Các nhà máy đường Mỹ đối mặt với nguy cơ vỡ nợ

Do giá đường thấp nên nhiều nhà máy đường ở Mỹ đã phải nhượng lại số đường mà họ đã dùng để làm tài sản thế chấp cho Chính phủ.
Nhiều nhà máy đường ở Mỹ đang phải đối mặt với nguy cơ vỡ nợ do một chương trình tín dụng được Chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Tình trạng này có thể sẽ đẩy chi phí trợ cấp cho ngành đường của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) lên tới 280 triệu USD, cao nhất kể từ năm 2000.

Hãng tin Reuters dẫn thông báo từ Công ty Đường American Crystal cho biết đến cuối tháng 9/2013, họ không thể trả được 46,6 triệu USD tiền vay, chiếm khoảng 50% trong tổng số tiền mà họ đã vay theo chương trình trên.

Ông Kevin Price, Giám đốc phụ trách quan hệ với Chính phủ của Công ty Đường American Crystal, nói: “Quyết định bỏ số đường (đã bị tịch thu) không bao giờ là một quyết định dễ dàng. Nó luôn phản ánh thị trường tại thời điểm đó và thị trường hiện rất yếu.”

USDA cho biết giá đường ở Mỹ đã giảm hơn 30% trong năm ngoái do các vụ mía đường bội thu ở khắp nơi trên thế giới. Bên cạnh đó, những người trồng mía ở Mỹ cũng đổ lỗi cho một khối lượng lớn đường nhập khẩu từ nước láng giềng Mexico.

Do giá đường đứng ở mức thấp nên nhiều nhà máy đường ở Mỹ đã phải nhượng lại số đường mà họ đã dùng để làm tài sản thế chấp cho Chính phủ thay vì trả số tiền vay theo chương trình trợ giá.

Theo Reuters, gần 382.000 tấn sản phẩm của các nhà máy đường có thể bị tịch thu trong hai tháng cuối của tài khóa 2013 bất chấp những nỗ lực không biết mệt mỏi của USDA nhằm giảm bớt tình trạng dư cung đường và tăng giá các hợp đồng tương lai. Nhiều khả năng tình trạng dư cung đường sẽ tiếp tục tồn tại trong nhiều tháng tới.

Reuters dẫn lời chuyên gia Sterling Smith của tập đoàn Citigroup ở Chicago cho rằng tình trạng dư cung “vẫn sẽ là một vấn đề đối với thị trường đường của Mỹ. Điều này sẽ khiến một khối lượng lớn đường rơi vào tay của USDA”.

Trong bối cảnh các nhà máy đường đang gặp khó khăn, các nhà phân tích ước tính chương trình trợ cấp cho ngành đường của USDA sẽ tiêu tốn 280 triệu USD trong năm 2013, cao nhất kể từ năm 2000.

Do vậy, theo Reuters, hai nhà phân tích cho rằng USDA có thể sẽ hành động một cách quyết liệt để giảm lượng đường dư thừa. Chính phủ có thể sẽ bán đường cho các nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol và đổi chúng để lấy các hạn ngạch tái xuất như một cách để giảm lượng cung đường.

Trong nỗ lực giảm tình trạng dư cung, USDA lần đầu tiên đã sử dụng Chương trình linh hoạt nguyên liệu cấp cho các nhà máy để chế biến (FFP) để bán số đường dư thừa ở mức giá thấp cho các nhà máy sản xuất ethanol. Chương trình đổi đường lấy ethanol đã giúp giảm hơn 143.000 tấn đường trên thị trường./.

TT (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục