Cà Mau xác định nguyên nhân cá bớp nuôi ở đảo Hòn Chuối chết

Ngày 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đang tích cực thực hiện phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan nhằm theo dõi, kiểm tra.
(Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 15/9, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, đang tích cực thực hiện phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan nhằm theo dõi, kiểm tra. Từ đó sớm xác định nguyên nhân và tìm giải pháp khắc phục tình trạng cá bớp nuôi tại khu vực đảo Hòn Chuối, huyện Trần Văn Thời bị chết.

Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp Phân viện Nghiên cứu Thủy sản Nam Sông Hậu và các đơn vị có liên quan tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình cá bớp nuôi lồng bè chết tại đảo Hòn Chuối, kịp thời hướng dẫn xử lý, nhằm giảm thiệt hại cho người nuôi.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau cũng yêu cầu, khẩn trương nghiên cứu, xác định chính xác nguyên nhân cá bớp chết (định danh tên loài bọ, vi khuẩn, nấm làm chết cá, loại độc tố gây nhiễm vết thương...). Qua đó, đề xuất các giải pháp phòng, trị bệnh trong thời gian tới.

Hiện, trên khu vực đảo Hòn Chuối có 29 hộ nuôi có bớp, với gần 150 lồng bè. Hầu hết các hộ dân tại đây đều thả nuôi cá quanh năm, khoảng 50% nguồn gốc cá bớp giống được khai thác tự nhiên, còn lại là nguồn cá sinh sản nhân tạo.

Ông Hồng Nhật Trường cho biết, gia đình thả có 4 bè cá với 6 lồng nuôi khoảng 1.500 con cá giống. Qua kiểm tra phát hiện trên thân, miệng và mang cá, gốc hai vây bơi, vây bụng xuất hiện những đốm đỏ nhỏ (do bọ chích), sau thời gian từ 8-10 ngày thì lan rộng do hoại tử và nhiễm nấm, cá sẽ bỏ ăn, yếu dần và chết. Ông Trường cho biết thêm, dù đã mua thuốc về điều trị nhưng không có hiệu quả, do đó, có ngày đàn cá của gia đình chết từ 5-7 con.

[Quảng Trị: Cá chết kéo dài ở hồ Nước Chè, gây ô nhiễm môi trường]

Còn tại lồng nuôi của hộ ông Nguyễn Hoàng Giang thì ngoài những triệu chứng bệnh như trên còn thêm biểu hiện cá bị lồi mắt khi chết, tỷ lệ thiệt hại từ 5-7%.

Ông Lê Văn Vũ cho biết, đầu tháng 8 vừa qua, đàn cá nuôi của gia đình có xuất hiện bọ đeo bám hút máu, sau khi hút máu no, bọ rời khỏi cơ thể cá và để lại vết thương nhỏ, qua thời gian vết thương này lan rộng dẫn đến hoại tử. Tiếp đó, cá bỏ ăn và chết dần. Ban đầu ghi nhận tình trạng cá chết rãi rác nhưng có xu hướng ngày một nhiều lên.

Vào tháng 8 vừa qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú ý đã nhận được thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trần Văn Thời báo cáo về bớp nuôi tại  khu vực đảo Hòn Chuối bị bệnh chết chưa rõ nguyên nhân. Để làm rõ tình hình, đơn vị đã cử cán bộ chuyên môn trực tiếp đi kiểm tra, khảo sát để làm rõ nguyên nhân.

Ông Trương Minh Út, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin, qua quá trình khảo sát và biểu hiện của bệnh tích thì nguyên nhân ban đầu xác định cá bớp bị chết là do bị bọ bám hút máu, gây vết thương hở, từ đó vi khuẩn, nấm tấn công, khiến cá bỏ ăn và chết.

Trước mắt, khuyến cáo hộ dân cần chủ động trong việc phân cỡ cá, tắm thuốc cho cá, đối với những đàn cá đạt kích cỡ thương phẩm có thể thu hoạch, nhằm giảm thiệt hại về kinh tế tới mức thấp nhất. Bên cạnh đó, người nuôi cần thu gom cá bị bệnh chết lại, sau đó mang lên bờ xử lý, tránh lây lan mầm bệnh, ô nhiễm nguồn nước…

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi nên những năm qua, nghề nuôi cá bớp thương phẩm của ngư dân đảo Hòn Chuối phát triển rất mạnh mẽ. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ luôn ở mức tốt khi giá cá thương phẩm loại 1 luôn dao động khoảng 250.000 đồng/kg..., góp phần nâng cao đời sống kinh tế của người dân trên đảo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục