Bức thư xúc động về tình cảm của cán bộ TTXVN dành cho Campuchia

Các cán bộ, phóng viên TTXVN sang giúp Thông tấn xã SPK những ngày đầu tiên nhận được một bức thư từ cô Chey Beaupha, con gái đầu của nhà báo Chay Saphon, Tổng Giám đốc đầu tiên của SPK.
Bức thư xúc động về tình cảm của cán bộ TTXVN dành cho Campuchia ảnh 1'Cô bé' Chey Beaupha ngày nào giờ đã là Đại tướng, Phó Tổng Thư ký Ủy ban quốc gia Campuchia về phòng, chống và kiểm soát ma túy.

Nhân dịp 40 năm các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, các cán bộ, phóng viên TTXVN sang giúp Thông tấn xã SPK những ngày đầu tiên nhận được một bức thư từ cô Chey Beaupha, con gái đầu của nhà báo Chay Saphon, Tổng Giám đốc đầu tiên của SPK.

VietnamPlus trân trọng giới thiệu nội dung bức thư.

"Sắp tới ngày 7/1/2019, nhanh quá cô chú nhỉ! Mới ngày nào cháu vẫn là cô bé, vậy mà đã 40 năm trôi qua kể từ ngày đất nước Campuchia thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot. Và cháu cũng đã gần 50 tuổi rồi.

Lúc này đây, cháu đang ngồi nhớ lại những kỷ niệm từ những ngày đất nước còn rất khó khăn và để có được những thay đổi và phồn vinh như ngày hôm nay, cháu luôn nghĩ về quá khứ.

Dù hồi đó cháu còn nhỏ chưa hiểu chuyện nhưng với tất cả những gì cháu được chứng kiến cùng lịch sử và qua lời kể của ba mẹ, cháu thấy mình thật may mắn khi được sinh ra và lớn lên cùng với sự hồi sinh của đất nước và sự giúp đỡ chí tình cũng như sự hy sinh và mất mát cao cả của Đảng và nhân dân Việt Nam nói chung, và của Thông tấn xã Việt Nam nói riêng.

[Mega Story] Họ hy sinh cho nước bạn hồi sinh

Những cái tên như bác Bảy Phượng, bác Đào Tùng, bác Năm Xuân, bác Ba Đỗ, chú Năng, cô Ngạc, chú Thư, chú Hưởng, chú Sỹ, chú Ấn, chị Mai Hương, các anh chị con lai như chúng cháu (nhưng nhiều tuổi hơn) như chị Xuân, chị Dung, chị Đức, anh Dũng, chị Phượng... và còn nhiều tên tuổi nữa luôn trong trí óc cháu. Tự đáy lòng mình, chúng cháu luôn tự hào về ba của mình vì đã cùng các bác, các cô, các chú Việt Nam chung vai góp sức cùng xây dựng để đất nước có được như ngày hôm nay.

Nhân kỷ niệm 40 năm các chiến sỹ tình nguyện Việt Nam giúp nhân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pol Pot, cháu xin thay mặt người cha đã khuất, xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc và lời hỏi thăm sức khỏe đến toàn thể các bác, các cô, chú. Mẹ cháu và chị em cháu thường xuyên xem lại những tấm hình cũ và kể về những ngày đầu tiên thành lập Thông tấn xã SPK mà ba cháu vinh dự được giữ chức Tổng giám đốc đầu tiên.

Những ngày tháng đầu tiên khó khăn ấy phải kể đến công lao của bác Đỗ Phượng - nguyên Tổng Giám đốc TTXVN và các cô chú chuyên gia Việt Nam, những người đặt nền móng đầu tiên sang giúp Campuchia thành lập hãng thông tấn của Mặt trận Dân tộc cứu nước Campuchia, lấy tên viết tắt là SPK (nay đổi lại thành AKP). Ba cháu được cử làm Tổng giám đốc SPK. Cùng làm việc với ba cháu còn có một vài cô chú trí thức Campuchia đang ở các trại tị nạn tại Việt Nam, làm nòng cốt cho Thông tấn xã Campuchia.

Phía Việt Nam có bác Đỗ Phượng và bác Trần Thanh Xuân trực tiếp chỉ đạo và hướng dẫn ba cháu trong những năm tháng thông tấn SPK chập chững những bước đi đầu tiên.

Bức thư xúc động về tình cảm của cán bộ TTXVN dành cho Campuchia ảnh 2Phó Tổng giám đốc TTXVN Đỗ Phượng và cô bé Chey Beaupha những ngày đầu giải phóng (1979).

Ngày 7/1/1979, bác Trần Thanh Xuân (khi đó là Phó Tổng giám đốc TTXVN) cùng bác Trần Hữu Năng và một số cô chú sang Phnom Penh. Ít ngày sau, từ Hà Nội, bác Đỗ Phượng cùng các lãnh đạo của TTXVN chuẩn bị một lực lượng theo cơ cấu tổ chức của một hãng thông tấn cùng toàn bộ thiết bị kỹ thuật. Đội ngũ cán bộ TTXVN sang Campuchia có đủ cả các thành phần và một cơ cấu tổ chức hoàn chỉnh, có chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, công đoàn.

Các cô chú không chỉ mang theo các trang thiết bị, nhân lực, mà ngay cả lương thực, thực phẩm như gạo, rau quả... từ Việt Nam sang Campuchia để sử dụng. Các cô chú tự mang hạt giống rau sang để trồng (bên hông nhà cháu cũng có một vườn rau cô chú có nhớ không ạ? Nào là rau cải, su hào, thì là... Cháu nhớ những củ su hào bé tí vì trồng ở vùng khác khí hậu nhưng vẫn thấy ngon cô chú nhỉ). Ba mẹ cháu luôn kể về tình cảm và sự tận tâm của các bác, các chú nguyên là lãnh đạo và cán bộ, phóng viên TTXVN ngày ấy!

Hồi đó vô cùng thiếu cán bộ nên các cán bộ của thông tấn xã phải về tận các trại tập trung ở Campuchia và cả ở những trại tị nạn tại Việt Nam để tìm kiếm cán bộ có trình độ từ trung cấp trở lên để đưa về đào tạo. Vào thời điểm đó, trên người họ chỉ có duy nhất bộ quần áo đen, đúng không ạ. Các bác lãnh đạo TTXVN phải cử người về Sài Gòn mua quần áo, vải mang sang và mang cả máy khâu sang Campuchia để may vá tại chỗ.

Sau khi được phía TTXVN giúp ổn định chỗ ăn ở, làm quen dần với công việc, hai lớp - một dạy tiếng Việt cho người Campuchia, một dạy tiếng Campuchia cho người Việt - được tổ chức. Mỗi lớp khoảng 30 học viên.

Thời gian đầu, cơ cấu của hãng thông tấn SPK cũng tương tự như của TTXVN. Cũng có bản tin đối nội, đối ngoại, có tin tham khảo, bản tin tiếng Anh, bản tin tiếng Pháp. Thời điểm đó, do hãng thông tấn SPK chưa có phân xã nên đội ngũ phóng viên của TTXVN được phân công theo các đơn vị quân đội ở các khu vực, các tỉnh thành trên khắp đất nước Campuchia, thường xuyên đưa tin tức, chụp ảnh, điện báo gửi về. Lúc đó cháu hay theo ba cháu và các chú phóng viên của TTXVN đi chụp những tấm hình lưu lại những hình ảnh tội ác do bọn diệt chủng gây ra, nhà tù Tuol Sleng vẫn còn mùi tanh của máu...

Những ngày đầu, các cán bộ của TTXVN đã giúp đỡ các phóng viên của SPK rất nhiều, từ viết tin, đăng bài đến biên tập, lựa chọn các thông tin, sự kiện để đưa được ra các bản tin thế giới, cho họ biết Campuchia đã được giải phóng. Ba cháu và các cô chú phóng viên người Campuchia đảm nhiệm việc dịch những tin, bài từ tiếng Việt hoặc tiếng Pháp sang tiếng Campuchia.

Rồi sau đó, tất cả những tin ảnh đều được ba cháu và các cô chú thức đêm rất khuya để đọc và xem xét kỹ lưỡng trước khi đăng bài. Cứ đều đặn như vậy trong suốt một thời gian dài, các bác và cán bộ của TTXVN vừa làm, vừa từng bước chuyển giao cho Thông tấn xã Campuchia SPK.

Bức thư xúc động về tình cảm của cán bộ TTXVN dành cho Campuchia ảnh 3Tổng Giám đốc TTXVN và Tổng Giám đốc SPK Chay Saphon gặp nhau ở Phnom Penh.

Cháu chắc viết mãi cũng không hết những công ơn mà các cô chú chuyên gia TTXVN đã hy sinh cho đất nước Campuchia. Sáng nay, cháu dậy sớm viết thư cho các cô chú. Sắp xong rồi nhưng đến khi cháu viết đến gần cuối, nước mắt cứ chảy ra. Cháu nhớ đến ba cháu và hiểu được tình cảm của sự mất mát, chia lìa. Không biết lúc đó cô chú chuyên gia TTXVN nhớ nhà và vợ con như thế nào vì thời đó, mỗi lá thư viết về cho gia đình cả tháng vẫn chưa tới nơi và có lá thư chưa tới tay người nhận, người viết đã hy sinh...

Các cô chú còn sống đã được về với quê hương và gia đình thân yêu và lại tiếp tục cống hiến công sức cho đất nước. Một số cô chú đã hy sinh, bỏ lại xương máu tại đất nước Campuchia. Sau này, sau khi sang học Đại học Y tại Việt Nam, cháu đã biết viết tiếng Việt và cháu luôn tình nguyện giúp ba cháu làm việc, trong đó có việc tìm kiếm hài cốt quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Campuchia...

Cháu biết các cô các chú người còn, người đã ra đi. Một số cô chú  đã có tuổi, sức khỏe cũng không được tốt lắm... Biết các cô chú sắp có cuộc họp mặt các cựu chuyên gia TTXVN đã làm nhiệm vụ cao cả trên đất nước Campuchia, cháu xin được gửi lá thư này tới tất cả các cô chú. Cầu chúc cho các cô chú, các chiến sỹ cầm bút dũng cảm, luôn có thật nhiều sức khỏe để lại viết thật nhiều bài báo hay.

Thương nhớ các cô chú rất nhiều và mãi không bao giờ quên được những ký ức lịch sử này. Ước một ngày nào đó cháu sẽ có dịp được gặp lại những gương mặt thương yêu.

Thương nhớ các cô chú!

Cháu Chey Beaupha, con gái của ba Chey Saphon - Tổng Giám đốc đầu tiên của SPK"

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục