Cả nước đã lập được 14 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng

Tại Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VII.
Cả nước đã lập được 14 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng ảnh 1Khu trưng bày các sản phẩm xe đạp điện mới tại một hội chợ. (Ảnh: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Ngày 17/10, tại Thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Bộ Công Thương đã phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tiền Giang tổ chức Hội nghị Tiết kiệm năng lượng toàn quốc lần thứ VII.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Huy Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết, cả nước đã thành lập được 14 Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, gần 40 Trung tâm Khuyến công và các trung tâm tư vấn, chuyển giao công nghệ. Hoạt động tiết kiệm năng lượng được các địa phương triển khai mạnh mẽ, góp phần vào thành công của Chương trình Mục tiêu quốc gia sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Trịnh Quốc Vũ, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, cụ thể hóa chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, toàn quốc hiện có 26 tỉnh, thành phố triển khai chương trình lắp đặt các hầm biogas trong quy mô hộ gia đình và quy mô công nghiệp. 20 tỉnh, thành phố triển khai Chương trình “Quảng bá sử dụng bình nước nóng năng lượng mặt trời giai đoạn 2011 – 2015”, 100 doanh nghiệp và tòa nhà tham gia cuộc thi “Tòa nhà tiết kiệm năng lượng” cùng các hoạt động tiết kiệm năng lượng khác như lắp đặt đèn tiết kiệm năng lượng thay đèn sợi đốt trong sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp, kiểm toán năng lượng...

Theo đó, các tỉnh thành phố đã lắp đặt trên 3.000 hầm biogas hộ gia đình; 10 hầm biogas quy mô công nghiệp, trên 600.000 giàn nước nóng năng lượng mặt trời tại hộ gia đình, trên 400 giải pháp tiết kiệm năng lượng của các doanh nghiệp tham gia. Hàng chục doanh nghiệp thay đổi dây chuyền và thiết bị theo hướng sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; 200 doanh nghiệp và hàng trăm tòa nhà được kiểm toán tiết kiệm năng lượng...

Những doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, đối tượng tiêu thụ nhiều năng lượng, trong khuôn khổ hoạt động của Chương trình đã triển khai phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001. Đến nay, 55 doanh nghiệp với hơn 100 cán bộ và 45 chuyên gia đã tham gia các khóa đào tạo về hệ thống quản lý năng lượng theo tiêu chuẩn ISO 50001.

Tuy vậy, theo ông Trịnh Quốc Vũ, qua thực tế triển khai, chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn bộc lộ một số hạn chế nhất định. Cụ thể, doanh nghiệp thiếu vốn hoặc chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, năng lực các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng tại nhiều địa phương còn hạn chế, thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan, công tác truyền thông chưa sâu rộng...

Theo đó, ông Trịnh Quốc Vũ cho rằng, thời gian tới cần khắc phục hạn chế, có giải pháp nâng cao năng lực cán bộ và mạng lưới trung tâm tiết kiệm năng lượng thông qua tập huấn, hội thảo chuyên ngành, tham quan học tập kinh nghiệm. Các ngành công nghiệp được xây dựng định mức tiêu thụ năng lượng một cách cụ thể, hỗ trợ doanh nghiệp thay đổi dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, thành lập các trung tâm tiết kiệm năng lượng tại những nơi còn thiếu.

Năng lượng là một vấn đề mang tính toàn cầu, đã và đang đặt ra những thách thức lớn trong phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006 – 2010.

Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 đã thể chế hóa đường lối của Đảng và chính sách Nhà nước về phát triển năng lượng quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng, khai thác và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước.

Chính phủ cũng có Chương trình Mục tiêu quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 – 2015. Mục tiêu giảm ít nhất 10% cường độ năng lượng của các ngành sử dụng nhiều năng lượng, tiết kiệm từ 5% - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng toàn quốc.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, Chương trình đã hoàn thiện chính sách thúc đẩy sử dụng trang thiết bị năng lượng hiệu suất cao, từng bước loại bỏ các trang thiết bị hiệu suất thấp thông qua việc dán nhãn năng lượng.

Tính đến hết tháng 6/2014, Bộ Công Thương đã cấp chứng nhận dán nhãn năng lượng cho 6.215 chủng loại sản phẩm của 13 loại trang thiết bị bắt buộc phải dán nhãn bao gồm: Máy thu hình, thiết bị chiếu sáng, quạt điện, điều hòa không khí, máy giặt, nồi cơm điện, máy biến áp phân phối.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục