sát các xe tải đi qua biên giới.

Tuy nhiên, số lượng hàng hóa chuyên chở trên các xe tải này cũng được ghi nhận là giảm nhiều so với trước khi Brexit diễn ra. Tình trạng ùn ứ xe tải tại các cảng ở Channel vẫn được ghi nhận trong tháng 1/2022, một phần do những yêu cầu mới sau Brexit buộc các xe phải đỗ lại lâu hơn để thực hiện đủ các quy trình cần thiết.

Đầu tuần này, hiệp hội Logistics của Anh, cơ quan đại diện cho nhiều doanh nghiệp vận hành các dịch vụ xe tải, đường sắt, đường biển và đường hàng không, đã kêu gọi giới chức Anh và Pháp tham gia thảo luận một cách tích cực để tháo gỡ khó khăn hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục