Nhân lực điều dưỡng của Việt Nam đang “thiếu thật, thừa ảo”

Hiện Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề; tỷ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ là 1,8. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy cứ 4 điều dưỡng ra trường, chỉ một điều dưỡng có cơ hội việc làm.
Nhân lực điều dưỡng của Việt Nam đang “thiếu thật, thừa ảo” ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Ngày 11/10, tại Hà Nội, Cục quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị Điều dưỡng trưởng toàn quốc năm 2022. Hơn 300 đại biểu là đại diện lãnh đạo Sở Y tế, bệnh viện; điều dưỡng trưởng các Sở Y tế, bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tham dự.

Chưa được đãi ngộ tương xứng

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, Phó Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, đội ngũ điều dưỡng chiếm 70% lực lượng lao động trong bệnh viện. Dịch vụ chăm sóc do điều dưỡng cung cấp là một trong những trụ cột của hệ thống y tế.

Hệ thống tổ chức quản lý điều dưỡng đã bước đầu được thành lập ở các cấp. Chất lượng chăm sóc người bệnh đã có nhiều chuyển biến thông qua việc đổi mới các mô hình phân công chăm sóc, tổ chức chăm sóc người bệnh. Dịch vụ do người điều dưỡng cung cấp ngày càng góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân.

Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, đội ngũ điều dưỡng có nhiều biến động, nhiều điều dưỡng có xu hướng nghỉ việc trong bệnh viện. Một trong những nguyên nhân là do công sức lao động của người điều dưỡng chưa được đãi ngộ tương xứng với nỗ lực của họ; nhiều Sở Y tế, bệnh viện chưa quan tâm, phát huy vai trò của người điều dưỡng.

Một số quy định của Chính phủ về các đơn vị sự nghiệp khiến một số phòng điều dưỡng có xu hướng bị sáp nhập vào các phòng khác nếu không có đủ 7 biên chế khiến vai trò quản lý điều dưỡng yếu đi, trong khi chăm sóc điều dưỡng đóng vai trò trụ cột chuyên môn quan trọng của bệnh viện. Bên cạnh đó, bản thân các cán bộ điều dưỡng được giao trách nhiệm, quyền hạn những cũng chưa phát huy được vai trò của mình.

[Triển khai mô hình đào tạo 2+2, Việt Nam sẽ "xuất khẩu điều dưỡng"]

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê, trong giai đoạn hội nhập ASEAN, hội nhập quốc tế, cần phải thay đổi phương thức hoạt động của điều dưỡng.

Bộ Y tế đang xây dựng trình Chính phủ Đề án Đổi mới cơ chế, chính sách điều dưỡng hướng tới chăm sóc toàn diện giai đoạn 2022-2030 nhằm đẩy mạnh công tác điều dưỡng cũng như đảm bảo chăm sóc người bệnh toàn diện, thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đặt chỉ tiêu đến năm 2025 sự hài lòng của khu vực nội trú trên 80%; có 25 điều dưỡng/vạn dân và đến 2030 có 33 điều dưỡng/vạn dân.

Nhân lực điều dưỡng “thiếu thật, thừa ảo”

Theo khảo sát của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, một số khó khăn mà các điều dưỡng gặp phải là vẫn còn quan niệm điều dưỡng là “nghề phục vụ, thực hiện y lệnh của bác sỹ.”

Thực tế cho thấy, người điều dưỡng đang phải làm nhiều việc khác ngoài chuyên môn như: lĩnh thuốc, lĩnh dụng cụ, đồ vải, đưa đón người bệnh đi khám, làm các thủ tục cận lâm sàng, hành chính, thanh toán viện phí, bảo hiểm y tế, xử lý dụng cụ đã sử dụng tại khoa…

Bên cạnh đó, công tác đào tạo điều dưỡng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và hội nhập; chưa có điều dưỡng chuyên khoa và chuẩn thực hành điều dưỡng cho từng chuyên khoa; tỷ lệ người bệnh trong bệnh viện được thực hiện chăm sóc toàn diện còn hạn chế; đầu tư ngân sách của nhà nước cho công tác điều dưỡng chưa được tính đúng tính đủ…

Hiện tại, các chi phí khám chữa bệnh được Bảo hiểm y tế thanh toán chủ yếu là phẫu thuật, thủ thuật do các bác sỹ thực hiện. Các dịch vụ do điều dưỡng cung cấp được đưa rất ít vào danh mục Bảo hiểm y tế thanh toán.

Nhân lực điều dưỡng của Việt Nam đang “thiếu thật, thừa ảo” ảnh 2Ảnh minh họa. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Năm 2022, Việt Nam có 148.557 điều dưỡng có chứng chỉ hành nghề; tỷ số điều dưỡng, hộ sinh/bác sỹ khoảng 1,8. Tuy nhiên, khác với các nước phát triển, nhân lực điều dưỡng của Việt Nam “thiếu thật, thừa ảo.”

Chỉ tiêu tuyển điều dưỡng vào làm việc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hằng năm thấp hơn rất nhiều so với chỉ tiêu đào tạo. Theo kết quả nghiên cứu của Cục Khoa học Công nghệ và đào tạo và Hội Điều dưỡng Việt Nam năm 2015, cứ 4 điều dưỡng mới ra trường, chỉ có một điều dưỡng có cơ hội việc làm.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31/2021/TT-BYT ngày 28/12/2021 quy định hoạt động điều dưỡng trong bệnh viện với nhiều nội dung mới như đặt người bệnh là trung tâm của quá trình chăm sóc; trao quyền chủ động nhiều hơn cho điều dưỡng như thực hiện nhận định lâm sàng, chẩn đoán điều dưỡng, phân cấp chăm sóc, phối kết hợp với các chức danh chuyên môn trong bệnh viện để triển khai hiệu quả hoạt động chăm sóc người bệnh; gắn trách nhiệm và sự tham gia của các khoa, phòng chức năng vào quá trình và chất lượng chăm sóc người bệnh.

Thông tư góp phần đổi mới vai trò, vị thế của điều dưỡng trong hành nghề, chuyển từ thụ động sang chủ động; đầu tư và phát triển công tác điều dưỡng bảo đảm thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc của người dân và hội nhập điều dưỡng khu vực ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục