Các chuyên gia kinh tế: Ba kịch bản xử lý nợ xấu

Xử lý nợ xấu, sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống… là những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2013.

Tại Hội thảo khoa học đánh giá bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng năm 2012 và khuyến nghị cho năm 2013 do Học viện Ngân hàng tổ chức diễn ra ngày 25/12, các chuyên gia đã mổ xẻ nhiều vấn đề của ngành ngân hàng trong suốt một năm qua. Nổi bật trong năm 2012 là vấn đề nợ xấu và đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2013, bên cạnh các nội dung khác như sáp nhập, mua bán ngân hàng, doanh nghiệp, hạ lãi suất hay sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống…


Xử lý nợ xấu, sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống… là những nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho ngành ngân hàng trong năm 2013.

Tại Hội thảo khoa học đánh giá bức tranh toàn cảnh hoạt động ngân hàng năm 2012 và khuyến nghị cho năm 2013 do Học viện Ngân hàng tổ chức diễn ra ngày 25/12, các chuyên gia đã mổ xẻ nhiều vấn đề của ngành ngân hàng trong suốt một năm qua. Nổi bật trong năm 2012 là vấn đề nợ xấu và đây cũng là nhiệm vụ được đặt ra trong năm 2013, bên cạnh các nội dung khác như sáp nhập, mua bán ngân hàng, doanh nghiệp, hạ lãi suất hay sắp xếp, tái cấu trúc hệ thống…

Tập trung xử lý nợ xấu, tái cơ cấu

Các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng, trong năm 2012 chủ đề "nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng" đã thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Nợ xấu tích tụ từ nhiều năm trước nhưng bộc lộ rõ nét trong năm 2012 cả về con số tương đối và tuyệt đối đã buộc các ngân hàng thương mại phải duy trì thế "phòng thủ" trong hoạt động tín dụng. Do vậy, mức tăng trưởng tín dụng thấp là hoàn toàn phù hợp.

Ông Nguyễn Đức Trung, Viện phó Viện nghiên cứu khoa học Ngân hàng thuộc Học viện Ngân hàng cho rằng, khoảng 80% tổng số nợ xấu có tài sản đảm bảo, trong đó 57% được đảm bảo bằng bất động sản. Ông Trung đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản 1, nếu nền kinh tế phục hồi nhanh, việc xử lý tài sản đảm bảo trở nên nhanh chóng. Năm 2013 khi lạm phát được kiềm chế, lãi suất sẽ có xu hướng giảm thì thị trường bất động sản sẽ khởi sắc trở lại. Trong cả hai trường hợp tỷ lệ nợ xấu theo công bố của Ngân hàng Nhà nước hay theo đánh giá của Fitch Ratings thì toàn bộ khoản nợ xấu đều được giải quyết triệt để.

Đối với kịch bản 2 là nền kinh tế được phục hồi dần dần thì mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo đạt mức trung bình hòa vốn khoảng 50%. Trong trường hợp này, với mức nợ xấu là 8,82% thì hoàn toàn xử lý được, còn với trường hợp nợ xấu là 15% thì khoản nợ xấu còn lại chưa có nguồn xử lý là 75.920 tỷ đồng.

Với kịch bản thứ 3, khi nền kinh tế chưa thoát khỏi tình trạng suy thoái, việc phát mại tài sản đảm bảo vô cùng khó khăn. Việc thanh lý mạnh các tài sản thế chấp này sẽ tiếp tục khiến giá bất động sản và tài sản khác giảm sâu thêm. Khi đó, mức độ thu hồi giá trị tài sản đảm bảo sẽ vào khoảng 30%.

Ông Trung cho biết thêm, sau khi xử lý tài sản đảm bảo mà vẫn còn lại khoản nợ xấu chưa có nguồn xử lý thì hệ thống ngân hàng phải chấp nhận mất đi một phần vốn tự có của mình được tích lũy từ trước tới nay. Tuy nhiên thực tế điều này rất dễ khiến cho cấu trúc sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, vốn đang là nút thắt cần tháo gỡ trong tiến trình tái cấu trúc ngân hàng vì gây nên nhiều hệ lụy.

Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV nhận định, tốc độ tăng nợ xấu năm nay ở mức kỷ lục, ước cả năm tương đương 2008, khoảng trên 70%. Về lợi nhuận, năm nay đa số các ngân hàng giảm 30-60% và thậm chí, một số ngân hàng nhỏ nợ quá hạn 40% thì không còn lợi nhuận. Ông Lực cho biết, câu chuyện năm 2013 sẽ là năm của xử lý nợ xấu, tiếp tục tái cơ cấu, mua bán, sáp nhập doanh nghiệp và ngân hàng, thanh lọc hệ thống.

Còn theo TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tiền tệ quốc gia, xử lý nợ xấu là trọng tâm giai đoạn 2 của tái cơ cấu ngân hàng. Vấn đề đặt ra làm thế nào để ổn định các ngân hàng yếu kém, đặc biệt là ổn định lãi suất cũng như thanh khoản phải được xử lý rốt ráo. "Cách tốt nhất mà các nước thường làm là nếu ngân hàng yếu kém quá mà tự họ không khắc phục được, hay không sáp nhập được với nhau thì Chính phủ phải gom lại thành một ngân hàng của Chính phủ rồi sau đó quốc hữu hóa để thực thi các chính sách tiền tệ ổn định trong giai đoạn tái cơ cấu. Sau này, khi ngân hàng đó phát triển lên thì có thể lại tư nhân hóa, cổ phần hóa," chuyên gia này nói.

Ông Nghĩa cũng đề xuất cần kiểm soát lại hoạt động quản trị rủi ro, doanh nghiệp tại các ngân hàng thương mại, đặc biệt những nhà băng đi lên từ nông thôn.

Điều hành lãi suất theo thị trường

Tại hội thảo, các đại biểu đều nhận định năm 2012 thực sự là một năm đầy thách thức cho việc điều hành của Chính phủ nói chung cũng như của Ngân hàng Nhà nước nói riêng.

Đánh giá về mặt được của Ngân hàng Nhà nước, ông Nghĩa cho rằng trong điều kiện lòng tin suy giảm nghiêm trọng như năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn kiềm chế lạm phát, đảm bảo thanh khoản và chấn chỉnh thị trường liên ngân hàng là một cố gắng vượt bậc. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh linh hoạt các mức lãi suất theo hướng giảm dần, vì vậy mặt bằng lãi suất cho vay giảm đáng kể và phù hợp với khả năng hấp thụ vốn của những doanh nghiệp.

Ông Phạm Xuân Hòe - Vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cho biết, điều hành lãi suất năm tới vẫn căn cứ theo tín hiệu của lạm phát. Bên cạnh đó, việc điều hành lãi suất VNĐ cũng sẽ được kết hợp chặt chẽ với lãi suất đồng ngoại tệ, tỷ giá để bình ổn tốt thị trường tiền tệ, tăng dự trữ ngoại hối, giảm tình trạng đô la hóa. "Căn cứ vào tín hiệu lạm phát vừa qua, ngay từ bây giờ Ngân hàng Nhà nước đang tính tới bước đi cụ thể và kế hoạch để trả lãi suất về với thị trường," ông Hòe nhấn mạnh.

Ông Hòe cho biết thêm, những năm qua, nền kinh tế dồn áp lực lo vốn quá lớn cho ngân hàng, hệ thống luôn phải đối mặt với rủi ro, hệ số vay nợ của các doanh nghiệp khá cao. Bên cạnh đó, chỉ số tài chính của doanh nghiệp, điểm xếp hạng tín dụng đang bị giảm sút. Vì vậy, để có đủ điểm tiếp cận tín dụng hay không đang là vấn đề lớn của doanh nghiệp và của các ngân hàng.

Bên cạnh đó, một thách thức nữa là phải xử lý căn bản căn bệnh thanh khoản của hệ thống tín dụng. Bởi theo ông Hòe, nếu ngân hàng huy động 1 tháng, cho vay 6 tháng phải quay vòng tối thiếu 5 lần mới đủ được nguồn vốn đáp ứng cho vay ra 6 tháng. Mỗi lần như vậy, các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để bù thanh khoản. Chưa kể, chi phí bù cho phần rủi ro trong môi trường đầy rủi ro nền kinh tế.

"Theo tôi, nên chăng ở thời điểm này, lạm phát thấp, vĩ mô ổn định thì các ngân hàng thương mại cần phải cơ cấu lại sản phẩm tiền gửi. Đây là thời điểm này là then chốt, nếu không thu hẹp chênh lệch giữa kỳ hạn cho vay ra và huy động thì bài toán thanh khoản không thể giải quyết tận gốc và ngân hàng không thể cho vay trung, dài hạn nhiều được," ông Hòe nhấn mạnh./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục