''Bức tường thép'' trên biển của Mỹ chống lại dịch bệnh

Đô đốc Gilday đã lưu ý rằng việc kéo dài sự hiện diện trên biển vừa là biện pháp y tế công cộng, vừa là biện pháp răn đe chống lại những kẻ định gây hấn.
''Bức tường thép'' trên biển của Mỹ chống lại dịch bệnh ảnh 1Tàu bệnh viện USNS Comfort của Hải quân Mỹ thả neo tại bờ biển Castries, quốc đảo Saint Lucia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo mạng tin thehill, Hy Lạp từng phải đối mặt với tử thần năm 480 trước Công nguyên.

Cyrus Đại đế đã tập hợp sức mạnh áp đảo để xâm chiếm Athens và cuối cùng là toàn bộ Hy Lạp.

Nhận thức được mối nguy hiểm, các nhà lãnh đạo của Athens đã phái người tới cầu xin nữ đồng Pythia, sứ giả đưa ra lời tiên tri của các vị thần ở đền Delphi, cho lời khuyên.

Theo nhà sử học Herodotus, người Athens đã không thể giải nghĩa được lời tiên tri đầu tiên của bà. Vì vậy, họ đã trở lại để xin một lời khuyên khác tốt hơn.

Lần này, sứ giả của các vị thần đưa ra một chỉ dẫn rõ ràng hơn nhưng vẫn rất mơ hồ.

[COVID-19: Lính thủy Mỹ đầu tiên bị nhiễm virus SARS-CoV-2]

Pythia nói rằng “Thần Zeus quả là nhìn xa trông rộng” khi cho Athens một “bức tường bằng gỗ” để bảo vệ mình. “Hãy rút lui, hãy quay lưng lại” và chạy trốn khỏi “quân đội khổng lồ” đang chống lại châu Âu.

Làm như vậy và “Salamis thần thánh” sẽ hủy hoại “những đứa con của những người mẹ” (Salamis là một hòn đảo ở phía Tây thành Athens).

Lời tiên tri này đã châm ngòi cho một cuộc tranh luận nảy lửa. Người Athens tự hỏi "bức tường gỗ" là gì?

Một số người tin rằng nhà tiên tri muốn nói tới những bức tường của thành Athens. Nếu vậy, người Athens nên rút vào phía trong thành và chuẩn bị phòng ngự ở thế bị động trước một cuộc tấn công.

Tuy nhiên, những người khác - nổi bật nhất là Themistocles, người thành lập lực lượng hải quân của Athens - phản biện rằng hạm đội của Athens gồm những chiến thuyền lớn ba tầng chèo tạo ra hàng rào phòng thủ chắc chắn nhất cho thành phố.

Ông cho rằng lời tiên tri muốn nói tới việc sơ tán người dân thành Athens, đưa người dân tới Salamis, và chuẩn bị cho một cuộc hải chiến.

Những đề xuất của hải quân ủng hộ việc tích cực phòng thủ. Họ chủ trương biến biển Aegean thành một hàng rào ranh giới giữa người Athens và đạo quân của Ba Tư và điều hạm đội đi chiến đấu với quân Ba Tư để họ có thời gian để tới được hòn đảo.

Salamis thần thánh và vùng biển mặn của nó sẽ khiến những người con của những người mẹ phải bỏ mạng - nhưng đó là con của những người phụ nữ Ba Tư. Tài hùng biện của Themistocles thuyết phục được mọi người.

Người Athens lên tàu, tin tưởng vào bức tường gỗ nổi của họ. Hải quân đưa người dân thành Athens lên đảo Salamis, dàn trận để chiến đấu, và giành thắng lợi - một trong những chiến thắng xuất sắc nhất trong lịch sử các cuộc hải chiến. Người Athen kiểm soát biển. Hy Lạp tiếp tục hưởng tự do.

Hải quân Mỹ có thể rút ra bài học từ câu chuyện về lời tiên tri và hành động quả cảm của hải quân Athens của nhà sử học Herodotus.

Tuần trước, Đô đốc Mike Gilday - chỉ huy các chiến dịch hải quân, quan chức hải quân hàng đầu của Mỹ - đã có một đoạn video đánh giá những biện pháp phòng ngừa mà lực lượng hải quân đã áp dụng nhằm chống lại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2).

Điều đáng chú ý nhất là Đô đốc Gilday coi nước là một hàng rào chống lại sự lây nhiễm.

Hạm đội của Themistocles đã tạo ra một hàng rào phòng ngự nổi trên mặt nước để bảo vệ đất liền trước kẻ thù; hạm đội hải quân Mỹ có thể bảo vệ thủy thủ của mình khỏi dịch bệnh lây lan trên đất liền bằng cách tiếp tục ở trên biển. Làm như vậy, hải quân có thể tự cách ly mình.

Tiếp tục ở trên biển sẽ giúp các thủy thủ tránh bị lây nhiễm - và đó chính là mục đích của việc giữ khoảng cách xã hội. Điều này cũng có giá trị chính trị và chiến lược.

Duy trì một lực lượng đáng kể ở trên biển, ở tư thế sẵn sàng chiến đấu, sẽ gửi tín hiệu tới những kẻ thù tiềm tàng rằng tai họa do dịch bệnh gây ra cho Mỹ không phải là cơ hội để Trung Quốc hay Nga ghi điểm ở eo biển Đài Loan, Biển Đông hay Biển Đen.

Và đúng như vậy, Đô đốc Gilday đã lưu ý rằng việc kéo dài sự hiện diện trên biển vừa là biện pháp y tế công cộng, vừa là biện pháp răn đe chống lại những kẻ định gây hấn.

Thông điệp ở đây là: Bức tường bằng thép của Mỹ vẫn trụ vững.

Hiện nay, không có chiến lược nào là không có sai sót. Cũng giống như những người làm việc từ xa vẫn cần phải ra ngoài tìm kiếm hàng hóa thực phẩm, tàu thuyền trên biển cũng cần nguồn cung cấp nhiêu liệu, đồ dự trữ và tiếp tế thường xuyên.

Các thủy thủ có thể sẽ bị nhiễm bệnh khi việc tiếp tế diễn ra. Công nghệ đã giải thích tại sao nguy cơ này là không thể tránh được. Một mặt, các lực lượng hải quân hiện nay cũng giống như thời của Themistocles, tàu thuyền không thể đi trên biển trong thời gian dài.

Các thủy thủ bị mắc kẹt trên những tàu chiến gần như hàng ngày bởi vì họ buộc phải làm như vậy. Ở những thế kỷ sau đó, trong thời đại của thuyền buồm, các tàu buôn và tàu chiến có thể ở trên biển chừng nào lương thực và đồ dự trữ của họ vẫn còn.

Dù sao gió mới là nguồn năng lượng giúp đẩy thuyền đi xa. Gió không thể dự đoán được nhưng lại không tốn sức. Hiện nay không còn như vậy nữa.

Các tuabin chạy bằng khí từ việc đốt dầu, các động cơ diesel, hay đôi khi là những động cơ bằng hơi nước mới là nguồn năng lượng giúp tàu lướt trên sóng biển. Các động cơ đẩy giúp tàu thuyền tự do di chuyển, nhưng chúng cũng khiến tàu thuyền phải phụ thuộc vào sự tiếp tế hậu cần thường xuyên.

Các tàu chiến hải quân cứ vài ngày lại cần tiếp nguyên liệu. Thậm chí các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân cũng không phải là ngoại lệ.

Một chiếc hàng không mẫu hạm dùng năng lượng nguyên tử ở chừng mực nào đó có thể hoạt động viễn viễn, nhưng nó phải tiếp nguyên liệu cho các máy bay mà nó đang chở để bù đắp lại số nguyên liệu đã bị đốt cháy khi các máy bay này bay với tốc độ cực nhanh, khiến bình chứa của con tàu cũng nhanh cạn kiệt.

Một chiếc tàu sân bay sẽ trở nên vô dụng nếu các máy bay mà nó chở không thể bay lên trời.

Hậu cần chính là cuộc sống.

Trong Chiến tranh Thế giới 2, hải quân Mỹ đã nâng việc tiếp tế trên biển lên một tầm cao mới. Vấn đề là, các tàu chở dầu và chở đồ dữ trự cho hạm đội trên biển phải cập cảng để tiếp nhận hàng hóa.

Luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm ở mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng kết nối người sản xuất với các tàu hậu cần rồi đưa cho cho hạm đội ở ngoài biển. Thực tế là virus SARS-CoV-2 lây lan chỉ bằng một cái chạm.

Hàng hóa cung ứng mang virus có thể khiến những thủy thủ ở vùng biển khơi hẻo lánh bị nhiễm bệnh. Kế hoạch chiến đấu với dịch bệnh của ông Gilday cũng có giá của nó.

Hành trình bị kéo dài sẽ làm gián đoạn nhịp độ vận hành bình thường của các con tàu. Thân tàu không được bảo dưỡng hay nâng cấp; thủy thủ không được hồi sức sau thời gian dài trên biển.

Nếu đại dịch COVID-19 kéo dài, điều này sẽ ảnh hưởng tới tính sẵn sàng chiến đấu của hải quân. Và điều gì xảy ra nếu virus xâm nhập được vào các bức tường thép của một con tàu? Đó sẽ là vấn đề lớn.

Những tàu lớn như tàu sân bay hay tàu đổ bộ còn có lựa chọn. Chúng có nhiều không gian để cách ly những người nhiễm bệnh. Song những tàu chiến nhỏ hơn như tàu khu trục và tàu ngầm tấn công thì chật hẹp hơn.

Các nhà chức tranh hải quân cần đặc biệt quan tâm tới những loại tàu này. Thủy thủ phải sáng tạo để có thể kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh.

Tất cả điều này để nói rằng rất khó để có được một chiến lược tốt hơn chiến lược chống lại dịch bệnh của ông Gilday trong khi vẫn duy trì khả năng răn đe kẻ thù tiềm tàng.

Themistocles chắc hẳn cũng sẽ ủng hộ chiến lược này. Lời khuyên từ người xưa: Hãy tin vào bức tường thép trên biển của Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục