Ca nương xưa còn lại mấy người…

Xã Cổ Đạm xưa gọi là tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là nơi có đền thờ hai vị tổ sư nghề hát Ả đào là Đinh Lễ - Bạch Hoa và lối hát ca trù độc đáo nhất khu vực Bắc Trung bộ sinh ra từ khoảng thế kỷ 15, 16 còn duy trì đến giờ. Nay, trong đám đào nương tuyệt kỹ ngày trước, từng được triệu vào cung nội hát cho vua nghe, may mắn vẫn còn sót lại 4 người, đều đã gần cửu thập…

Xã Cổ Đạm xưa gọi là tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, là nơi có đền thờ hai vị tổ sư nghề hát Ả đào là Đinh Lễ - Bạch Hoa và lối hát ca trù độc đáo nhất khu vực Bắc Trung bộ sinh ra từ khoảng thế kỷ 15, 16 còn duy trì đến giờ. Nay, trong đám đào nương tuyệt kỹ ngày trước, từng được triệu vào cung nội hát cho vua nghe, may mắn vẫn còn sót lại 4 người, đều đã gần cửu thập…
 
Hà Tĩnh chiều ngày 27/10, chúng tôi đi qua cầu Bến Thủy, rẽ trái trên con đường về trung tâm huyện Nghi Xuân, con đường đến xã Cổ Đạm chạy ngang cách bờ biển theo đường chim bay chỉ 3km, gió biển ù ù thổi lật cả mũ bảo hiểm lỏng quai. Vừa xảy ra mấy cơn mưa lớn, lũ lụt miền Trung, nước ngập tới tận sân nhà những hộ ven đường.

Làng xã bình yên với những căn nhà nhỏ xíu thâm thấp chống gió, đồng dựa lưng vào núi, quay mặt ra biển…Các đào nương xuân sắc thuở ấy giờ đã thành cụ, thành kỵ, có người tuổi gần cửu thập như bà Phan Thị Mơn, răng chỉ còn một chiếc, vẫn gõ phách hát được những làn điệu, lời ca tinh diệu của cha ông truyền lại…
 
17 tuổi được triều đình triệu vào hát…
 
Cụ Phan Thị Mơn sinh năm 1922. Năm hăm hai tuổi lấy chồng, sinh cả thảy tám lần, đậu được năm, bốn trai một gái. Năm nay cụ mới có cả thảy 25 cháu và gần ba mươi chắt và chỉ còn… một cái răng làm duyên già! Khi chúng tôi mới đến nhà chào, cụ hỏi ngay một câu làm chúng tôi rất cảm động:“Nước nôi như thế mà lặn lội đến thăm bà làm chi” (đang mưa ngập khắp miền Trung).

Nhìn vóc tướng cụ rất phúc hậu mà duyên lão. Hỏi vui, rằng chắc hồi trẻ cụ xinh lắm nhỉ, chắc khối người theo đuổi, cụ cười hờ hờ, hà hà nói: “Tui cũng nỏ biết ra răng chi nữa…Bảy mươi năm trước tui mười bảy, tóc đương kẹp chứ chưa vấn khăn mô…”
 
Bảy mươi năm về trước, cô thiếu nữ tóc kẹp đuôi gà vừa tròn đôi tám ấy là con gái nuôi ông kép chính Phan Hưng của giáo phường Cổ Đạm (cha mẹ nuôi cũng là người trong họ). Mười tuổi cha ruột mất, 14 tuổi đi làm con nuôi, được cụ Hưng truyền dạy ca trù cùng chị là Phan Thị Xuân và em là Phan Thị Nga. Cụ Mơn kể cái lần giáo phường Cổ Đạm được triều đình triệu vào hát.
 
Giọng miền biển Hà Tĩnh của người Cổ Đạm tuy rất khó nghe, nhưng cụ Mơn nói chúng tôi vẫn nghe rất rõ (đúng là giọng của người “ca nương” xuân sắc một thời có khác, dù cụ đã rụng gần hết cả răng): “Năm đó tui mười bảy mười tám, từng đi hát khắp Hà Nội, Yên Lý, Yên Thành (Diễn Châu), rồi cả Huế nữa. Khi nào trong Nội (cung vua) có trát điều thì đi, tui được đi cả thảy 2 lần, cái chuyến tui được đi cũng không nhân dịp lễ hội chi cả. Vô phải mặc đồ trong Nội, quần lụa trắng, áo vàng, khăn vàng. Cả đoàn có tám đào, ba kép. Tui và bà Gia (cụ Phan Thị Gia) ca, còn lại sáu người múa. Mỗi buổi hát kéo rất dài, từ khoảng hai giờ chiều đến tám giờ tối tại ngay cung vua ở, cũng không nhớ là cung mô. Tui không biết hậu (hoàng hậu Nam Phương), chỉ biết vua (vua Bảo Đại). Vua to tướng, đẹp, mà tay dài hơn tay ta. Ngài mặc bào phục chỉnh tề như khi lên triều ấy, cùng ngồi nghe có cụ Tuần, cụ Bố, cụ Án chi chi đó (chức danh vắn tắt gọi các quan). Sân khấu cao hơn nền một bực, nhưng vẫn thấp hơn ghế vua ngồi... Trong Huế, ít hát (ca trù) mà nhiều ca (ca Huế). Trong Huế họ thích ca hơn. Vua nghe xong, ngài khen, ngài vỗ tay như bây giờ ta vỗ tay ấy. Ở trong Nội 4 ngày hát cho vua nghe xong, đoàn lại được Đức Thánh Quang (không rõ là quan nào, vừa được vua sắc phong lên chức) mời về phủ riêng ở Nha Trang để hát mừng. Ngài đó có đặt lời cho một bài hát để chúng tui hát, gọi là làn điệu “Khế”, hay lắm, giờ tui vẫn thuộc. Rồi về, cả đi cả về mất hai tuần. Về, cả đoàn hát được Nội thưởng một trự (một trăm) bạc giấy. Bằng tám quan tiền đồng, mua được ba bốn chục thùng thóc. Quần áo trong Nội thì phải trả lại Nội…”
 
Đến đây, cụ dừng một lúc để nghỉ. Chẳng là tháng Sáu năm vừa rồi cụ bị ốm, con cháu đưa ra viện, bác sĩ chẩn đoán cụ bị dạ dày, cho uống no thuốc dạ dày, không khỏi, cả nhà cứ tưởng cụ sắp đi gặp… vua Bảo Đại tới nơi. Đến khi chuyển viện, mới xét nghiệm ra chính bệnh là thận. Lại một chầu thuốc thận nữa, đến tận Rằm tháng Tám mới về được nhà, khỏi bệnh nhưng cụ mệt đi nhiều. Cũng may con cái rồi bà con lối xóm giúp đỡ, trên huyện trên xã đều về thăm nom…
 
“Đến năm quan cách (cách mạng 1945) không đi hát được nữa, tui ở nhà lấy chồng. Lúc đó nhiều người hỏi, nhưng tui lấy ông vì ông thông minh (chồng bà tên là ông Nguyễn Cự). Ông xấu thôi nhưngmà giỏi, thông chữ Hán, chữ quốc ngữ. Sau cách mạng ông còn đi dạy Bình dân học vụ, cho những người to (người lớn) mà không biết chữ… Suốt từ đó tui không hát nữa, chỉ đi buôn, đi bán, mần ruộng nuôi con. Đền Xứ (đền thờ Đinh Lễ - Bạch Hoa) bị đổ cái năm giặc ném bom phá hoại. Cho đến đúng năm tui bảy mươi tuổi, ông mất. Đầu tui còn quấn khăn để tang ông thì trên huyện về “siêu âm” (ghi âm - bà nói nhầm. Đó là đoàn của Viện Âm nhạc về ghi ấm ca trù Cổ Đạm, từng bước khôi phục dòng ca trù này). Tui hát lại từ đó đến giờ, rồi đi dạy loanh quanh các cháu trong làng, có ra Hà Tĩnh biểu diễn một đôi lần. Cả đoàn đi hát từng được vào Nội xưa kia giờ thì quan viên (kép) chết cả rồi. Bà Xuân mất bốn năm năm trước. Nay đào nương vào cung còn có bốn người. Là tui nay tám sáu. Bà Bình (nghệ nhân Hà Thị Bình), bà Gia tám mươi tư. Bà Nga bé tuổi nhất cũng đã tám hai…”.
 
 Vũ Lâm (TT&VH)

Tin cùng chuyên mục