Bức tranh FDI toàn cầu trong nửa đầu năm 2013

Các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi đã thu hút được hơn 60% FDI toàn cầu - một tỷ lệ kỷ lục trong nửa đầu năm 2013.

Theo Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) toàn cầu ước đạt 745 tỷ USD trong nửa đầu năm nay, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điểm nổi bật là các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi đã thu hút được hơn 60% FDI toàn cầu - một tỷ lệ kỷ lục trong nửa đầu năm 2013. Trong khi đó, luồng vốn vào các nước phát triển lại sụt giảm.

Ở các nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi, mức gia tăng vốn đầu tư được thúc đẩy nhờ luồng vốn kỷ lục đổ vào Liên bang Nga và các hoạt động thâu tóm ở khu vực Trung Mỹ và vùng Caribe .

FDI vào Nga tăng vọt, chủ yếu là do giao dịch liên quan đến tập đoàn dầu khí BP (Anh) và tập đoàn dầu mỏ Rosneft (Nga).

Sau khi giảm nhẹ trong năm 2012, FDI vào Mỹ Latinh và vùng Caribe đã tăng 35% trong nửa đầu năm nay lên 165 tỷ USD.

Sự gia tăng này chủ yếu nhờ mức tăng mạnh trong dòng vốn FDI đến Trung Mỹ (109%) và đến vùng Caribe (82%), trong khi Nam Mỹ lại giảm 8%.

Điều này trái ngược với ba năm trước, khi Nam Mỹ là động lực chính của dòng FDI vào khu vực.

Mặc dù dòng chảy vốn đổ vào các nước châu Á đang phát triển giảm nhẹ, song khu vực này tiếp tục hấp thụ hơn một nửa lượng vốn FDI đổ vào nhóm các nền kinh tế đang phát triển nói chung, và chiếm 1/4 dòng vốn FDI toàn cầu.

Sự phục hồi của dòng vốn FDI yếu một phần là do sự suy giảm tăng trưởng kinh tế và những bất ổn kinh tế vĩ mô, cũng như nhu cầu thấp trong thị trường tiêu dùng ở nhiều nước đầu tư.

Trong nửa đầu năm 2013, tổng dòng vốn vào khu vực này như một nhóm chung đạt 192 tỷ USD, ít hơn 5% với cùng kỳ năm 2012.

FDI vào khu vực Đông Á giảm 4% xuống còn 105 tỷ USD, trong khi dòng vốn chảy đến Đông Nam Á giảm 5% còn 50 tỷ USD.

Dựa trên đánh giá hiện tại, dường như sự phát triển nhanh chóng về thu hút FDI của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong vòng ba năm qua - từ 48 tỷ USD trong năm 2009 lên 111 tỷ USD vào năm 2012 - đã tạm thời bị đình trệ.

Sự gia tăng dòng vốn đổ vào Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) được ghi nhận chủ yếu là do sự gia tăng dòng chảy vốn đến Ấn Độ.

Dòng vốn đổ vào Trung Quốc - nước nhận nhiều FDI lớn thứ hai trên thế giới - tiếp tục tăng trưởng sau khi giảm chút ít vào cuối năm 2012, nhờ tăng FDI trong ngành dịch vụ, chẳng hạn như phân phối thương mại và bất động sản.

Dòng vốn đổ vào Hàn Quốc cũng tăng, giúp bù đắp phần nào sự sụt giảm FDI vào một số nước và vùng lãnh thổ trong khu vực mà đã từng nhận được nhiều vốn đầu tư, chẳng hạn như Đặc khu Hành chính Hong Kong, Singapore và Thái Lan.

Tiếp tục xu hướng giảm từ năm 2009, FDI đổ vào Tây Á trong nửa đầu năm 2013 đã giảm 19%, so với nửa đầu năm 2012.

Dòng FDI đổ vào châu Phi cũng giảm 5% trong nửa đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.

Trong khi đó, FDI vào các nền kinh tế chuyển đổi ở khu vực Đông Nam Âu, Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) và Gruzia đã tăng gấp đôi trong nửa đầu năm 2013, so với cùng kỳ năm 2012, lên tới 73 tỷ USD.

Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, dòng vốn đổ vào Australia vẫn ở mức tương đương so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong số các nước phát triển, Anh là trường hợp ngoại lệ với xu hướng tiếp tục đi lên trong việc thu hút FDI và trở thành nước nhận FDI lớn nhất thế giới trong sáu tháng đầu năm nay.

Còn luồng vốn đổ vào các nước phát triển khác, đặc biệt là Mỹ, Pháp và Đức, đều sụt giảm. Luồng vốn FDI đổ vào châu Âu trong nửa đầu năm 2013 đã giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) của các nhà đầu tư châu Á đã giúp duy trì dòng vốn đổ vào Bắc Mỹ.

Các thỏa thuận mua bán lớn nhất phải kể đến việc tiếp quản công ty dầu mỏ và khí đốt Nexen của Canada bởi tập đoàn dầu khí CNOOC của Trung Quốc với giá trị giao dịch tới 19 tỷ USD

Tập đoàn viễn thông Nhật Bản Softbank mua lại Sprint Nextel - hãng di động lớn thứ ba tại thị trường Mỹ - với giá 21,6 tỷ USD; và thương vụ trị giá 4,8 tỷ USD của Shuanghui (Trung Quốc) mua lại hãng chế biến thịt lợn Smithfield (Mỹ) - đánh dấu sự tiếp quản một công ty Mỹ của Trung Quốc lớn nhất tính đến nay.

Các hoạt động M&A xuyên biên giới đã tăng gấp đôi lên 179 tỷ USD với một số thỏa thuận chiến lược như BP-Rosneft và Glencore-Xstrata.

UNCTAD ước tính vốn FDI chảy vào năm 2013 sẽ tương đương với mức năm 2012.

Những rủi ro liên quan đến Khu vực đồng tiền chung châu Âu, việc chuyển đổi sang một mô hình tăng trưởng chậm hơn ở một số thị trường mới nổi, cái được gọi là "vách đá tài chính" của Mỹ cũng như việc nhu cầu tiêu dùng yếu hơn ở các nước phát triển đều có thể gây những ảnh hưởng tiềm tàng đến dòng vốn FDI.

Sang năm 2014, các điều kiện kinh tế vĩ mô có vẻ tích cực hơn đối với dòng FDI vào các nền kinh tế phát triển.

Nền kinh tế Mỹ hướng tới tăng trưởng bền vững, niềm tin tiêu dùng đang quay trở lại ở Nhật Bản và một số cải thiện gần đây ở châu Âu.

Nhưng ngược lại, động lực tăng trưởng ở nhiều nền kinh tế đang phát triển lại yếu đi, chủ yếu là do mất đà hoạt động ở trong nước và khả năng có những tác động tiềm tàng khi tiến tới việc loại bỏ một số chính sách tiền tệ./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục