Ngày 14/9, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53, các hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các đối tác Hoa Kỳ, Hong Kong (Trung Quốc), Ấn Độ, Liên minh châu Âu và Liên bang Nga đã lần lượt diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN và Bộ trưởng Kinh tế của các nước đối tác.
Đoàn Việt Nam tham dự các Hội nghị gồm đại diện các Bộ: Công Thương, Ngoại giao, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên dẫn đầu.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã thảo luận về hợp tác kinh tế ASEAN-Hoa Kỳ xung quanh việc ứng phó dịch COVID-19 trong khu vực và phương hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Hoa Kỳ.
[ASEAN cùng đối tác nỗ lực thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch]
Việt Nam và các nước ASEAN cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ đã viện trợ vaccine COVID-19 và các hỗ trợ phòng chống dịch quan trọng khác, đồng thời hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với tổng giá trị giao dịch hàng hóa giữa ASEAN và Hoa Kỳ đạt 309 tỷ USD trong năm 2020, tăng trưởng 4,6% so với năm 2019.
Hội nghị cũng ghi nhận những tiến triển quan trọng trong quá trình triển khai Thỏa thuận Khung về Thương mại và Đầu tư giai đoạn 2019-2020 giữa ASEAN và Hoa Kỳ (TIFA) và Kế hoạch Hành động thực hiện “Sáng kiến Hợp tác Thương mại mở rộng” (E3) trong giai đoạn 2020-2021.
Cùng với đó, thông qua kế hoạch triển khai Thỏa thuận TIFA và Sáng kiến E3 trong giai đoạn 2021-2022, tập trung vào một số lĩnh vực như thương mại điện tử; minh bạch và thực tiễn tốt; cơ chế một cửa ASEAN; thuận lợi hóa thương mại; phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; nông nghiệp; thương mại và môi trường...
Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng đánh giá cao hỗ trợ của Hoa Kỳ đối với các hoạt động trong khuôn khổ “Sáng kiến Kết nối ASEAN-Hoa Kỳ” và chương trình “Tăng trưởng trong ASEAN thông qua sáng tạo, thương mại và thương mại điện tử.”
Liên quan đến hợp tác kinh tế ASEAN-Hong Kong (Trung Quốc), các Bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất phê duyệt Hiệp định Thương mại Tự do và Hiệp định Đầu tư giữa ASEAN và Hong Kong của tất cả các nước và chỉ đạo các nhóm công tác sớm thống nhất những vấn đề còn tồn đọng liên quan đến quy tắc xuất xứ và đầu tư trong hiệp định.
Đặc biệt, Hong Kong (Trung Quốc) bày tỏ mong muốn gia nhập Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) mà ASEAN đã cùng các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và Trung Quốc ký kết ngày 15 tháng 11 năm 2020 để tham gia hội nhập với khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số này.
Về hợp tác kinh tế ASEAN-Ấn Độ, các Bộ trưởng hoan nghênh việc tất cả các nước đã hoàn tất phê duyệt Hiệp định Đầu tư ASEAN-Ấn Độ và ghi nhận tiến độ thảo luận về phạm vi rà soát nhằm nâng cấp Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN-Ấn Độ (AITIGA), hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi thương mại hơn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, với hợp tác kinh tế ASEAN-Liên minh châu Âu (EU), các Bộ trưởng khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai khu vực, chia sẻ lợi ích, tiềm năng và thế mạnh hợp tác.
Bởi EU là nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN với tổng số vốn 7,6 tỷ USD và là đối tác thương mại quan trọng của ASEAN với tổng kim ngạch đạt 258 tỷ USD trong năm 2020.
Bên cạnh đó, các Bộ trưởng đánh giá cao hỗ trợ của EU cho Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thông qua nhiều chương trình và sáng kiến trong khuôn khổ Chương trình Hỗ trợ hội nhập ASEAN (ARISE Plus) và Công cụ Đối thoại Khu vực EU-ASEAN tăng cường (E-READI).
Ngoài ra, hội nghị cũng thông qua Chương trình Công tác Đầu tư và Thương mại ASEAN-EU giai đoạn 2020-2021 và ghi nhận tiến trình xây dựng dự thảo Khung Hiệp định Thương mại và Đầu tư dự kiến giữa ASEAN và EU, đồng thời chỉ đạo các Quan chức Kinh tế cấp cao hai bên tiếp tục thảo luận nhằm sớm thống nhất dự thảo để hai bên có thể triển khai đàm phán Hiệp định.
Là nước điều phối quan hệ hợp tác ASEAN-EU, Việt Nam đã đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy thảo luận giữa ASEAN và EU về việc xây dựng định hướng đàm phán Hiệp định Thương mại và Đầu tư giữa hai bên.
Riêng về hợp tác kinh tế ASEAN-Liên bang Nga, các Bộ trưởng hoan nghênh việc hoàn tất Chương trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2017-2020.
Nhân kỷ niệm 25 năm ASEAN và Liên bang Nga thiết lập quan hệ Đối tác Đối thoại, hai bên nhất trí thông qua Lộ trình Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga sửa đổi và Chương trình làm việc Hợp tác Thương mại và Đầu tư ASEAN-Nga giai đoạn 2021-2025.
Cụ thể, mục tiêu phát triển của giai đoạn này là hợp tác trong các lĩnh vực kinh doanh và công nghiệp; doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; khoa học, công nghệ và đổi mới; sở hữu trí tuệ; biến đổi khí hậu; năng lượng; vận tải; nông ngư nghiệp; du lịch; hợp tác văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe; đồng thời tập trung vào các dự án về phát triển bền vững và kinh tế số.
Cũng tại các hội nghị, Bộ trưởng các nước đã dành thời gian trao đổi với đại diện các Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Hoa Kỳ, Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ, Hội đồng Kinh doanh ASEAN-EU và Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Liên bang Nga để nắm bắt các khuyến nghị của khu vực tư nhân trong việc thúc đẩy hợp tác, tạo thuận lợi hơn cho hoạt động kinh doanh, đầu tư thương mại của doanh nghiệp các nước trong khu vực./.