Các chuyên gia đánh giá cao sự phát triển kinh tế Việt Nam

Tại buổi thảo luận ở Áo, các chuyên gia cho rằng kể từ khi đổi mới đến nay, kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng, phát triển rất mạnh.
Các chuyên gia đánh giá cao sự phát triển kinh tế Việt Nam ảnh 1Các chuyên gia kinh tế tại buổi thảo luận. (Ảnh: Bích Yến/Vietnam+)

Tối 14/3, tại Học viện Ngoại giao Áo, Hội Hữu nghị Áo-Việt và Đại sứ quán Việt Nam tại Áo đã phối hợp tổ chức buổi "Thảo luận về vấn đề kinh tế Việt Nam."

Tiến sỹ Thomas Jandl thuộc Đại học Hoa Kỳ, cố vấn chính sách kinh tế cho Chính phủ Việt Nam thuyết trình về cuốn sách mới của ông "Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu: Sự năng động trong hội nhập, quản lý, phân cấp, chính trị."

Tác giả đã chỉ ra những thành tựu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn Đổi mới đến năm 2007 (thời điểm ông hoàn thành việc nghiên cứu). Cuốn sách đã được giới thiệu tại Mỹ, song theo tác giả thì công trình này đã nhận được sự quan tâm nhiều hơn ở Áo.

Tiến sỹ Jankowitsch, Chủ tịch Hội hữu nghị Áo-Việt cho rằng kể từ khi đổi mới đến nay, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng, phát triển rất mạnh, ngay cả khi nền kinh tế khu vực và thế giới có phần ảm đạm. Tính riêng năm 2012, kim ngạch nhập khẩu (1.101 triệu USD) các mặt hàng Việt Nam vào Áo cao hơn các mặt hàng của Áo xuất khẩu (160 triệu USD) sang thị trường Việt Nam.

Tiến sỹ Thomas Jandl cho rằng thời kỳ Đổi mới chuyển đổi từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, hoạt động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã mở ra cơ hội trao quyền tự chủ, chấp nhận sự tồn tại bình đẳng của nhiều thành phần kinh tế, các địa phương; thu hút các nhà đầu tư nước ngoài; tạo ra môi trường, thị trường thông thương thuận lợi cho các doanh nghiệp, các địa phương phát triển...

Sau thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt trội. Ông dẫn chứng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam cao hơn hẳn Ấn Độ. Tính riêng năm 2007, Việt Nam đã thu hút 21,3 tỷ USD vốn FDI, trong khi Ấn Độ thu hút 15 tỷ USD.

Theo tiến sỹ Jandl, khi nền kinh tế Việt Nam phát triển, Chính phủ có kinh phí để đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng phúc lợi như bệnh viện, trường học, nhà trẻ... khiến đời sống người dân được cải thiện.

Ông đưa ra gợi ý cho các công ty quốc tế rằng hiện nay Việt Nam là thành viên của nhiều tổ chức kinh tế khu vực và quốc tế; nhiều công ty nhà nước được cổ phần hóa, tư nhân hóa... và đó chính là cơ hội cho các công ty Áo, công ty quốc tế tham gia đồng sở hữu các công ty, doanh nghiệp của Việt Nam (như sân bay, cầu cảng...)

Tiến sỹ Jandl cho rằng Chính phủ Việt Nam đã khởi động Đổi mới nền kinh tế và đang đi đúng đường. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh thế thế giới suy giảm như hiện nay, Việt Nam cần chuyển đổi sản xuất những mặt hàng xuất khẩu thô, thông dụng (như giầy dép, càphê, hạt tiêu....) sang sản xuất những mặt hàng cao cấp. Ông ví dụ như việc chuyển đổi nhanh chóng trong sản xuất máy tính ở Việt Nam hiện nay là hợp lý. Việt Nam cũng cần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhằm cung ứng cho các nước trên thế giới trong thời đại công nghệ kỹ thuật cao...

Giáo sư Werner Clemen, cựu Giám đốc Viện Chính sách Kinh tế và Công nghiệp Wien, từng làm cố vấn chính sách kinh tế cho Chính phủ Việt Nam cho rằng người dân các địa phương đã tự tạo ra thị trường, tự trao đổi, mua bán các mặt hàng thiết yếu (hình thức chợ quê). Sau đó, Chính phủ mới vào cuộc, cải cách Đổi mới nền kinh tế. Hai yếu tố đó đã hòa quyện với nhau, giúp cho nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng. Đến nay, thương hiệu Việt Nam đã được gắn trên nhiều mặt hàng và xuất khẩu đi khắp thế giới.

Buổi thảo luận đã thu hút gần một trăm các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân, công chúng Áo. Các chuyên gia cho rằng sau thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế Việt Nam phát triển, tăng trưởng nhanh chóng và đạt được nhiều thành công. Tuy nhiên, việc tăng trưởng "nóng" cũng gây ra những bất cập nhất định cho nền kinh tế Việt Nam. Đây cũng là cơ hội cho các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, công ty, công chúng nhận diện rõ hơn về bức tranh kinh tế, đồng thời thúc đẩy mối liên kết giữa nghiên cứu khoa học quốc tế với đời sống kinh tế xã hội Việt Nam, gợi mở các hướng đầu tư cho các công ty Áo, công ty quốc tế đến Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục