Cả nước cần bổ sung thêm 72.000 bác sỹ trong giai đoạn 2021-2030

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, phân tích dự báo nhu cầu nhân lực là bác sỹ và điều dưỡng theo từng vùng kinh tế-xã hội, số lượng bác sỹ và điều dưỡng cần được bổ sung rất nhiều.
Cả nước cần bổ sung thêm 72.000 bác sỹ trong giai đoạn 2021-2030 ảnh 1Bác sỹ khám bệnh cho một người dân tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Xuân, Thanh Hóa. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Dự báo về nhân lực y tế cho thấy nhu cầu về số lượng bác sỹ và điều dưỡng cũng sẽ tiếp tục tăng. Trong giai đoạn 2021-2030, cả nước cần bổ sung thêm khoảng 72.000 bác sỹ và 304.000 điều dưỡng, đặc biệt ở những vùng khó khăn-vùng sâu vùng xa nhu cầu này lại càng mang tính cấp thiết hơn.

Tiến sỹ Phạm Văn Tác - Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia đã cho biết như vậy tại buổi Lễ khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I - Dự án Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn do Quỹ Thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup tài trợ tại Trường Đại học Y Hà Nội diễn ra ngày 26/7 tại Hà Nội.

[Nhân lực điều dưỡng của Việt Nam đang “thiếu thật, thừa ảo”]

Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, phân tích dự báo nhu cầu nhân lực là bác sỹ và điều dưỡng theo từng vùng kinh tế-xã hội, số lượng bác sỹ và điều dưỡng cần được bổ sung trong từng vùng, trong đó: vùng Bắc Trung bộ và Duyên Hải miền Trung cần khoảng 14.000 bác sỹ và 60.000 điều dưỡng; vùng Tây Nguyên cần khoảng 5.400 bác sỹ và 20.700 điều dưỡng; vùng Tây Nguyên cần khoảng 5.400 bác sĩ và 20.700 điều dưỡng…

Lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I được khai giảng ngày 26/7 là lớp thứ hai đào tạo nhân lực theo mô hình đặc biệt này cho khu vực miền Miền núi phía Bắc gồm 4 tỉnh, 22 huyện.

Theo Tiến sỹ Phạm Văn Tác, việc tổ chức đào tạo trình độ bác sỹ chuyên khoa cấp I với 8 chuyên ngành sẽ góp phần quan trọng và có ý nghĩa xã hội hết sức to lớn cho việc bù đắp nhân lực có trình độ chuyên môn phù hợp với tuyến y tế cơ sở vùng khó khăn tại các tỉnh phía Bắc.

40 bác sỹ sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 09 chuyên ngành: Chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, nội, ngoại, nhi, xét nghiệm, sản, truyền nhiễm tại Trường Đại học Y Hà Nội trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sỹ trẻ sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.

Cả nước cần bổ sung thêm 72.000 bác sỹ trong giai đoạn 2021-2030 ảnh 2Các bác sỹ trẻ tại Lễ khai giảng lớp bác sỹ chuyên khoa cấp I - Dự án Thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án thí điểm bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn - Dự án 585 là bước đột phá của ngành y tế trong việc tiến tới bảo đảm đủ số lượng nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân ở địa phương còn khó khăn. Dự án đã tạo cơ hội cho người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội.

Hoạt động đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I cho các bác sỹ trẻ tình nguyện tham gia Dự án giai đoạn 1 bằng nguồn Dự án HPET đã kết thúc vào tháng 12/2020. Từ năm 2021, bằng sự hỗ trợ của Quỹ Thiện Tâm (Tập đoàn Vingroup), Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo đã tổ chức khai giảng 05 lớp đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I cho 184 bác sỹ trẻ tình nguyện tại 110 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 34 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây nguyên, duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nam Bộ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục