BRICS vẫn có tiềm năng lớn để hỗ trợ kinh tế toàn cầu

Các nền kinh tế BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vẫn được cho là có tiềm năng lớn hỗ trợ kinh tế toàn cầu.
BRICS vẫn có tiềm năng lớn để hỗ trợ kinh tế toàn cầu ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: plancessiit.com)

Mặc dù nhịp độ tăng trưởng gần đây chậm lại, các nền kinh tế BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - vẫn được cho là có tiềm năng hỗ trợ kinh tế toàn cầu đang cần tăng trưởng một cách cân đối hơn.

Các nước BRICS đã trở thành "cứu cánh" cho kinh tế toàn cầu kể từ sau khi cuộc khủng hoảng tài chính nổ ra năm 2008. Trong 5 năm qua, các nước này đã có đóng góp đáng ghi nhận cho kinh tế thế giới thông qua việc tạo thêm việc làm, giảm đói nghèo, bơm vốn, xuất-nhập khẩu và các hoạt động kinh tế khác.

Nói cách khác, nhịp độ tăng trưởng kinh tế nhanh của các quốc gia trong nhóm đã giúp bù đắp sự trì trệ ở các nền kinh tế phát triển, và dự trữ ngoại tệ của các nước này cũng đã góp phần cứu nguy cho châu Âu trong khủng hoảng nợ.

Tốc độ tăng trưởng và tiềm năng phát triển của Trung Quốc cũng như các nền kinh tế khác trong BRICS sẽ vẫn là nội dung nổi trội trong số các nền kinh tế lớn của thế giới, với vai trò là động lực chính cho sự phục hồi của kinh tế toàn cầu trong trung và dài hạn.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong tháng Một này đã dự báo các mức tăng trưởng của Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil trong năm nay tương ứng sẽ là 7,5%, 5,4%, 2% và 2,3%, trong khi các con số dự báo cho kinh tế Mỹ, Khu vực sử dụng đồng euro và Nhật Bản tương ứng là 2,8%, 1% và 1,7%.

Theo IMF, các nước BRICS có tổng GDP danh nghĩa trên 16 nghìn tỷ USD vào năm 2013. Theo một số nhận định, chiếm khoảng 1/3 tổng số dân và hơn 1/4 diện tích đất của thế giới, BRICS có thể sẽ vượt Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển (G7), gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Vương quốc Anh, Canada và Italy vào năm 2027.

Nền kinh tế đầu tàu trong nhóm là Trung Quốc tăng trưởng 7,7% trong năm ngoái, cao hơn nhiều so với mức dự báo tăng 5% của IMF cho cả các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Theo nhà kinh tế người Anh, O'Neill, người được biết đến là cha đẻ của tên gọi BRICS, nếu tăng trưởng hàng năm ở mức 7,5% trong một thập niên tới, quy mô của nền kinh tế Trung Quốc sẽ là 16 nghìn tỷ USD hoặc hơn vào năm 2020.

Trong nhóm nước trên, Trung Quốc được mệnh danh là "công xưởng của thế giới," Brazil là nguồn nguyên liệu thô quan trọng cho thị trường toàn cầu, Nga là "trạm xăng của thế giới", Ấn Độ được biết đến là "văn phòng của thế giới" và Nam Phi là kho tài nguyên của châu Phi.

Nhịp độ tăng trưởng chậm lại của một số nền kinh tế trong nhóm đã dẫn tới những nhận định tiêu cực về sức mạnh của BRICS trong tương lai và điều này đang làm nản lòng các nhà đầu tư, song nguồn tài nguyên dồi dào có thể trở thành cơ sở để tin tưởng vào tiềm năng phát triển to lớn của nhóm nước này.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, Bộ trưởng Tài chính Brazil Guido Mantega nói ông tin rằng khối BRICS sẽ tiếp tục dẫn dắt nền kinh tế toàn cầu, cho dù Mỹ thắt chặt chính sách tiền tệ và mối quan ngại liên quan đến kinh tế Trung Quốc./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục