Các bộ trì trệ trong kết nối nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Theo tiến sỹ Nguyễn Đình Cung thẳng thắn nhận định hầu hết các cơ quan cấp bộ còn trì trệ khi phối hợp với Bộ Tài Chính trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Các bộ trì trệ trong kết nối nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ảnh 1Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2016, ngày 18/5. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19 lần thứ ba vào ngày 28/4​.

Theo đó, Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu nâng thứ hạng năng lực cạnh tranh đạt mức trung bình của ASEAN-4 vào năm 2017 và ASEAN-3 vào năm 2020.

Để Nghị quyết đi vào thực tiễn và đạt được kết quả thực chất như mong đợi, Văn phòng Chính phủ ,​Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng ​Dự án Quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của USAID (GIG) ​phối hợp tổ chức Hội nghị Triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vào ngày 18/5, tại Hà Nội.

Tại Hội nghị, những nội dung cơ bản của Nghị quyết 19/2016 đã được làm rõ với các nhiệm vụ, giải pháp và cách thức thực hiện đối với các Bộ, cơ quan, địa phương. Bên cạnh đó, các bên liên quan đã cùng nhau trao đổi về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đồng thời đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể, nhằm đạt được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết.

Các bộ trì trệ trong kết nối nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia ảnh 2

Nói về tồn tại liên quan tới thủ tục kiểm soát an toàn thực phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ​đặc biệt trú trọng tới những bất cập vướng mắc về hoạt động “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” đối với hàng thủy sản​.

“Hiện tại, hàng thủy sản đang bị ‘kiểm tra trước, hoàn thuế sau’ khiến đến phát sinh rất nhiều thủ tục (công việc, thời gian, chi phí) của cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp. Bởi, cơ quan này bắt buộc phải cử cán bộ xuống tận địa chỉ doanh nghiệp để kiểm tra. Đây là nội dung tại điểm h, khoản 2, điều 41 của Nghị định 83/2013/NĐ-CP về hướng dẫn Luật Quản lý thuế,” ông Nam dẫn chứng.

​Trong khi đó, một đại diện ngành điện tử Viễn thông cũng đưa ra một số đề xuất kiến nghị tới Bộ Tài chính, trong việc nhập mẫu về Việt Nam để thử nghiệm hoạt động thực địa (field test) hay thử nghiệm thị trường (marketing) nên cho phép ghi rõ model này sẽ dự kiến sản xuất tại Việt Nam với model tương đương để không phải thử nghiệm và đăng ký lại cho loạt máy sản xuất trong nước.

​Vị đại diện này cũng cho rằng, Bộ Tài chính cần nghiên cứu chỉ định thêm một vài cơ quan, phòng thí nghiệm có khả năng thực hiện thử nghiệm tránh thời gian bị kéo ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Một trong những kiến nghị của Hiệp hội Dệt May Việt Nam liên quan đến các mức phí kiểm dịch, gây tốn kém cho doanh nghiệp, như chi phí kiểm dịch tại Viện Sinh thái là 3 triệu/lần giám định, chi phí giám định hàm lượng formaldehyt cho lô hàng vải NK về sản xuấtn là 2 triệu/1 mẫu vải.

“Thậm chí đối với các lô hàng nhập khẩu về làm mẫu theo hình thức chuyển phát nhanh, có khi chỉ có 5m-10m vải, doanh nghiệp vẫn phải kiểm định hàm lượng formaldehyt và chi phí vẫn là 100 USD,” đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam nói.

Ghi nhận tất cả các ý kiến đóng góp từ phía các đại biểu tham dự Hội Nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, theo quyết định của Chính phủ, Bộ đã xây dựng Cục kiểm định Hải Quan, nhằm bố trí nhân lực, trang thiết bị tại các cửa khẩu để thực hiện quản lý nhà nước kiểm tra các danh mục hàng hóa cần kiểm tra, vì an ninh cộng đồng (như kiểm định về vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm tra hóa chất độc hại, phân bón, thuốc trừ sâu…).

“Theo Nghị quyết 19, tính đến 31/12, việc kiểm tra tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa tại cửa khẩu sẽ giảm từ mức 34% xuống còn khoảng 15%. Bởi đây là con số cực lớn trên tổng số 8,4 triệu lô hàng xuất-nhập khẩu. Như vậy, các bộ sẽ phải phổi hợp giải quyết hàng loạt vấn đề thì mới có thể giảm xuống 15% như mong muốn. Do đó, một trong nhiệm vụ của Bộ Tài chính trong tháng Sáu là làm rõ nhiệm vụ của 34% này với gần 4 triệu lô hàng phải kiểm tra, như chỉ ra rõ nó nằm ở bộ nào, lĩnh vực nào và bao nhiêu, để xây dựng thành nhiệm vụ của Bộ Tài chính và các bộ có liên quan,” ông Tuấn nói.

Chủ trì Hội nghị, tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thẳng thắn, hầu hết các bộ còn trì trệ khi phối hợp với Bộ Tài Chính trong việc rút ngắn các chỉ tiêu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đưa ra ví dụ, theo ông Cung ​đó là việc cổng một cửa quốc gia giữa các bộ mới được hai, ba thủ tục kết nối trong số cả trăm thủ tục.

“Các bộ chủ yếu thực hiện các thủ tục mà nó ít ảnh hưởng đến quyền lợi của Bộ đó. Đã đến lúc chúng ta phải kết nối một cách thực sự là thực chất, không nên thực hiện một cách hình thức, nhằm mục đích báo cáo về số lượng, như có bao nhiêu thủ tục đã được kết nối,” ông Cung nói./.

Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, các bộ còn trì trệ việc kết nối
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục