Theo báo cáo do Cơ quan Phòng chống tội phạm và ma túy Liên hợp quốc (UNODC) công bố ngày 22/6, trong năm 2015, có tới 250 triệu người sử dụng ma túy, khoảng 29,5 triệu người - chiếm khoảng 0,6% số người trưởng thành trên thế giới - bị mắc chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện.
Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo về tình trạng lạm dụng ma túy trên thế giới năm 2017 cho biết thuốc phiện là dạng ma túy gây hại nhất và là thủ phạm gây 70% tác động tiêu cực đi kèm với chứng chứng rối loạn sử dụng chất gây nghiện trên toàn cầu.
Trong tuyên bố công bố báo cáo, Giám đốc Điều hành UNODC Yury Fedotov nói: "Thế giới cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đối phó với những tác động có hại mà ma túy gây ra cho sức khỏe, sự phát triển, hòa bình và an ninh, tại mọi khu vực trên thế giới.
[Colombia thu giữ một tấn cocain đang trên đường tới châu Âu]
Nhân dấu mốc 20 năm UNODC công bố báo cáo thường niên về tình trạng lạm dụng ma túy trên thế giới, văn kiện năm nay đưa ra cái nhìn tổng thể trên toàn cầu về nguồn "cung và cầu" đối với thuốc phiện, cocain, cần sa, các chất gây nghiện cũng như những tác động của chúng đối với sức khỏe. Báo cáo mới cho thấy sản lượng thuốc phiện đang gia tăng và thị trường cocain đang "phát đạt." Trong năm 2016, sản lượng thuốc phiện trên toàn cầu tăng hơn 30% so với năm 2015 và chủ yếu là do những vụ mùa thuốc phiện "bội thu" ở Afghanistan.
Báo cáo cũng nhấn mạnh đến việc thị trường ma túy ngày càng đa dạng, trong khi các hình thức buôn bán và tàng trữ trái phép chất ma túy và tội phạm có tổ chức đang có những "biến dạng" nguy hiểm. Năm 2014, hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy tạo ra tới 1/3 thu nhập cho các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Các phương tiện thông tin di động tạo ra những cơ hội mới cho những kẻ tội phạm, trong khi "mạng lưới đen" cho phép người sử dụng giấu tên dùng tiền ảo để mua ma túy. Mặc dù hoạt động buôn bán trái phép chất ma túy qua mạng lưới đen này vẫn nhỏ, song số vụ giao dịch ma túy đã tăng mỗi năm khoảng 50% trong khoảng thời gian từ tháng 9/2013 đến tháng 1/2016.
Báo cáo lưu ý mặc dù không phải tất cả các nhóm khủng bố đều phụ thuộc vào lợi nhuận từ ma túy, song một số tổ chức đang dựa vào nguồn thu này. Cụ thể nếu Taliban không buôn bán và gia tăng sản lượng ma túy - vốn chiếm tới gần một nửa thu nhập hàng năm, thì tổ chức cực đoan này đã không thể "vươn tầm hoạt động" như ngày nay. Có tới 85% sản lượng thuốc phiện tại Afghanistan được trồng tại vùng lãnh thổ nắm dưới sự kiểm soát của Taliban./.