Các địa phương siết chặt phòng, chống COVID-19 sau Tết

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc cũng là lúc các địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống COVID-19, trong đó đặc biệt chú trọng cách ly, khoanh vùng, kiếm soát lượng người về từ vùng dịch.
Những y, bác sỹ trực đêm giao thừa trong khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)
Những y, bác sỹ trực đêm giao thừa trong khu cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến Trung tâm Y tế thành phố Điện Biên Phủ. (Ảnh: Xuân Tư/TTXVN)

Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc cũng là lúc các địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống COVID-19, trong đó đặc biệt chú trọng cách ly, khoanh vùng, kiếm soát lượng người về từ vùng dịch.

Điện Biên xử phạt nhiều trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 17/2, Ủy ban Nhân dân phường Nam Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã ra quyết định xử phạt hành chính hai công dân vì hành vi không đeo khẩu trang nơi công cộng trên địa bàn phường Nam Thanh.

Trước đó, vào ngày 10/2, khi di chuyển vào địa bàn phường Nam Thanh, hai công dân N. H. T. (sinh năm 1992, trú tại tổ 2, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ), Đ.N.T (sinh năm 1997, trú tại tổ 7, phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ) đã được chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng yêu cầu tuân thủ việc đeo khẩu trang để phòng chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, hai công dân này không chấp hành, có thái độ chống đối lực lượng chức năng.

Xét theo điểm a, khoản 1, Điều 12, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nam Thanh đã ra Quyết định xử phạt hành chính với mức 1 triệu đồng/công dân vi phạm, nộp phạt Kho bạc Nhà nước.

[COVID-19: Điện Biên siết chặt đường mòn, lối mở trên tuyến biên giới]

Hai công dân trên là các trường hợp đầu tiên trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ bị xử phạt hành chính vì không đeo khẩu trang nơi công cộng.

Việc xử phạt nhằm giáo dục, răn đe người dân trên địa bàn nâng cao ý thức thực hiện công tác phòng chống dịch COVID-19 theo đúng hướng dẫn, quy định của chính quyền địa phương và các ngành chức năng.

Trước đó, tối 16/2, lực lượng chức năng thành phố Điện Biên Phủ đã tiến hành kiểm tra, phát hiện quán Karaoke Q7, có địa chỉ tại 5, phường Mường Thanh vẫn ngang nhiên hoạt động bất chấp lệnh cấm.

Thời điểm kiểm tra, 2 phòng hát của quán đang hoạt động có khoảng 20 người. Hiện, lực lượng chức năng đang củng cố hồ sơ để có phương án xử phạt thích đáng với trường hợp vi phạm này.

Cũng trong tối 16/2, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã lập biên bản xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống Bốn Phương, tại tổ 4, phường Mường Thanh do không chấp hành quy định trong phòng chống dịch.

Đắk Lắk nâng cao năng lực phòng, chống dịch COVID-19

Chiều 17/2, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đoàn công tác của Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có buổi làm việc với ngành y tế tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo báo cáo tại buổi làm việc, trong đợt dịch lần này, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức cách ly hơn 4.900 trường hợp. Trong đó có 25 trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, 56 trường hợp cách ly tập trung, 4.830 trường hợp cách ly tại nhà và nơi cư trú.

Đặc biệt, tỉnh Gia Lai (địa bàn giáp ranh với Đắk Lắk) đã ghi nhận 27 trường hợp mắc COVID-19, vì vậy, tại các khu vực giáp ranh tỉnh Đắk Lắk đã lập 5 chốt kiểm soát để phòng, chống dịch. Đắk Lắk cũng gặp một số khó khăn cần tháo gỡ về hệ thống máy móc, hóa chất phục vụ xét nghiệm, kinh phí phục vụ phòng, chống dịch…

Phát biểu tại buổi làm việc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Bùi Văn Cường nhấn mạnh, tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, do đó ngành y tế và cả hệ thống chính trị tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm, cảnh giác cao độ, đặt mục tiêu không để dịch COVID-19 xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Ngành y tế cần tiếp tục hoàn thiện các kịch bản sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống, nhất là chủ động chuẩn bị chu đáo trong tình huống dịch xâm nhập và lây lan trên diện rộng.

Bên cạnh đó, ngành y tế cần chuẩn bị đầy đủ nguồn nhân lực tham gia “tuyến đầu” chống dịch, nâng cao năng lực của đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế và có kế hoạch tập huấn, huy động thêm nguồn lực từ đội ngũ cán bộ hưu trí và sinh viên ngành y để chủ động ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch.

Thời điểm sau Tết Nguyên đán nhu cầu đi lại của người dân tăng lên, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải cung cấp danh sách các điểm dừng đỗ của các tuyến xe khách đường dài trên địa bàn tỉnh cho Sở Y tế, cùng phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện kế hoạch giám sát, tăng cường lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập vào địa bàn tỉnh.

Hà Nam tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 17/2, Sở Y tế tỉnh Hà Nam tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam, tính đến ngày 16/2, toàn tỉnh Hà Nam có 15 trường hợp F1 của bệnh nhân COVID-19 đã được lấy mẫu, cách ly tập trung tại các cơ sở y tế.

Hiện, tất cả trường hợp F1 đều có kết quả âm tính với SARS-Cov-2; 203 trường hợp F2 đã được quản lý, theo dõi sức khỏe, cách ly y tế tại nhà; hơn 6.000 người về từ tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và các địa phương đang có dịch đã được quản lý và cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú. 63 người là chuyên gia, lao động người nước ngoài nhập cảnh vào tỉnh hiện đang cách ly tập trung phòng, chống dịch.

Các địa phương siết chặt phòng, chống COVID-19 sau Tết ảnh 1Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam Nguyễn Thanh Dương báo cáo công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN)

Các đơn vị trong ngành Y tế tỉnh Hà Nam thực hiện điều tra, truy vết, lấy mẫu các trường hợp có tiền sử dịch tễ từ Cẩm Giàng- Hải Dương về tỉnh; đến ngày 16/2 đã quản lý, hướng dẫn cách ly 83 trường hợp.

Bệnh nhân COVID-19 số 1522 đã được điều trị khỏi và ra viện trước Tết Nguyên đán. Ngành Y tế đã phối hợp với Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch lấy mẫu xét nghiệm SARS-Cov-2 cho hành khách, lái xe, phụ xe tại các điểm dừng đỗ, tuyến xe cố định, bến xe… theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh và Bộ Y tế.

Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận về những vấn đề cần tập trung trong công tác phòng, chống dịch vào thời điểm sau Tết Nguyên đán, đó là tập trung kiểm soát tốt an toàn phòng, chống dịch cho công nhân các khu công nghiệp trở lại làm việc, người từ các địa phương có dịch về địa phương; đảm bảo an toàn chống lây nhiễm trong các khu cách ly và cơ sở y tế; nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh tại các cơ sở thờ tự, điểm du lịch vào đầu xuân; xét nghiệm sàng lọc tất cả lái xe, phụ xe tuyến xe khách cố định trên địa bàn tỉnh...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch ngành y tế Hà Nam tiếp tục phối hợp với Ban chỉ đạo các cấp, sở, ban, ngành, đoàn thể thực hiện tốt các văn bản chỉ đạo của Trung ương về phòng chống dịch; phối hợp với Sở Giao thông vận tải tổ chức tốt hoạt động  xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hành khách, lái xe, phụ xe tại các điểm dừng đỗ; phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đảm bảo tốt công tác phòng, chống dịch trong các khu du lịch, khu tâm linh; đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp, cơ quan xí nghiệp…; điều tra dịch tễ, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, cơ sở vật chất, nhân lực để sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời…

Lào Cai tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19 sau Tết Nguyên đán

 Ngày 17/2, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 do Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai tổ chức, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong đã yêu cầu các cơ quan, địa phương, đơn vị ngoài các nhiệm vụ, công việc thực hiện theo kế hoạch, chương trình công tác đã đề ra, cần tiếp tục tăng cường, tập trung phòng chống dịch COVID-19.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai yêu cầu các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thời gian tới tiếp tục đảm bảo thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh.

Đặc biệt, ngành y tế Lào Cai cần đánh giá chính xác mức độ nguy cơ dịch bệnh tại địa bàn, diễn biến tình hình dịch tại địa phương nhằm tham mưu cho các cơ quan chức năng, các địa phương xem xét việc tiếp tục hoặc dừng các hoạt động lễ hội và học tập của học sinh trên địa bàn tỉnh.

Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trên địa bàn tỉnh Lào Cai được tổ chức trong không khí vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Các hoạt động văn hóa, thể thao, lễ hội truyền thống được tổ chức phù hợp, đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.

Các cấp, ngành đã quán triệt, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về công tác kiểm soát giá cả, đảm bảo cung cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn thị trường. An ninh chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Công tác thăm hỏi, tặng quà Tết các các gia đình chính sách, người có công, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng xã hội, các đơn vị trực tết, nhân dân trên địa bàn được thực hiện tốt, đảm bảo mọi nhà đều được vui Xuân đón Tết.

Tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân dịp Tết. Công tác bảo đảm phòng, chống dịch COVID-19 của các nhà xe thực hiện nghiêm túc, đầy đủ; không có vụ việc mất an toàn vận tải nào; không xảy ra tình trạng vận chuyển pháo nổ.

Trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, từ ngày 10 đến ngày 15/2, trên địa bàn tỉnh Lào Cai xảy ra 1 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm 2 người bị thương; giảm 2 vụ, giảm 2 người chết, số người bị thương bằng cùng kỳ so với Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong yêu cầu các các sở, ngành rà soát các nhiệm vụ, công việc đã đề ra trong "Chương trình công tác năm 2021" và "Chỉ thị về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021" của Ủy ban Nhân dân tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, chất lượng, hiệu quả. 

Các địa phương chủ động, tích cực phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, vật nuôi; bắt tay vào sản xuất vụ Xuân 2021 ngay sau Tết, đảm bảo khung thời vụ; tổ chức Tết trồng cây 2021 theo kế hoạch của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đảm bảo thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh trồng rừng ngay trong những ngày đầu năm khi thời tiết thuận lợi, chú ý đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa, vận động nhân dân trồng rừng, nhất là đối với trồng cây quế tại một số huyện có điều kiện thuận lợi; triển khai tốt công tác phòng, chống cháy, bảo vệ rừng; thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2021.

Các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn, đôn đốc tiến độ triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng về hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn; đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án chào mừng kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Lào Cai; chuẩn bị các điều kiện tổ chức hội nghị gặp gỡ, trao đổi với các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, chiến lược của tỉnh.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai lưu ý các sở, ban, ngành của tỉnh, Ủy ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh thực hiện việc phân cấp, đổi mới đối với các lĩnh vực kinh tế-xã hội góp phần khơi thông nguồn lực, khai thác tính chủ động, linh hoạt của cơ sở.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục