Các chính đảng tại Anh đưa ra cam kết và công kích

Các chính đảng lớn ở Anh lần lượt tổ chức hội nghị thường niên nhằm đưa ra những chiến lược của mình trước cuộc tổng tuyển cử 2015.
Những làn gió lạnh ở xứ "Sương mù" cuối Thu không đủ để làm dịu sức nóng trên chính trường Anh khi các chính đảng lớn lần lượt tổ chức hội nghị thường niên nhằm đưa ra những chiến lược của mình trước cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Cử tri Anh lại đón nhận không ngớt những lời hứa hẹn, cam kết từ những người đứng đầu các chính đảng. Và đây cũng là dịp để họ nhìn ra điểm yếu của mỗi đảng bộc lộ từ sự công kích của đối phương để từ đó quyết định “chọn ai” trong cuộc bầu cử vào đầu năm 2015.

Các hội nghị thường niên diễn ra vào thời điểm đảng Bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng David Cameron sau một thời gian khá dài "mất điểm" đã vươn lên ngang hàng với Công đảng đối lập do ông Ed Miliban đứng đầu.

Kết quả khảo sát dường như làm tăng thêm sự tin tưởng vào các bài phát biểu của lãnh đạo đảng Bảo thủ, đồng thời khiến Công đảng nhận thấy sự cần thiết phải tăng tốc trước khi quá muộn.

Trong các diễn văn tại hội nghị của Công đảng diễn ra ở thành phố Brighton từ ngày 22-25/9, ông Miliban đã lấy lòng cử tri bằng những tuyên bố thay đổi các chính sách đang gây bất bình cho dân chúng.

Ông khẳng định một chính phủ do Công đảng dẫn dắt sẽ xóa bỏ “thuế phòng ngủ” - một sắc thuế mới được đưa vào thực hiện từ tháng Tư năm nay và đã gây ra nhiều cuộc biểu tình trên khắp nước Anh vì theo luật mới, những người thuê nhà có dư một phòng ngủ trở lên sẽ bị cắt tiền trợ cấp nhà ở của chính phủ.

Ông cũng tuyên bố sẽ đánh thuế doanh nghiệp cao hơn đối với các công ty lớn, sung công đất đai của giới đầu cơ bất động sản, tăng lương tối thiểu và yêu cầu các công ty lớn phải thuê cả nhân công “địa phương” nếu như họ có thuê lao động từ các nước ngoài Liên minh châu Âu (EU).

Trong bối cảnh chi phí sinh hoạt ở Anh ngày càng đắt đỏ với giá điện, gas liên tục tăng, ông Miliban tuyên bố nếu thắng cử sẽ “đóng băng” giá năng lượng đến năm 2017. Lời hứa của ông Miliban khiến người dân phấn khởi, nhưng ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ phía các “đại gia” năng lượng Anh.

Chủ tịch Công ty Điện lực Scotlen Keith Anderson đã gửi thư cho thủ lĩnh Công đảng, khuyến cáo rằng gieo chính sách “đóng băng giá năng lượng” sẽ gặt hái “mối nghi ngờ và sợ hãi” từ các nhà đầu tư. Họ sẽ cân nhắc liệu có nên đầu tư thêm tiền vào lĩnh vực năng lượng, vốn đang rất cần được hiện đại hóa, và các dự án năng lượng xanh hay không.

Bên cạnh đó, ông còn cảnh báo việc đóng băng giá năng lượng sẽ ảnh hưởng tới việc xây dựng các nhà máy điện mới và làm mất đi hàng trăm nghìn việc làm. Trong khi đó, lãnh đạo đảng Bảo thủ khẳng định các chính sách của ông Miliban sẽ làm suy yếu nền kinh tế xứ sở "Sương mù."

Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, những gì ông Miliban đưa ra lại cho thấy dường như ông muốn truyền đạt tới cử tri Anh một niềm tin rằng sau những đổ vỡ của nền kinh tế toàn cầu năm 2008, nhà nước cần có nghĩa vụ làm khác đi chủ nghĩa tư bản để xây dựng một xã hội có trách nhiệm với công dân hơn.

Diễn ra vài ngày sau hội nghị của Công đảng, hội nghị của đảng Bảo thủ từ ngày 29/9 đến 2/10 dễ khiến người ta liên tưởng tới chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm ngoái bởi khẩu hiệu “Chắc chắn chúng ta có thể” (Sure, we can) giăng khắp nơi tại thành phố Manchester.

Tuy vậy, các phát biểu của giới lãnh đạo đảng Bảo thủ, từ Thủ tướng Cameron cho đến Bộ trưởng Tài chính George Osborne chỉ cho thấy cam kết của đảng này đối với những người làm việc chăm chỉ.

Ngay trước khi bước vào hội nghị, Thủ tướng Cameron đã làm nức lòng giới trẻ Anh đang khao khát sở hữu nhà bằng tuyên bố chính sách “Giúp mua nhà,” trong đó chính phủ sẽ bão lãnh 15% khoản tiền vay, sẽ được thực hiện sớm trước kế hoạch ba tháng.

Nhưng ngay sau đó, những người thất nghiệp lâu năm và cả thanh niên đều được cảnh báo rằng họ sẽ phải tham gia các khóa đào tạo nghề mới, tích cực tìm việc hoặc làm các việc công ích thay vì ngồi nhà hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Những tuyên bố này của đảng Bảo thủ bị chỉ trích là có thể gây ra “bong bóng nhà đất” ở Anh và có vẻ như “thiếu nhân văn” khi buộc những người thất nghiệp phải lao động công ích.

Trong bối cảnh nền kinh tế Anh đang có những dấu hiệu cải thiện, Thủ tướng Cameron dường như muốn nhắn nhủ cử tri Anh hãy tin tưởng vào khả năng của đảng Bảo thủ vực dậy nền kinh tế. Còn Bộ trưởng Osborne tuyên bố rằng Anh sẽ có được thặng dư ngân sách vào năm 2020 nếu tiếp tục các chính sách hiện nay.

Những gì diễn ra tại hội nghị thường niên của đảng Dân chủ Tự do (LibDem) do Phó Thủ tướng Nick Clegg đứng đầu tại Glasgow lại cho thấy sự pha trộn chính sách giữa Công đảng và đảng Bảo thủ khi chiến lược của LibDem là theo đuổi “một nền kinh tế mạnh hơn, một xã hội công bằng hơn.”

Vẫn còn hơn một năm nữa để cả ba chính đảng xoay chuyển tình thế, hụt hơi hay bứt phá ngoạn mục trong cuộc đua tranh, nhưng rõ ràng với những diễn biến sôi động suốt 3 tuần qua của mùa hội nghị thường niên, có thể nói cuộc tổng tuyển cử ở Anh năm 2015 sẽ vô cùng gay cấn, bất ngờ và không dễ đoán định./.

Đỗ Sinh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục