Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ cản trở hoạt động thương mại toàn cầu

Sau khi một số tàu bị tấn công, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi nhiều tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn điều chỉnh lịch trình, chi phí vận chuyển.

Trực thăng quân sự của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ. (Nguồn: Reuters)
Trực thăng quân sự của Houthi bay trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ. (Nguồn: Reuters)

Các cuộc tấn công trên Biển Đỏ, một phần của tuyến vận tải huyết mạch Đông-Tây của thế giới, trong những ngày gần đây càng làm gia tăng tâm lý lo ngại rằng thương mại quốc tế đứng trước nguy cơ tiếp tục gián đoạn khi chỉ vừa chớm phục hồi sau đại dịch COVID-19.

Biển Đỏ nối với Địa Trung Hải qua kênh đào Suez, hình thành nên tuyến vận tải biển ngắn nhất kết nối châu Âu và châu Á. Khoảng 15% lưu lượng vận tải biển của thế giới đi qua kênh đào này.

Lực lượng Houthi ở Yemen đã thừa nhận tiến hành một số vụ tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, cũng như các tàu thương mại hướng đến nước này đi qua Biển Đỏ kể từ khi xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas bùng phát hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Sau khi một số tàu bị tấn công, ngày càng nhiều tàu chở hàng quyết định neo đậu trên Biển Đỏ trong khi nhiều tàu khác tắt các hệ thống định vị, các nhà buôn điều chỉnh lịch trình và chi phí vận chuyển.

Theo giới phân tích những quyết định này được cho là sẽ gây tác động đối với hoạt động thương mại toàn cầu, mức độ tác động tùy thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn.

Cụ thể, nhiều hãng tàu biển lớn như Hapag Lloyd, MSC và Maersk hay các công ty dầu mỏ hàng đầu gồm BP và Frontline đều thông báo sẽ tránh di chuyển qua tuyến đường biển này, điều hướng lộ trình sang phía mũi Hảo Vọng ở miền Nam châu Phi.

Từ cuối tuần trước, Maersk Đan Mạch đã tạm dừng mọi hoạt động vận tải qua khu vực Biển Đỏ sau khi tàu Maersk Gibraltar của công ty suýt mất tích.

Rất nhiều tàu của Maersk đang neo đậu tại Biển Đỏ.

Ngày 19/12, công ty thông báo các tàu tạm dừng lịch trình và dự định qua vùng biển phía Nam Biển Đỏ và Vịnh Aden sẽ được điều hướng đi qua châu Phi.

Bên cạnh đó, theo dữ liệu của mạng giám sát LSEG, nhiều tàu vẫn tiếp tục đi qua tuyến đường biển này, trong đó một số tàu được các lực lượng vũ trang đi cùng hộ tống.

Ít nhất 11 tàu container đã đi qua kênh đào Suez và đang tiến tới Yemen chở theo hàng tiêu dùng và ngũ cốc hướng về các quốc gia gồm Singapore, Malaysia và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Để tránh bị phát hiện, ít nhất 4 tàu của MSC đã tắt thiết bị định vị khi ở vùng Biển Đỏ từ ngày 17/12 trong khi nhiều tàu khác tìm cách đổi địa điểm hiển thị trên hệ thống định vị.

Giới phân tích trong ngành nhận định tác động đối với thương mại toàn cầu còn phụ thuộc vào thời gian khủng hoảng tiếp diễn, nhưng phí bảo hiểm và việc phải điều chỉnh lộ trình dài hơn sẽ tác động trực tiếp.

Vortexa ước tính chi phí để một tàu cỡ lớn chở dầu thô đi qua kênh đào Suez (Suezmax) từ châu Âu tới Trung Đông đã tăng 25% trong 1 tuần.

Các nhà môi giới cho biết một số chủ tàu chở dầu đang bổ sung một điều khoản mới để bao gồm phương án đi qua Mũi Hảo Vọng trong hợp đồng vận chuyển như một biện pháp phòng ngừa.

Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công, Mỹ đã lập môt lực lượng quốc tế thực hiện các cuộc tuần tra trên vùng biển gần Yemen, nơi thường xảy ra các cuộc tấn công.

Trong khi đó, hãng Electrolux của Thụy Điển thông báo đã lập một đội chuyên trách giúp giảm tác động của các cuộc tấn công trên Biển Đỏ.

Các biện pháp được thực hiện bao gồm nhận diện những chuyến vận chuyển đặc biệt nhạy cảm về mặt thời gian và tìm lộ trình thay thế khi được yêu cầu.

Electrolux đã phối hợp với các công ty vận tải biển như Maersk và CMA để thực hiện những biện pháp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục