Các đòn bẩy chống lại lạm phát của Liên minh châu Âu

Ngân hàng Trung ương châu Âu kêu gọi các chính phủ, chịu trách nhiệm về chính sách tài khóa, cung cấp hỗ trợ "tạm thời và có mục tiêu" cho nền kinh tế, giữ cho nền tài chính công được bền vững.
Các đòn bẩy chống lại lạm phát của Liên minh châu Âu ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt am Main, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Lạm phát thế giới đang tăng không ngừng, tính đến nay đã là tháng tăng thứ bảy liên tiếp. Giá tiêu dùng tại 19 nước thành viên Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 6/2022 đã tăng 8,6%, đạt mức cao kỷ lục kể từ khi khối này bắt đầu công bố các chỉ số vào năm 1997.

Pháp ít chịu ảnh hưởng hơn các nước láng giềng châu Âu khi chỉ số lạm phát tại đây chỉ là 6,5%. Ngược lại, chỉ số này đạt đỉnh ở Estonia, Lithuania và Latvia, vượt mốc 20%.

Theo nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde tại một hội thảo mới đây ở Bồ Đào Nha, lạm phát có thể sẽ vẫn ở mức "rất cao trong một thời gian tới."

Vậy lạm phát bắt nguồn từ đâu và đâu là những công cụ để giảm tốc độ tăng giá? Để trả lời câu hỏi này, nhật báo Les Echos số ra mới đây đã đưa ra nhận định rõ ràng hơn về cơ chế của lạm phát, rủi ro và những công cụ mà các chính phủ và thiết chế trong Eurozone có thể dùng để ứng phó với chúng.

Nguồn gốc gây ra lạm phát?

Việc chấm dứt dần các quy định hạn chế liên quan đến dịch bệnh đã phần nào khiến tiêu dùng hộ gia đình tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế đã bị cản lại vài tháng sau đó bởi chính sách “Không COVID-19” (Zero COVID) tại Trung Quốc, gây gián đoạn toàn bộ chuỗi cung ứng.

Tiếp đó từ cuối tháng 2/2022, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga đối với Ukraine đã gây thêm áp lực lên thị trường hàng hóa vốn đã căng thẳng. Sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga đã khiến châu Âu phải gánh chịu hậu quả tất yếu, khi giá năng lượng là mặt hàng tăng mạnh nhất (33,1%) trong hơn một năm vào tháng 6/2022 tại Eurozone. Giá lương thực, thực phẩm cũng tăng ở mức 5,7%.

[EU công bố kế hoạch phát hành trái phiếu trị giá 50 tỷ euro]

"Sau cú sốc đứt gẫy nguồn cung từ châu Á vào năm 2020 do đại dịch COVID-19, sự chuyển dịch từ nhu cầu dịch vụ sang nhu cầu hàng hóa vào năm 2021 đã gây ra một cú sốc khác. Thay vì chứng kiến điều này dần qua đi, xung đột Nga-Ukraine đã khiến giá nhiên liệu và lương thực tăng vọt" - Richard Baldwin, Giáo sư tại Viện sau đại học ở Geneva, đã giải thích cụ thể.

Trong khi đó, sự bùng nổ của các hoạt động du lịch và giải trí cũng thúc đẩy lạm phát, khi chi tiêu các hộ gia đình cho lĩnh vực dịch vụ đã tăng lên sau khi các quy định hạn chế liên quan đến dịch bệnh được dỡ bỏ. Do đó, lạm phát giá dịch vụ cũng đã lên tới 3,5% trong tháng 5/2022.

Liệu EU có nguy cơ rơi vào vòng xoáy giá cả-tiền lương?

Giá năng lượng và lương thực tăng vọt có thể tạo ra một vòng luẩn quẩn. Điều này sẽ làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát trong dài hạn. Để bù đắp cho sự tăng giá, nhu cầu về tiền lương đang ngày càng trở nên khẩn thiết hơn, có nguy cơ thúc đẩy lạm phát.

Một nguy cơ khác quan trọng hơn cả là tỷ lệ thất nghiệp thấp. Điều này khiến công tác tuyển dụng trở nên khó khăn hơn, đồng thời tạo cơ hội đòi tăng lương đối với người lao động. Vào tháng 5/2022, tỷ lệ thất nghiệp ở Eurozone đã đạt mức thấp kỷ lục mới, ở mức 6,6% dân số lao động.

Trong bối cảnh này, tỷ lệ tăng lương của các giám đốc điều hành trong năm 2022 sẽ đạt "mức cao trong lịch sử" ở Pháp.

Đâu là các biện pháp chống lạm phát?

ECB sẽ hành động "chừng nào thấy cần thiết," bà Christine Lagarde khẳng định tại hội thảo mới đây ở Bồ Đào Nha, nơi các chủ ngân hàng và chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng thế giới sẽ cần nhiều thời gian để giảm lạm phát.

Các ngân hàng trung ương, thông qua chính sách tiền tệ, khó có thể hành động để hạn chế lạm phát trong ngắn hạn một khi tiến trình này đã bắt đầu. Tuy nhiên, họ có thể cố gắng trong trung hạn để hạ lạm phát xuống mức 2%, như mục tiêu đã ấn định.

Để đạt được điều đó, ECB đã lên kế hoạch tăng lãi suất cơ bản từ tháng Bảy lần đầu tiên sau 11 năm. Đây là một hành động nhằm tạo ra sự cân bằng, bởi vì việc thắt chặt tiền tệ không được kiềm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn đang có xu hướng chậm lại và có nguy cơ gây ra tình trạng lạm phát đình đốn.

Về dài hạn, các yếu tố bên ngoài cũng có thể cung cấp các giải pháp về mặt cơ cấu cho lạm phát do giá năng lượng tăng cao, chẳng hạn như hành động chống sốc đối với nguyên liệu thô.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu kêu gọi các chính phủ, chịu trách nhiệm về chính sách tài khóa, cung cấp hỗ trợ "tạm thời và có mục tiêu" cho nền kinh tế, đồng thời vẫn giữ cho nền tài chính công được "bền vững" để duy trì tăng trưởng tích cực.

Biện pháp nào được triển khai tại Pháp?

Ưu tiên việc không tăng thuế, Chính phủ Pháp đã kêu gọi các công ty giảm tác động của lạm phát đối với các hộ gia đình. Các tập đoàn vận tải có lợi nhuận lớn như CMA CGM đã công bố giá container của họ tại Pháp giảm từ 10 đến 20%, tương đương 500 euro cho mỗi container đối với hàng nhập khẩu từ các khách hàng bán lẻ lớn của họ.

"Một số công ty đã thu được lợi nhuận đáng kể trong thời kỳ khủng hoảng. Tôi đã yêu cầu họ đưa ra ra đề xuất về những gói đóng góp lớn, để họ có thể trực tiếp trả lại một phần lợi nhuận cho người Pháp" - Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cho biết.

Vào giữa tháng 3/2022, chính phủ đã kêu gọi các nhà phân phối và sản xuất thực phẩm ngồi lại với nhau để xem xét các hợp đồng định giá một số sản phẩm được bán trong siêu thị.

Cuối cùng, cơ quan hành pháp đang cố gắng duy trì sức mua hộ gia đình để hạn chế nguy cơ xảy ra vòng xoáy lạm phát. Đó là nội dung trong dự luật về sức mua, sẽ được đưa ra thảo luận từ ngày 25/7 tới tại Quốc hội, trong đó đặc biệt quy định "viện trợ lương thực khẩn cấp" 100 euro cho mỗi hộ gia đình và 50 euro cho mỗi trẻ em.

Dự luật tài chính sửa đổi, sẽ được biểu quyết vào mùa Hè này tại Quốc hội, cũng quy định mức trần đối với việc tăng giá thuê nhà ở mức 3,5% để bảo vệ cả người thuê nhà và khả năng đầu tư của chủ sở hữu.

Ngoài ra, các biện pháp khác cũng đã được triển khai như giảm giá nhiên liệu hoặc tăng trợ cấp thất nghiệp, ấn định mức tăng giá trần...

Giải pháp của các nước thành viên EU khác là gì?

Pháp và Đức đã lựa chọn phương án hỗ trợ sức mua. Ngoài việc giảm thuế đối với giá nhiên liệu, hai nước cũng cung cấp quyền sử dụng phương tiện giao thông công cộng không giới hạn với mức phí 9 euro mỗi tháng.

Về phần mình, Italy và Vương quốc Anh đã tài trợ cho các chương trình trợ cấp của họ thông qua mức thuế 25% trên lợi nhuận của các nhà cung cấp năng lượng.

Tây Ban Nha đã tăng thu nhập tối thiểu thêm 15%, triển khai trợ cấp trực tiếp cho các hộ gia đình với tổng số tiền là 6 tỷ euro và 10 tỷ euro dưới hình thức cho vay với lãi suất giảm./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục