Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 33 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Singapore từ ngày 13/11 được xem là dấu ấn cuối cùng của Singapore trên cương vị Chủ tịch ASEAN trong năm 2018.
Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo ASEAN đánh giá những thành tựu mà khối đã đạt được trong việc đẩy mạnh tính tự cường và sáng tạo ở thời đại Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, cũng như thảo luận về biện pháp đưa ASEAN tiến lên phía trước trong bối cảnh có sự biến động về địa chính trị và kinh tế.
Chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN tự cường và sáng tạo," tập trung vào tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đề ra các giải pháp kịp thời, sáng tạo, ứng phó hiệu quả với các thách thức, đặc biệt là các thách thức phi truyền thống như biến đổi khí hậu hay an ninh và bảo mật trên trang mạng, đồng thời đẩy mạnh tự cường cả trong các nội dung chính trị-an ninh lẫn hợp tác kinh tế-thương mại nhằm thúc đẩy tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Trên cơ sở đó, các nước ASEAN đã nhất trí thực hiện tầm nhìn về một ASEAN sáng tạo và linh hoạt, nâng cao khả năng phục hồi và tự cường để xây dựng một cộng đồng ASEAN kết nối.
Có thể kể tới 2 sáng kiến trọng tâm mà ASEAN đang từng bước triển khai để hiện hóa tầm nhìn về một khu vực kết nối tự cường và sáng tạo, là thành lập Mạng lưới các thành phố ASEAN thông minh và tăng cường hợp tác về an ninh mạng.
Đây cũng là 2 sáng kiến có ý nghĩa quan trọng khi ASEAN đang đứng trước hai xu thế lớn của thời đại là tiến trình đô thị hóa và số hóa.
Đến năm 2030, dự kiến sẽ có thêm 90 triệu người trong khu vực sống ở các đô thị, trong đó, các thành phố cỡ vừa (từ 200.000 đến 2 triệu dân), đóng góp khoảng 40% tăng trưởng của khu vực.
Tiến trình đô thị hóa sẽ mang lại nhiều cơ hội cuộc sống và việc làm, song cũng sẽ làm trầm trọng thêm các thách thức như nạn kẹt xe, chất lượng nước, không khí, khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, vấn đề an ninh, an toàn cho người dân.
[Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp ASEAN hội nhập, xây dựng ngày mai]
Để đáp ứng xu thế phát triển và giảm thiểu được các tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa, các nước thành viên đã thống nhất Kế hoạch hành động xây dựng 26 thành phố thông minh ASEAN, cũng như danh mục các dự án kêu gọi hợp tác, hỗ trợ trong việc xây dựng các thành phố thông minh của khối.
Việt Nam có 3 thành phố tham gia là thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng.
Kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập niên tới của Thái Lan; giới thiệu thanh toán không dùng tiền mặt và đưa vào ứng dụng các thiết bị hoặc hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020 tại Việt Nam; 10 thành phố thí điểm tại Indonesia áp dụng thẻ thông minh trong việc cung cấp các hỗ trợ và các dịch vụ xã hội tích hợp; Kuala Lumpur ký thỏa thuận với dịch vụ đám mây của Alibaba để sử dụng dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo cho hệ thống cơ sở hạ tầng máy tính đám mây của quốc gia này, từ đó hỗ trợ hệ thống giao thông, quy hoạch thành phố... là những dự án điển hình đang được các nước ASEAN triển khai.
Giám đốc Toàn cầu phụ trách mảng kỹ thuật số của ngân hàng HSBC Danielle Walsh, đánh giá cách tiếp cận về mạng lưới thành phố thông minh của Đông Nam Á là một ý tưởng mang tính dẫn đầu trên toàn cầu.
Các sáng kiến này của ASEAN sẽ có sức mạnh tổng hợp và là đòn bẩy giúp đưa khu vực tiến những bước xa hơn trong những tiến bộ liên quan đến thành phố thông minh trên toàn cầu.
ASEAN đang trên đà chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện và công nghệ hứa hẹn mang đến một cách sống mới, trải nghiệm tốt hơn cho các công dân cũng như cơ hội kinh doanh tiềm năng to lớn.
Trong khi đó, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số đang định hình lại phương thức người dân sinh sống và làm việc trong khu vực. Với dân số trẻ, khoảng 40% dưới 30 tuổi, người dân ASEAN hầu hết quen thuộc với lĩnh vực kỹ thuật số và kết nối với hệ sinh thái kỹ thuật số khu vực bằng nhiều phương tiện.
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng an ninh kém, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ số cùng vị trí chiến lược của khu vực Đông Nam Á khiến khu vực này trở thành mục tiêu hàng đầu cho các vụ tấn công mạng.
Theo báo cáo “An ninh mạng ở ASEAN: Kêu gọi hành động khẩn cấp” của hãng tư vấn quản lý toàn cầu A.T. Kearney, 1.000 công ty hàng đầu ASEAN có thể tổn thất 750 tỷ USD do các mối đe dọa an toàn an ninh mạng.
Để ngăn chặn các mối đe dọa an toàn an ninh mạng, 10 quốc gia thành viên sẽ phải chi khoảng 171 tỷ USD vào an ninh mạng từ năm 2017 đến năm 2025.
Trong năm Singapore làm chủ tịch 2018, ASEAN đã thúc đẩy ưu tiên an ninh mạng trong chương trình nghị sự nhằm ứng phó với thực trạng này, bảo đảm các nước có thể đạt được các lợi ích toàn diện của nền kinh tế số một cách an toàn.
Tại Hội nghị Bộ trưởng về An ninh không gian mạng ASEAN (AMCC) vào tháng 9, các nước thành viên đã thông qua Chương trình khả năng mạng ASEAN (ACCP) và Trung tâm xây dựng khả năng an ninh mạng ASEAN-Nhật Bản (AJCCBC), hướng tới xây dựng một không gian mạng dựa trên các quy tắc hòa bình, an toàn và chủ động để đóng góp vào phát triển kinh tế, kết nối khu vực và cải thiện các điều kiện sống trong ASEAN.
Singapore cũng đang đầu tư vào Chương trình năng lực mạng ASEAN (ACCP) kể từ năm 2016, với mục đích tài trợ để xây dựng năng lực đối phó với các mối đe dọa kỹ thuật số ở các quốc gia thành viên ASEAN.
Bên cạnh những nỗ lực tích cực trên, ASEAN đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong quá trình xây dựng các thành phố thông minh và tăng cường an ninh không gian mạng.
Quá trình triển khai còn cần tính đến sự chênh lệch trình độ phát triển để có những giải pháp phù hợp đối với mỗi thành phố, coi trọng tương xứng các yếu tố phi công nghệ, như hệ thống luật pháp, quy định, trong việc xây dựng thành phố thông minh, việc tiếp cận và làm chủ công nghệ mới, đảm bảo an ninh an toàn mạng…
Trong khi đó, mỗi quốc gia lại có năng lực và cấp độ ưu tiên riêng về chính sách an ninh không gian mạng.
Chỉ khi các nước phối hợp thực hiện đồng bộ và triển khai sáng kiến một cách bền vững, hiệu quả thông qua việc tận dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ASEAN mới có thể đối phó thành công với các thách thức của quá trình đô thị hóa và phát triển công nghệ số.
Đây cũng là nội dung bàn thảo của hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 33 này./.