Sau 4 ngày nghỉ Quốc khánh, các bến xe ở Hà Nội như Lương Yên, Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình đều rơi vào tình trạng quá tải, lượng xe ùn ùn nối đuôi nhau về bến. Tại các điểm đón trả khách, hàng nghìn người chen chúc nhau.
Bến xe “ken” cứng người
4 giờ chiều ngày 5/9, các bến xe trong lòng thành phố đều chật cứng hành khách. Tại một số nơi đã xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ do xe khách liên tỉnh liên tục trả khách vào bến. Các tuyến xe buýt tại Hà Nội cũng phải hoạt động với công suất lớn, nhưng vẫn luôn trong tình trạng ứ khách.
Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, toàn bộ làn đường Giải Phóng chiều từ bến xe phía Nam vào trung tâm Hà Nội bị kẹt ôtô, xe máy. Nguyên nhân chính do lượng người từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đổ về Hà Nội quá đông.
Tại bến xe khách Giáp Bát, Hà Nội, điểm trung chuyển hành khách lớn nhất của thành phố, hàng nghìn người đứng, ngồi chật cứng khuôn viên bến xe. Các bãi gửi xe chật ních xe máy, khu vực cổng sau trả khách đông nghịt người...
Rời khỏi chiếc xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, chị Nguyễn Thị Quyên thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Chị cho hay, cứ ba hành khách bị xếp ngồi trên một chiếc ghế đôi. Chiếc xe chật chội, ngột ngạt người đứng kẻ ngồi, chưa kể những hành khách bắt xe dọc đường phải ngồi bệt giữa sàn.
Theo Phòng điều hành bến xe Giáp Bát, khoảng từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều là hàng trăm xe khách thi nhau về bến. Lúc này là thời gian xe từ các tỉnh đổ về nhiều nhất, vì thế các nhân viên của bến xe phải làm việc hết tốc lực mới điều hòa được lượng xe và người trong toàn bến.
Trong khi đó, các bến xe đầu mối như Lương Yên, Mỹ Đình cũng đã rơi vào tình trạng dồn ứ vì lưu lượng người đổ về quá đông.
Trên đường Xuân Thủy và Phạm Hùng giao thông đang ùn tắc cục bộ do các xe xếp hàng nối đuôi nhau để vào bến đón trả khách.
Trước cổng bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát có rất đông người nhà ra đón, họ đỗ xe ngay dưới lòng đường khiến cho giao thông ùn ứ cục bộ, tình trạng ra vào bến gặp rất nhiều khó khăn.
Tại bến xe Mỹ Đình chật kín bởi người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay. Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía hông phải của bến.
Xe buýt cũng… quá tải
Ngày 6/9 các trường học, công sở bắt đầu hoạt động nên mọi người đổ xô về Hà Nội, dẫn đến quá tải với cả xe buýt. Đó là nhận định của hầu hết các ban quản lý xe khách và xe buýt.
Mỗi khi xe về bến, mở cửa đón khách chỉ vài phút là đã chật kín. Anh Nguyễn Văn Hậu, lái xe buýt tuyến Giáp Bát – Nhổn cho biết: “Xe vào bến mở cửa trả khách xong thì người lên đã chật cứng, ra đường hầu như không còn đón khách lên xe."
Khuân một túi to lỉnh kỉnh đồ đạc ra điểm chờ xe buýt, Trần Văn Chung, sinh viên Đại học Thương Mại cho biết: "Mình lên tới bến xe cách đây 40 phút nhưng chờ mãi xe buýt mà chưa thấy, trong khi lượng người đổ dồn về bến ngày càng đông".
Các điểm chờ xe buýt có rất nhiều người ngồi, nghiêng ngó chờ xe. Đường tắc, lượng người chờ xe đông nên có nhiều người chờ cả tiếng vẫn chưa lên nổi xe buýt.
Trước tình hình này, Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị trong việc điều hành, chỉ đạo các đơn vị vận tải công cộng bố trí đủ phương tiện, tăng cường chuyến lượt để giải tỏa khách về bến tăng đột biến sau ngày nghỉ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, trưởng phòng Tổng công ty vận tải Hà Nội, ngay sau những đợt nghỉ lễ, lượng khách đổ về Hà Nội sẽ tăng mạnh và tập trung đông nhất vào chiều nay. Vì vậy cần tăng cường xe phục vụ vận tải công cộng (xe buýt) để chuyển tải hành khách.
“Hiện tại, Tổng công ty có hơn 1.000 xe buýt với số lượng hơn 50 tuyến chạy trong nội và ngoại thành Hà Nội. Kế hoạch phương tiện dự phòng tăng cường giải tỏa phục vụ quốc khánh đã được chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể, số xe trực dự phòng là 30 xe và số lượt xe tăng cường là 100 lượt trên tất cả các tuyến,” ông Trung cho hay.
Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm, do ngày nghỉ kéo dài nên lượng khách đổ về bến đông. Vì thế, tất cả các bến xe cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng như: Trung tâm điều hành giao thông Đô thị của Ban quản lý bến xe Hà Nội, lực lượng Công an phường, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường…nhằm giải tỏa khách tại bến./.
“Hiện tại, bến xe Gia Lâm có 3 tuyến với tần suất 5 phút/chuyến với 300 xe, tất cả các xe đều chạy hết công suất nhằm giảm tải cho bến xe,” ông Trúc cho biết.
Ngoài ra, công ty Quản lý bến xe Hà Nội cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ đạo thanh tra giao thông tăng cường công tác xử lý các xe đón trả khách trước bến./.
Bến xe “ken” cứng người
4 giờ chiều ngày 5/9, các bến xe trong lòng thành phố đều chật cứng hành khách. Tại một số nơi đã xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ do xe khách liên tỉnh liên tục trả khách vào bến. Các tuyến xe buýt tại Hà Nội cũng phải hoạt động với công suất lớn, nhưng vẫn luôn trong tình trạng ứ khách.
Theo ghi nhận của phóng viên Vietnam+, toàn bộ làn đường Giải Phóng chiều từ bến xe phía Nam vào trung tâm Hà Nội bị kẹt ôtô, xe máy. Nguyên nhân chính do lượng người từ các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đổ về Hà Nội quá đông.
Tại bến xe khách Giáp Bát, Hà Nội, điểm trung chuyển hành khách lớn nhất của thành phố, hàng nghìn người đứng, ngồi chật cứng khuôn viên bến xe. Các bãi gửi xe chật ních xe máy, khu vực cổng sau trả khách đông nghịt người...
Rời khỏi chiếc xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội, chị Nguyễn Thị Quyên thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng. Chị cho hay, cứ ba hành khách bị xếp ngồi trên một chiếc ghế đôi. Chiếc xe chật chội, ngột ngạt người đứng kẻ ngồi, chưa kể những hành khách bắt xe dọc đường phải ngồi bệt giữa sàn.
Theo Phòng điều hành bến xe Giáp Bát, khoảng từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều là hàng trăm xe khách thi nhau về bến. Lúc này là thời gian xe từ các tỉnh đổ về nhiều nhất, vì thế các nhân viên của bến xe phải làm việc hết tốc lực mới điều hòa được lượng xe và người trong toàn bến.
Trong khi đó, các bến xe đầu mối như Lương Yên, Mỹ Đình cũng đã rơi vào tình trạng dồn ứ vì lưu lượng người đổ về quá đông.
Trên đường Xuân Thủy và Phạm Hùng giao thông đang ùn tắc cục bộ do các xe xếp hàng nối đuôi nhau để vào bến đón trả khách.
Trước cổng bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát có rất đông người nhà ra đón, họ đỗ xe ngay dưới lòng đường khiến cho giao thông ùn ứ cục bộ, tình trạng ra vào bến gặp rất nhiều khó khăn.
Tại bến xe Mỹ Đình chật kín bởi người và xe. Khu vực đỗ xe thường ngày tại bến đã được mở rộng ra phía ngoài nhưng vẫn không “gánh” nổi lượng xe lớn đột biến ngày hôm nay. Nhiều xe vào bến nhưng không có chỗ đậu phải nối đuôi nhau nằm dài trên con đường phía hông phải của bến.
Xe buýt cũng… quá tải
Ngày 6/9 các trường học, công sở bắt đầu hoạt động nên mọi người đổ xô về Hà Nội, dẫn đến quá tải với cả xe buýt. Đó là nhận định của hầu hết các ban quản lý xe khách và xe buýt.
Mỗi khi xe về bến, mở cửa đón khách chỉ vài phút là đã chật kín. Anh Nguyễn Văn Hậu, lái xe buýt tuyến Giáp Bát – Nhổn cho biết: “Xe vào bến mở cửa trả khách xong thì người lên đã chật cứng, ra đường hầu như không còn đón khách lên xe."
Khuân một túi to lỉnh kỉnh đồ đạc ra điểm chờ xe buýt, Trần Văn Chung, sinh viên Đại học Thương Mại cho biết: "Mình lên tới bến xe cách đây 40 phút nhưng chờ mãi xe buýt mà chưa thấy, trong khi lượng người đổ dồn về bến ngày càng đông".
Các điểm chờ xe buýt có rất nhiều người ngồi, nghiêng ngó chờ xe. Đường tắc, lượng người chờ xe đông nên có nhiều người chờ cả tiếng vẫn chưa lên nổi xe buýt.
Trước tình hình này, Tổng công ty vận tải Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Trung tâm quản lý và điều hành giao thông đô thị trong việc điều hành, chỉ đạo các đơn vị vận tải công cộng bố trí đủ phương tiện, tăng cường chuyến lượt để giải tỏa khách về bến tăng đột biến sau ngày nghỉ.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung, trưởng phòng Tổng công ty vận tải Hà Nội, ngay sau những đợt nghỉ lễ, lượng khách đổ về Hà Nội sẽ tăng mạnh và tập trung đông nhất vào chiều nay. Vì vậy cần tăng cường xe phục vụ vận tải công cộng (xe buýt) để chuyển tải hành khách.
“Hiện tại, Tổng công ty có hơn 1.000 xe buýt với số lượng hơn 50 tuyến chạy trong nội và ngoại thành Hà Nội. Kế hoạch phương tiện dự phòng tăng cường giải tỏa phục vụ quốc khánh đã được chuẩn bị kỹ càng. Cụ thể, số xe trực dự phòng là 30 xe và số lượt xe tăng cường là 100 lượt trên tất cả các tuyến,” ông Trung cho hay.
Theo ông Nguyễn Như Trúc, Giám đốc Bến xe Gia Lâm, do ngày nghỉ kéo dài nên lượng khách đổ về bến đông. Vì thế, tất cả các bến xe cũng sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng như: Trung tâm điều hành giao thông Đô thị của Ban quản lý bến xe Hà Nội, lực lượng Công an phường, Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường…nhằm giải tỏa khách tại bến./.
“Hiện tại, bến xe Gia Lâm có 3 tuyến với tần suất 5 phút/chuyến với 300 xe, tất cả các xe đều chạy hết công suất nhằm giảm tải cho bến xe,” ông Trúc cho biết.
Ngoài ra, công ty Quản lý bến xe Hà Nội cũng đề nghị Sở Giao thông vận tải Hà Nội chỉ đạo thanh tra giao thông tăng cường công tác xử lý các xe đón trả khách trước bến./.
Mạnh Hùng - Sơn Bách (Vietnam+)