Bức thư của 'nước Mỹ mới' và những điều nhắn gửi 'nước Mỹ cũ'

Bức thư có đoạn "kết quả bầu cử ngày 7/11 cho thấy một nước Mỹ chuyển động theo 2 hướng ngược nhau. Một số thậm chí còn ám chỉ rằng nước Mỹ bị chia rẽ đến mức có thể xảy ra cuộc nội chiến lần hai."
Bức thư của 'nước Mỹ mới' và những điều nhắn gửi 'nước Mỹ cũ' ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: isidewith.com)

Trang mạng http://www.thehill.com ngày 25/11 đăng bài viết của tiến sỹ J.D. Lasica, một doanh nhân, một diễn giả và là người tiên phong về truyền thông mới ở khu vực Vịnh San Francisco.

Bài báo được viết dưới dạng một bức thư của nước Mỹ mới gửi nước Mỹ cũ, nội dung như sau:

Hãy tin chúng tôi, chúng tôi hiểu. Thay đổi là rất khó. Ai có thể đổ lỗi cho bạn vì muốn giữ và trì hoãn điều không thể tránh khỏi? Bạn đã có một cuộc chạy đua tuyệt vời. Nhưng thực sự, đã đến lúc chuyển giao ngọn đuốc đó rồi.

Kết quả bầu cử ngày 7/11 đã cho thấy một nước Mỹ chuyển động theo 2 hướng ngược nhau. Một số thậm chí còn ám chỉ rằng chúng ta bị chia rẽ đến mức có thể xảy ra cuộc nội chiến lần thứ hai.

Khoan, đợi một phút. Trước khi chúng ta chìm đắm vào không gian an toàn màu đỏ và màu xanh của chúng ta, đáng để nhớ những điều vẫn còn ràng buộc chúng ta với nhau.

[Chính sách đối ngoại của Mỹ sau bầu cử giữa nhiệm kỳ]

Trước tiên, nước Mỹ cũ, đừng nghĩ rằng chúng tôi muốn xóa bỏ những gì các bạn đã đạt được hoặc tất cả những điều bạn muốn. Chúng tôi muốn xây dựng một liên minh hoàn hảo hơn, không xé bỏ nó.

Trong khi chúng tôi cần bỏ lại một số hành lý của bạn bên lề đường, chúng tôi cũng hy vọng sẽ mang lại màu đỏ, trắng và xanh tốt nhất cho chúng ta trên chặng đường gập ghềnh này để tiến vào thế giới mới.

Dưới đây là những gì chúng tôi đề xuất để làm cho hành trình thay đổi diễn ra suôn sẻ.

Hãy bắt đầu với các nguyên tắc cơ bản: Tự do, công lý, bình đẳng. Vâng, chúng ta sẽ đảm bảo những lý tưởng đó ở lại với chúng ta, ngay cả khi chúng không được áp dụng cho phụ nữ, dân tộc thiểu số và người nghèo trong suốt một thời gian quá dài. Chúng ta vẫn phải làm việc để đảm bảo rằng những nguyên tắc đó trở thành hiện thực với tất cả người Mỹ.

Tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo. Hãy đặt chúng trong những chiếc hộp tự động và đánh dấu chúng là "dễ vỡ." Cảm ơn vì đã chuyển giao chúng cho chúng tôi tương đối nguyên vẹn. Đất nước của chúng ta từ lâu đã đứng vững như một ngọn hải đăng của tự do, vùng đất của những cơ hội và người đấu tranh, bảo vệ nhân quyền - cho đến gần đây. Cho dù chúng ta không phải lúc nào cũng làm theo nó, lời hứa vẫn tồn tại.

Thấy không? Có rất nhiều điều của nước Mỹ cũ mà bạn sẽ nhận thấy ở nước Mỹ mới.

Nhưng bây giờ đến phần khó khăn. Chúng ta cần phải bỏ lại một số thứ đằng sau.

Trước tiên là chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Tầng lớp thanh niên, những người sẽ sớm nắm lấy các đòn bẩy quyền lực, sẽ không chịu đầu hàng. Tính đa dạng là nguồn sống của họ. Họ nhận ra rằng phân biệt chủng tộc từng là một tai họa trên đất nước chúng ta kể từ lúc khởi đầu. Phân biệt đối xử với cộng đồng người đồng tính, lưỡng tính và người chuyển giới (LGBTQ)?

Chúng ta cũng cần vứt bỏ nó.

Việc trút mọi tội lỗi lên đầu những người nhập cư là một di tích khác mà chúng ta sẽ vứt bỏ. Kích động người Mỹ chống lại "dân ngoại lai" sẽ không giải quyết được khó khăn kinh tế mà quá nhiều người trong chúng ta đang trải qua.

Chúng ta là một quốc gia của những người nhập cư và chúng ta sẽ cùng nhau giải quyết những thách thức của mình chứ không phải là những bộ lạc mâu thuẫn, xung đột với nhau.

Khoảng cách bất bình đẳng đang tiến gần đến mức lịch sử. Chúng ta đã chứng kiến người lao động đã bị vắt kiệt sức ra sao suốt 40 năm trong khi luật thuế của chúng ta ngày càng có xu hướng nghiêng về ủng hộ người giàu và siêu giàu.

Chúng ta hãy bắt đầu một cuộc trò chuyện trung thực về cách chúng ta điều chỉnh lại hướng đi của con tàu để người Mỹ thuộc mọi tầng lớp xã hội có thể thấy lương của họ tăng lên và tầng lớp trung lưu có thể bắt đầu thịnh vượng trở lại.

Các rào cản thương mại bảo hộ sẽ không ảnh hưởng đến điều đó ở nước Mỹ mới. Thị trường nước ngoài là một cơ hội, không phải là một mối đe dọa. Cảm ơn nước Mỹ cũ vì lời nhắc nhở rằng Smoot-Hawley đã "thêm dầu" vào cuộc Đại suy thoái. Chúng ta không thể rơi vào con đường đó một lần nữa.

Khi chúng ta định cư ở nước Mỹ mới, những nỗ lực ngăn chặn cử tri sẽ được lôi ra ánh sáng. Mọi công dân đều xứng đáng chịu trách nhiệm với lá phiếu của mình.

Có lẽ biến đổi khí hậu đã đặt ra mối đe dọa lớn nhất đối với tương lai không chắc chắn của chúng ta. Trong vài năm qua, các bạn đã hoàn toàn để chúng tôi bỏ mặc vấn đề đó. Nhưng chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực cứu hành tinh. Chúng tôi hoan nghênh sự giúp đỡ của bạn.

Giờ đây trong một nước Mỹ mới đang nổi lên, chúng tôi biết chúng tôi không có mọi câu trả lời. Có rất nhiều điều chúng ta vẫn cần phải cùng nhau tìm ra, khi chúng ta bước vào thời kỳ bất ổn này.

Ngân sách quân sự của chúng ta dường như không tương xứng với các mối đe dọa của thế kỷ 21, nhưng chúng tôi vẫn có trách nhiệm cân nhắc trách nhiệm của chúng ta ở nước ngoài với một sự can thiệp toàn cầu khiêm tốn hơn.

Bạo lực súng đạn có vẻ khó giải quyết, bất chấp thực tế là đại đa số người Mỹ và những người sở hữu súng ủng hộ việc kiểm tra lý lịch và có các đạo luật về kiểm soát súng chặt chẽ hơn.

Xây dựng lại cơ sở hạ tầng đổ nát của chúng ta xem ra nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Vì vậy, hãy tiếp tục giữ mức phí chăm sóc y tế.

Chủ nhân hiện nay của Nhà Trắng? Vâng, đó là một phần của quá trình chuyển tiếp kéo dài, đau đớn vẫn đang ở phía trước.

Chúng ta sẽ không nhất trí về mọi điều. Nhưng hãy bắt đầu cuộc trò chuyện với cách lý giải rằng nước Mỹ cũ và nước Mỹ mới chia sẻ nhiều nét tương đồng. Lúc này, hãy nói về điểm sáng đó./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục