Trong các ngày 4-5/3, tại trụ sở Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) ở thủ đô London (Anh) đã diễn ra cuộc họp bàn cách giải quyết vấn đề di cư đường biển - một hiện tượng đã trở thành vấn đề nhân đạo.
Cuộc họp thu hút sự tham gia của các đại diện cấp cao Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), IMO, Cao ủy Liên hợp quốc về vấn đề người tị nạn (UNHCR), Văn phòng Liên hợp quốc về ma túy và tội phạm (UNODC), Văn phòng Cao Ủy Liên hợp quốc về nhân quyền (OHCHR), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Cơ quan Liên hợp quốc về Các vấn đề đại dương và Luật biển, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) và Cơ quan Cảnh sát Quốc tế (Interpol).
Tổng Thư ký IMO Koji Sekimizu cho rằng những gì tổ chức này đang phải giải quyết là một vấn đề đa chiều và cần hành động có phối hợp.
Ông Sekimizu nhấn mạnh Liên hợp quốc không thể tự mình giải quyết vấn đề này mà chỉ có thể hỗ trợ nỗ lực của các nước thành viên và các nước thành viên cần hành động dựa trên ý chí chính trị.
Ông Sekimizu nhấn mạnh các cơ quan Liên hợp quốc sẵn sàng thiết lập các cơ chế mới để giải quyết vấn đề di cư đường biển và đã thiết lập cơ thế tăng cường trao đổi thông tin giữa các cơ quan.
Các cơ quan Liên hợp quốc cũng thảo luận các dự án chung như thành lập các cơ sở dữ liệu chung để chia sẻ và thu thập thông tin, thống kê những hoạt động trái phép và các tàu khả nghi; xác định tác động của những chuyến vượt biển trái phép và không an toàn trong ngành công nghiệp vận tải đường biển; cải thiển nhận thức về tình hình trên biển.
Theo ông Sekimizu, những con số thống kê trong năm ngoái về hơn 170.000 người di cư được cứu sống và hơn 3.000 thiệt mạng cho thấy rõ quy mô của vấn nạn di cư đường biển.
Ông Volker Turk, quan chức thuộc UNHCR, cho rằng tính cấp bách trong việc cứu người di cư trên biển cho thấy gánh nặng quá tải của ngành công nghiệp vận tải đường biển, đồng thời cần thiết phải có cam kết nhân đạo và pháp lý từ những người làm việc trên tàu.
Ông Turk kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc chia sẻ nhiều hơn gánh nặng và hành động pháp lý chống tàu buôn lậu, đặc biệt phải có cơ chế nghiên cứu và cứu hộ, tăng cường xử lý hình sự chống tàu và hoạt động buôn lậu./.