Đón Tết... "đạm bạc"

Các nhà đầu tư chứng khoán đón Tết... "đạm bạc"

Đến sàn chứng khoán những ngày giáp Tết, dễ dàng bắt gặp hình ảnh nhà đầu tư bồn chồn, lo lắng khi giá trị cổ phiếu giảm từng ngày.
Xuân Canh Dần đang tới gần, trong lúc nhiều công ty chứng khoán hoan hỉ với những kết quả kinh doanh sau một năm vượt qua sự mong đợi thì phần lớn thượng đế của họ (các nhà đầu tư chứng khoán-PV) lại chuẩn bị đón một cái Tết khá đạm bạc.

Đợt VN-Index hồi phục bất ngờ tới cả 100 điểm, từ ngưỡng 434 điểm (phiên 17/12) lên ngưỡng 533 điểm (phiên 7/1) khiến hàng loạt nhà đầu tư bị mắc cạn vào đỉnh "con sóng" ngắn. Bán ra cũng dở mà giữ lại không xong khi mà không ít người đã vướng vào đòn bẩy.

Chỉ hơn 10 phiên kế tiếp sau đó, VN-Index trượt dài về đáy 477 điểm (phiên 22/1) và tiếp tục dao động biên độ hẹp theo hình răng cưa cho tới những phiên giao dịch của đầu tháng 2 này.

Thành công là thiểu số

Một vài nhà đầu tư khi được phỏng vấn khẳng định vẫn duy trì thành quả đạt được. Anh Nguyễn Anh Hoàn, một chuyên gia tài chính hoạt động đầu tư chứng khoán theo nhóm, cho biết tính đến thời điểm này cá nhân anh đảm bảo lợi nhuận 300% so với hồi đầu năm. Tết năm nay, anh Hoàn đã kịp sắm cho mình một căn nhà ở khu trung tâm tại Hà Nội.

“Tôi cho rằng, những nhà đầu tư bám sàn hoạt động từ đầu năm đến nay vẫn có thể có lãi, vấn đề chỉ là nhiều hay ít. Bởi trong năm có rất nhiều sóng và ngay tại thời điểm đầu tháng 1, VN-Index cũng đã có một đợt tăng "nóng", tới 20%,” anh Hoàn nói.

Anh Trần Trí Dũng thực hiện đầu tư chứng khoán theo xu hướng thị trường, cũng đã có một năm may mắn. Thời điểm giữa năm 2009, thấy đà tăng của VN-Index tương đối rõ anh đã tham gia vào thị trường chứng khoán. Tới cuối tháng 10, thị trường xuất hiện những biến động phức tạp, anh rút  vốn và kịp kiếm được một khoản lợi nhuận tương đương 50% số vốn ban đầu. Vì vậy bước  sang năm mới, anh quyết định tự “lì xì" cho tổ ấm của mình một quyển sổ tiết kiệm có giá trị kha khá.

Tuy nhiên, thực tế, các nhà đầu tư đạt được kết quả như anh Hoàn hay anh Dũng không có nhiều. Đến các sàn chứng khoán vào những ngày giáp Tết, dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nhà đầu tư trong tâm trạng bồn chồn, lo lắng khi mà giá trị cổ phiếu của họ bị giảm dần theo từng ngày.

Đòn bẩy đánh gục nhà đầu tư

Ông Lê Trọng, một nhà đầu tư chuyên nghiệp, buồn bã tâm sự: “tôi luôn kiểm soát hoạt động đầu tư chứng khoán đảm bảo không tác động đến cuộc sống gia đình. Chứng khoán lên hay xuống cũng không ảnh hưởng đến hoạt động vui chơi Tết của con cái. Song đối với bản thân, năm Kỷ Sửu là một năm quá thất vọng.”

Doanh số giao dịch (mua-bán) của nhà đầu tư này năm vừa qua lên tới 1.000 tỷ đồng, riêng phí giao dịch nộp trên 2 tỷ đồng chưa kể chi phí ứng vay. Thế nhưng, hiện tại số lãi kiếm được trong năm của ông Trọng đã hết và còn thâm vào vốn khoảng 10-15%.

Cũng theo ông Trọng, số thiệt hại của ông còn là ít nếu đem so với các nhà đầu tư trên cùng sàn giao dịch. Nhiều người có mức lỗ tới 50% so với số vốn bỏ ra ban đầu.

Cụ thể, anh Trí Dũng chỉ ra một trường hợp bạn mình, với tổng số vốn 20 tỷ đồng, tính tới quãng thời gian tháng 2/2010 tổng giá trị chứng khoán trong tài khoản của người này còn khoảng 10 tỷ đồng cộng với số tiền mặt đang giữ vẻn vẹn 200 triệu đồng!

Nhà đầu tư Nguyễn Anh Tuấn ngần ngại nói, “càng đầu tư dài hạn càng mất, khoảng tháng 11, tôi đã sử dụng đòn bảy vay tín dụng tại sàn SSI khoảng 300% để mua chứng khoán. Sang tháng 12 nghe thông tin thị trường chuẩn bị cho phép giao dịch T+2 (thời gian được phép giao dịch sau khi khớp lệnh-PV), đồng thời các công ty chứng khoán hô hào thị trường lên, tôi tiếp tục đầu tư, và kết quả là đã bị lỗ rất nặng.”

Theo ông Lê Trọng, một trong những nguyên nhân tạo ra những tổn thất nặng nề cho nhà đầu tư là họ đã sử dụng đòn bẩy tín dụng với tỷ lệ quá cao. Ngay bản thân ông cũng thường xuyên sử dụng đòn bẩy tới vài trăm phần trăm, khi thị trường xuống, áp lực cắt lỗ đã tạo ra những rủi ro nghiêm trọng không thể tránh khỏi.

Một nhà đầu tư khác là anh Lê Trần Tường Văn lại thở phào, chia sẻ: “Chúng tôi đầu tư tại sàn chứng khoán FPT nhưng không được hỗ trợ đòn bẩy, hóa ra lại hay, vì khoản thiệt hại cũng không quá lớn. Năm rồi, tôi thu được khoản lợi nhuận bằng mức lãi tiết kiệm/năm và vẫn có thể sắm bộ dàn máy nghe nhạc ‘xịn’ và vài cây cảnh quý tặng bố mẹ nhân ngày Tết”./.

Hạnh Nguyễn (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục