BRICS sẽ thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc chuyên biệt

Đối với các nước thành viên BRICS, việc trao đổi ngũ cốc có thể làm giảm sự không chắc chắn và giúp bảo đảm nguồn cung ngũ cốc ổn định trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.

Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nông dân thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quốc gia thành viên thuộc Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã nhất trí với đề xuất của Nga về việc thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc chuyên biệt.

Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Oksana Lut nhấn mạnh tại cuộc họp với các đồng nghiệp BRICS rằng việc phát triển nền tảng này sẽ bắt đầu trong tương lai gần.

Bộ trưởng Oksana Lut nói: “Tất cả các nước thành viên BRICS đã ủng hộ sáng kiến của Nga nhằm tạo ra một sàn giao dịch ngũ cốc của BRICS. Và giờ đây, theo chỉ thị của Tổng thống Nga Vladimir Putin, cùng với các đồng nghiệp của mình, chúng tôi sẽ nỗ lực tạo ra và phát triển nền tảng này, cũng như phát triển khả năng thanh toán bằng đồng nội tệ của các nước BRICS."

Bà Lut nhấn mạnh hiện các nước BRICS chiếm “khoảng 30% tổng diện tích đất trồng trọt trên thế giới và 40% tổng sản lượng ngũ cốc của toàn cầu."

Theo Bộ Nông nghiệp Nga, sản lượng ngũ cốc của khối dự kiến sẽ gia tăng đáng kể, lên hơn 1,24 tỷ tấn và lượng tiêu thụ là 1,23 tỷ tấn.

Đối với các nước thành viên BRICS, việc trao đổi ngũ cốc có thể làm giảm sự không chắc chắn và giúp bảo đảm nguồn cung ngũ cốc ổn định trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và mối lo ngại về mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng.

Các nhà phân tích nhận định việc thiết lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS có thể khiến các nước xuất khẩu ngũ cốc và phân bón truyền thống như Mỹ, Canada và Australia gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các nước này cũng có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì thị phần, đàm phán để có được các điều kiện giao dịch thuận lợi và cạnh tranh với ngũ cốc giá rẻ hơn của Nga.

Hiện BRICS gồm 10 nước thành viên (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, Ethiopia, Ai Cập, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất và Iran) với tổng GDP lớn hơn tổng GDP của các nước Nhóm các nước công nghiệp phát triển G7. Ngoài ra, hơn 20 quốc gia đã nộp đơn xin tham gia khối này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục