Cà Mau: Đồng bộ nhiều giải pháp tạo đột phá trong Chuyển đổi Số

Để tiến trình Chuyển đổi Số thành công, Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng người dân và doanh nghiệp.
Cà Mau: Đồng bộ nhiều giải pháp tạo đột phá trong Chuyển đổi Số ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt (giữa) cắt băng khánh thành khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ, giải pháp Chuyển đổi Số. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Xác định Chuyển đổi Số là xu thế tất yếu, tỉnh Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp tạo đột phá trên cả 3 trụ cột: Chính quyền Số, Kinh tế Số và Xã hội Số.

Để tiến trình Chuyển đổi Số thành công, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, công chức, viên chức, cộng đồng người dân và doanh nghiệp... Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa Cà Mau ngày càng phát triển nhanh và bền vững trong thời đại Công nghệ Số.

Bài 1: Đồng bộ nhiều giải pháp tạo đột phá trong Chuyển đổi Số

Chuyển đổi Số là một xu thế tất yếu và chưa có tiền lệ; do đó trong quá trình này, mỗi địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, có những giải pháp phù hợp. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là một điều kiện thuận lợi để các địa phương có thể tạo đột phá riêng cho mình. Với những giải pháp phù hợp, quá trình Chuyển đổi Số tại Cà Mau đã mang lại những kết quả tích cực.

Xây chắc "nền tảng"

Với quyết tâm Chuyển đổi Số thành công, Cà Mau đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, bắt đầu từ chuyển đổi nhận thức cho cán bộ, doanh nghiệp và người dân; đồng thời, phát triển đồng bộ hạ tầng số, dữ liệu số, đào tạo nguồn nhân lực số..., tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và thay đổi lối sống, làm việc của người dân. Trong đó, hoàn thiện thể chế được xem là giải pháp nền tảng để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Cụ thể, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã có Đề án về Chuyển đổi Số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, với mục tiêu thực hiện Chuyển đổi Số trong cả hệ thống chính trị…

[Chia sẻ mô hình hay, cách làm mới trong công tác Chuyển đổi Số]

Từ nền tảng đó, từ đầu năm đến nay, hệ thống quản lý văn bản và điều hành đã tiếp nhận, phát hành hàng triệu văn bản. Cà Mau triển khai gần 2.400 chữ ký số chuyên dùng cho cá nhân, tổ chức. Hệ thống Thư Điện tử Công vụ cấp trên 12.100 tài khoản cho cá nhân, tổ chức thuộc cơ quan Nhà nước (tăng 218 tài khoản). Ngoài ra đã hoàn thành 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo Ðề án 06 và 8/12 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh…

Thực tế, với sự phát triển nhanh chóng của hệ thống thông tin, dữ liệu đã thúc đẩy mạnh mẽ hình thành chính quyền số, làm thay đổi mọi khía cạnh trong đời sống kinh tế-xã hội... Đánh giá về vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Minh Luân cho rằng xác định dữ liệu là yếu tố vô cùng quan trọng, phục vụ công tác quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, giúp các doanh nghiệp hành động nhanh hơn và hiệu quả hơn, tỉnh Cà Mau đẩy mạnh các nhiệm vụ trọng tâm về số hóa, xây dựng, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương; bảo vệ dữ liệu cá nhân; khai thác, sử dụng dữ liệu để phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới

Năm 2023, được xác định là Năm Quốc gia về Dữ liệu Số “Tạo lập và khai thác Dữ liệu Số để tạo ra giá trị mới,” Trong đó, tập trung bảo vệ dữ liệu cá nhân; công bố và xây dựng các cơ sở dữ liệu cấp bộ, ngành, địa phương; mở dữ liệu, nâng cao năng lực quản trị dữ liệu, an toàn, bảo mật dữ liệu…

Để đạt kết quả cao nhất, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi Số tỉnh Cà Mau tập trung chỉ đạo, triển khai kết nối, tạo lập dữ liệu số, hình thành nên những cơ sở dữ liệu đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp và công tác quản lý của cơ quan Nhà nước.

Song song đó, địa phương xác định đẩy mạnh triển khai Đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ Chuyển đổi Số Quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030,” gọi tắt là Đề án 06, là nền tảng vững chắc, bước đột phá cho công cuộc Chuyển đổi Số của tỉnh.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chuyển đổi Số tỉnh Cà Mau, việc triển khai Ðề án 06 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm hiện nay cơ bản bám sát tiến độ, bước đầu đạt một số kết quả nhất định, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các nhiệm vụ được giao. Việc công khai, minh bạch hồ sơ thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa và trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính để người dân tra cứu thông tin, hồ sơ được thuận lợi, từ đó nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Điều này được thể hiện qua kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính luôn đạt trên 99%.

Cà Mau: Đồng bộ nhiều giải pháp tạo đột phá trong Chuyển đổi Số ảnh 2Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau tặng bằng khen cho cá nhân đóng góp tích cực của các đơn vị, cá nhân trong công tác Chuyển đổi Số và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. (Ảnh: Huỳnh Anh/TTXVN)

Một điểm sáng nữa là Chiến dịch cao điểm 69 ngày đêm “Nâng cao hiệu quả sử dụng Dịch vụ Công Trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau” (gọi tắt là Chiến dịch) đã tạo nên bước đột phá quan trọng, tăng niềm tin để địa phương có thể hoàn thành mục tiêu Chuyển đổi Số trong tương lai. Qua 69 ngày đêm thực hiện, tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính giải quyết trực tuyến cấp tỉnh đạt 92,79%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh đạt 92,28%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến cấp xã đạt 90,14%….

Thứ hạng theo Bộ Chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên môi trường điện tử của tỉnh Cà Mau những tháng đầu năm 2023, do Văn phòng Chính phủ công bố trên Cổng Dịch vụ Công Quốc gia tăng so với trước. Cụ thể, tỉnh Cà Mau đạt 83,4/100 điểm, tăng hơn 25 điểm so với năm 2022, dẫn đầu cả nước.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Cà Mau Trần Quốc Chính cho biết tỉnh quyết tâm cao để trở thành một trong những địa phương Chuyển đổi Số thành công. Trong đó, để tập trung khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới, tỉnh đã thúc đẩy, phát triển, kết nối khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị mới trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Cà Mau cũng tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, tạo sự lan tỏa rộng rãi để người dân tăng cường sử dụng các sản phẩm, dịch vụ số; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng các kết quả do Chuyển đổi Số mang lại. Từ đó, góp phần thúc đẩy phát triển Kinh tế Số, Xã hội Số, nâng cao chỉ số Chuyển đổi Số của tỉnh trong thời gian tới.

Thực tiễn đã chứng minh, sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trên cơ sở “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm” đã không chỉ tạo ra giá trị mà còn nâng tầm những giá trị sẵn có, góp phần thúc đẩy phát triển 3 trụ cột là: Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số./.

Bài 2: Cà Mau: Người dân, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm Chuyển đổi Số

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục