Số lượng các nhóm cực đoan tăng mạnh tại Mỹ trong năm 2015, trong bối cảnh bạo lực xuất phát từ khác biệt hệ tư tưởng và các phát ngôn chính trị gây tranh cãi tạo môi trường lý tưởng cho các đối tượng cực đoan.
Theo số liệu công bố ngày 17/2 của Trung tâm Nghiên cứu luật người nghèo miền Nam của Mỹ (SPLC), số lượng các "nhóm thù ghét" đã tăng lên tới 892 nhóm trong năm 2015, so với 784 nhóm thống kê được một năm trước đó, chủ yếu do các căng thẳng liên quan tới những vấn đề như hôn nhân đồng tính, người di cư và chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo.
SPLC cũng báo cáo về sự gia tăng các lực lượng vũ trang dân sự, từ 874 nhóm trong năm 2014 lên 998 nhóm trong năm 2015, một phần là phản ứng đối với chính sách thắt chặt kiểm soát súng đạn của Chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Trong khi đó, các nhóm người da màu bài người Do Thái và người da trắng cũng tăng lên tới 180 nhóm trong năm ngoái, so với con số 113 của năm trước đó.
Tuy nhiên, các nhóm chủ nghĩa phátxít mới (neo-Nazi) lại suy yếu do khó khăn tài chính và tranh giành ghế lãnh đạo.
Trả lời báo giới, các nhóm ủng hộ người da trắng cho biết họ được "khuyến khích" từ thành công của ông trùm bất động sản Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Nhân vật này trước đó đã có các phát ngôn gây tranh cãi như tuyên bố sẽ cấm tất cả những người tị nạn Hồi giáo đặt chân vào đất Mỹ.
Bên cạnh đó, vụ thảm sát tại San Bernardino, bang California, hồi tháng 12/2015 do 2 kẻ ủng hộ lực lượng "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng làm 14 người thiệt mạng cũng "tiếp lửa" cho làn sóng công kích và bạo lực nhằm vào bộ phận người Hồi giáo tại Mỹ.
Theo tổng hợp nhiều thống kê, năm 2015, nước Mỹ chứng kiến làn sóng bạo lực trong nước chạm một đỉnh cao mới.
Có ít nhất 52 người thiệt mạng do cực đoan bạo lực trong nước, con số cao nhất từ vụ đánh bom năm 1995 tại Oklahoma City làm 168 người chết./.