Bước tiến lớn trong chống hàng giả và hàng nhái

Các nhà đàm phán từ 40 nước trên thế giới đạt bước tiến lớn trong tiến trình đàm phán về ACTA nhằm chống nạn buôn bán hàng giả.
Trong thông báo chung công bố ngày 15/11, Ủy ban châu Âu (EC) và Mỹ cho biết, các nhà đàm phán từ 40 nước trên thế giới đã hoàn tất văn bản Thỏa thuận thương mại chống hàng giả và hàng nhái (ACTA).

Đây được xem là một bước tiến lớn trong tiến trình đàm phán về ACTA nhằm chống nạn buôn bán hàng giả và hàng nhái đang ngày càng gia tăng trên thế giới mà năm 2007 đã lên tới 250 tỷ USD so với 100 tỷ USD năm 2000.

Văn bản trên cho phép các nước tham gia ACTA được quyền quyết định có coi hoạt động sao chép phim lậu là tội hình sự hay không, nhưng không được áp dụng hình thức phạt tù đối với loại tội phạm này.

Văn bản đề nghị coi trọng thương hiệu và một số thông số địa lý ngang với bản quyền và bằng sáng chế, nhưng không nói rõ về biện pháp trừng phạt những người lập các trang mạng để bán hàng giả.

Các nhà đàm phán cho biết, cuộc đàm phán lần này đã thu hẹp được những bất đồng tồn tại từ cuộc đàm phán trong tháng trước ở Tokyo, Nhật Bản, chủ yếu giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên quan nhãn hiệu thực phẩm, thời trang và ôtô.

Theo Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề thương mại Karel De Gucht, văn bản vừa được hoàn tất sẽ giúp cải thiện các tiêu chuẩn quốc tế về quyền sở hữu trí tuệ, trong khi vẫn tôn trọng đầy đủ các quyền công dân.

Văn phòng Thương mại Mỹ cho rằng, các chính sách mới sẽ giúp bảo vệ nhà sản xuất, người tiêu dùng và người lao động. Văn bản này còn phải được cơ quan lập pháp các nước tham gia thông qua.

Các nước tham gia đàm phán ACTA gồm Mỹ, EU, Australia, Canada, Nhật Bản, New Zealand, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Điển và hai nước đang phát triển là Morocco và Mexico./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục