Các hộ sản xuất nhỏ khó thực hiện theo VietGAP

Theo các đại biểu dự hội thảo luật an toàn thực phẩm, các hộ sản xuất quy mô nhỏ khó tiếp cận và thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ngày 18/8, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển hệ thống nông nghiệp (CASRAD) và Tổ chức phát triển nông nghiệp bền vững VECO Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo “Luật An toàn thực phẩm: Cơ hội và thách thức đối với các hộ quy mô nhỏ sản xuất nông sản tươi sống.”

Hội thảo nhằm xác định các khoảng trống trong chính sách cần tác động và khó khăn của các hộ sản xuất nông sản tươi sống; các kiến nghị tổng thể để Luật An toàn thực phẩm có thể thực thi trong điều kiện của hộ quy mô nhỏ; đồng thời đưa ra ý tưởng về mạng lưới, cơ chế hợp tác giữa các tổ chức quan tâm tới chính sách an toàn thực phẩm.

Việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), hoặc các quy trình tiên tiến khác là hướng đi đúng và được các cơ quan quản lý khuyến khích đối với các hộ sản xuất và doanh nghiệp. Nhưng hiện tại việc áp dụng VietGAP còn nhiều khó khăn, vốn đầu tư cơ sở hạ tầng và chi phí làm chứng nhận VietGAP lớn, trong khi thời điểm này VietGAP cũng mới là tiêu chuẩn tự nguyện nên chưa nhận được sự quan tâm nhiều từ nhà sản xuất, nhà phân phối và người tiêu dùng.

Một số ý kiến cho rằng, các hộ sản xuất quy mô nhỏ khó tiếp cận và thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP, vì vậy cần có cơ chế hỗ trợ trước mắt như đưa chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn thành tiêu chuẩn bắt buộc; thúc đẩy sự tham gia giám sát của người tiêu dùng nhằm tạo mối liên kết, tăng ý thức của đơn vị sản xuất áp dụng VietGAP và trách nhiệm của tổ chức chứng nhận.

Vấn đề quan trọng khác là xã hội hóa công tác đào tạo người sản xuất, kinh doanh và đẩy mạnh tuyên truyền quyền lợi và cách thức tham gia quản lý chất lượng cho người tiêu dùng; tư vấn hỗ trợ xây dựng và vận hành các tổ chức nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội) nhằm chia sẻ kinh phí và thực hiện quản lý chất lượng.

Ông Đào Thế Anh, Giám đốc CASRAD, cho biết sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu là các hộ quy mô nhỏ, đặc biệt là đối với rau, sản phẩm khó quản lý nhất về chất lượng an toàn thực phẩm hiện nay. Có tới 70% số hộ sản xuất rau ở ven đô có quy mô dưới 1.000 m2, nhưng lượng rau cung ứng từ đây chiếm hơn 45% tổng lượng rau lưu thông ở các đô thị.

Theo ông Đào Thế Anh, Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực từ 1/7/2011 đem tới cơ hội cạnh tranh, khẳng định tính chuyên môn hóa cho các hộ sản xuất rau quy mô nhỏ, nhưng cũng có thách thức lớn là phải đối mặt với việc đầu tư và đào tạo nhân lực cao, trong khi người tiêu dùng lại chưa tiếp cận nhiều với các sản phẩm rau sạch./.

Hoàng Tùng (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục